Ông Nguyễn Huy Du (phải) trong buổi lễ ra mắt sản phẩm The Smart Light năm 2018 - Ảnh: NVCC
Năm 2018, công trình Đèn học thông minh The Smart Light ứng dụng công nghệ 4.0 (IoT) giành giải nhất cuộc thi 'Tri thức trẻ vì giáo dục' do Trung ương Đoàn, Bộ GD-ĐT, báo Tuổi Trẻ và Công ty CP Thiên Long tổ chức. Giời đây sản phẩm đang hướng đến với người dùng.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Huy Du - sáng lập dự án The Smart Light - chia sẻ "đổi mới - sáng tạo" là cần thiết với phần lớn doanh nghiệp, nhất là các start-up (khởi nghiệp), tuy nhiên cần phân biệt rõ hai khái niệm "đổi mới" và "sáng tạo".
3 cột mốc từ ý tưởng đến thị trường
* Sau khi đoạt giải nhất cuộc thi "Tri thức trẻ vì giáo dục" năm 2018, ông tiếp tục phát triển sản phẩm đèn học thông minh như thế nào?
- Được trao giải thưởng cao tại "Tri thức trẻ vì giáo dục" là niềm vinh dự, nhưng thực sự trong đó cũng có cả động lực và áp lực bởi không thể để phụ niềm tin từ sự ủng hộ của các đơn vị tổ chức.
Đến nay, sau khi sản phẩm đèn học thông minh The Smart Light phiên bản SL 4.0 Classic được khách hàng trải nghiệm, cùng sự góp ý chia sẻ của các chuyên gia công nghệ, chuyên gia giáo dục trong nước và quốc tế, chúng tôi dần cải tiến với phiên bản SL 4.0 Luxury, trong đó nâng cấp kết cấu, điều chỉnh cường độ ánh sáng, chất lượng âm thanh…
Sau khi xây dựng hệ thống kênh phân phối cho sản phẩm với hơn 1.200 đại lý bán lẻ trực tiếp, chúng tôi nhận thêm đề nghị của đối tác chiến lược - cũng là nhà đầu tư trực tiếp vào mảng lắp ráp - hỗ trợ đặt xưởng lắp ráp tại Khu công nghệ cao TP.HCM với hướng mở rộng ra thị trường quốc tế là Campuchia và Pakistan.
Hiện tại, The Smart Light là một trong bộ ba sản phẩm lõi của start-up. Chúng tôi đang chờ đợi buổi trình làng hai sản phẩm còn lại là ứng dụng kết nối gia sư thông minh uTEACHER và mạng xã hội chuyên biệt trong lĩnh vực giáo dục có tên MXH.dayhoc.net.vn, dự kiến ngày ra mắt sẽ là 20-11 tới, tròn một năm từ khi nhận giấy phép hoạt động mạng xã hội của Bộ Thông tin và truyền thông.
Khi đó, The Smart Light sẽ chính thức được lên kệ rộng rãi và tạo thành một hệ sinh thái giáo dục. Chúng tôi đặt mục tiêu và có niềm tin năm 2020 sẽ vượt chỉ tiêu về doanh số đề ra ở thị trường Việt Nam.
* Từ ý tưởng đến hiện thực rồi ra thị trường, sản phẩm đèn thông minh The Smart Light đã phải trải qua những giai đoạn "sinh tử" nào?
- Đến thời điểm hiện tại, có thể kể đến 3 mốc.
Trước tiên là quyết định có nên làm hay không? Đây là dấu ấn quan trọng bởi chính thức chốt bạn đã đủ nguồn lực và sẵn sàng dấn thân vào con đường biến ý tưởng thành hiện thực hay chưa. Với The Smart Light, những anh chị có kinh nghiệm, càng thân càng phản đối kịch liệt: "Quá mạo hiểm Du ạ!", nhưng tôi vẫn có niềm tin và muốn làm.
Thứ hai là giai đoạn xây dựng đội nhóm. Chuyện "người tin thì chưa theo, người theo thì chưa tin" là không thể tránh khỏi với start-up buổi ban đầu, nên nhìn tưởng như có nhiều đồng đội nhưng thật sự vẫn như một mình. Củng cố niềm tin là điều tôi liên tục phải làm để huy động được tinh thần đội ngũ.
Cuối cùng là khi phát triển, hoàn thiện sản phẩm và nhất là xoay xở nguồn vốn sản xuất sản phẩm thương mại. Thời gian đó, start-up nhiều lần tưởng phải bỏ cuộc khi niềm tin của không ít người vơi dần bên cạnh nỗi sợ về nguy cơ mất trắng vốn đã góp khi nhiều thử thách ập tới.
Ông Nguyễn Huy Du trong buổi trải nghiệm sản phẩm với người tiêu dùng - Ảnh: NVCC
Start-up là kiểm chứng của đổi mới - sáng tạo
* Với sản phẩm The Smart Light, công nghệ đóng vai trò như thế nào?
- Trước tiên phải nói rằng chúng tôi bước vào thương trường với mô hình start-up, không phải SME (doanh nghiệp vừa và nhỏ), nên thực sự công nghệ là chìa khóa then chốt, quyết định đến tính bứt phá của doanh nghiệp khi hội tụ đủ các yếu tố cần thiết.
Bản thân start-up khởi đầu là SME, nhưng khác ở chỗ start-up phải đẩy mạnh và lấy công nghệ làm nòng cốt, còn SME thì không thật bức thiết đi đầu mà chỉ cần ứng dụng công nghệ. Ở một góc độ nào đó, nếu không coi công nghệ làm nền tảng thì không gọi là start-up.
Đến nay, chúng tôi luôn xác định tính "phù hợp" là quan trọng nhất với start-up của mình, không chỉ công nghệ, mà còn với nhân sự, đối tác, nhà đầu tư, thị trường... Theo tôi, nhiệm vụ chính của người làm công nghệ không chỉ làm ra sản phẩm tiện ích, thông minh mà còn phải thật dễ sử dụng. Người dùng mà gặp rắc rối khi sử dụng thì tôi cho rằng đó là cách tư duy sản phẩm sai lầm.
Doanh nghiệp nên mang thách thức cho đội ngũ kỹ thuật của mình, đừng vội mang đến người dùng. Cũng may mắn, trước khi khởi nghiệp tôi đã có hơn 10 năm đi làm trong môi trường có ít nhiều làm về công nghệ, vì vậy tôi phần nào hiểu được nên chọn công nghệ nào cho phù hợp.
* Theo ông, thành công của các start-up giữ vai trò gì trong quá trình đổi mới - sáng tạo?
- Theo tôi, cụm từ "đổi mới - sáng tạo" bao gồm hai quá trình riêng biệt nhưng có mối liên kết chặt chẽ giữa vòng tròn tri thức - đổi mới - tiền - sáng tạo - tri thức.
Cụ thể, đổi mới là quá trình doanh nghiệp biến những tri thức mới, cũng là những thành tựu mới trong khoa học - công nghệ, vào hoạt động sản xuất, kinh doanh để nâng cao năng suất và tạo thêm nhiều tiền. Sáng tạo thì ngược lại, là quá trình dùng tiền tiếp tục nghiên cứu để tạo nên một tri thức mới (knowledge), một giải pháp có ích không chỉ với chính doanh nghiệp mà còn cho cả cộng đồng.
Khi xác định rõ mô hình của mình là gì, thế mạnh nằm ở đâu, mục tiêu và chiến lược ngắn - trung - dài hạn là gì, doanh nghiệp mới có thể áp dụng các phương thức đổi mới hay sáng tạo phù hợp, nếu không thậm chí còn phản tác dụng.
Sản phẩm start-up thành công là kiểm chứng của chuỗi quá trình đổi mới và sáng tạo đó của doanh nghiệp, tuy nhiên không thể vội vàng. Nhiều start-up chưa đủ nguồn lực, nhất là tiền, nhưng sáng tạo trước, dẫn đến tình trạng gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là sản phẩm chưa "đến nơi", chưa phù hợp với nhu cầu và sự chấp nhận của thị trường.
Theo tôi, trước tiên, trong giai đoạn nguồn lực chưa dồi dào, start-up có thể đổi mới và tồn tại đã là một thành công, bởi không tồn tại được thì không bao giờ bứt phá.
Từ năm 2016, "Tri thức trẻ vì giáo dục" là giải thưởng thường niên do Trung ương Đoàn, Bộ GD-ĐT, báo Tuổi Trẻ và Công ty CP Thiên Long tổ chức, tìm kiếm các công trình, sáng kiến tham gia thuộc ba nhóm nội dung: đổi mới phương pháp giảng dạy và học tập; sáng chế công cụ phục vụ giảng dạy và học tập, nghiên cứu; công trình nghiên cứu trong lĩnh vực khoa học giáo dục.
Năm 2019, dự kiến vòng chấm sơ khảo và công bố các công trình, sáng kiến lọt vào chung khảo (tối đa 15 công trình, sáng kiến) sẽ diễn ra trước ngày 1-11. Chấm chung khảo và trao giải dự kiến vào ngày 10-11.
Đèn học tích hợp nhiều tính năng
Sản phẩm The Smart Light mẫu SL4.0-Gold của start-up - Ảnh: NVCC
The Smart Light - Sản phẩm đèn học thông minh ứng dụng công nghệ 4.0 (IoT) - cung cấp ánh sáng trắng công nghệ LED, với ba chế độ ánh sáng học ban ngày, buổi tối, ban đêm, giảm thiểu các tật về mắt cho người học. Đèn có thể kết nối Internet, thông qua ứng dụng uTEACHER giúp giáo viên, phụ huynh và người học trao đổi thông tin hai chiều, hỗ trợ học tập.
Hệ sinh thái còn kết nối với mạng xã hội giáo dục (MXH.dayhoc.net.vn), giúp phụ huynh dễ dàng tìm được cho con người dạy phù hợp mà không cần phải ngồi trực tiếp gần nhau. Bên cạnh đó, video của toàn bộ quá trình học tập của con được lưu trữ để phụ huynh và người dạy có thể theo dõi sự tiến bộ qua từng buổi học.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận