Không nói được tại sao cấm, thì để dân tự do kinh doanhDự thảo Luật doanh nghiệp mới: Cơ hội làm ăn không bị bỏ lỡDoanh nghiệp phải góp đủ vốn đăng ký trong 90 ngày
Việc Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đặt vấn đề: sao không đưa ngành nào có điều kiện kinh doanh vào luật... là yêu cầu cần cân nhắc để minh bạch hóa, giúp Luật doanh nghiệp vượt lên chính mình.
Luật doanh nghiệp sửa đổi lần này có nhiều cải cách như: không bắt buộc ghi ngành nghề kinh doanh trong giấy đăng ký kinh doanh, tránh khi doanh nghiệp nắm được cơ hội lại phải đi xin bổ sung ngành nghề kinh doanh. Có khi bổ sung được ngành nghề kinh doanh thì cơ hội qua mất rồi. Lần này hướng sẽ tách biệt hẳn giữa việc thành lập doanh nghiệp và kinh doanh có điều kiện. Số bước cần tiến hành để thành lập doanh nghiệp cũng giảm đi...
Theo TS Nguyễn Đình Cung - quyền viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương, đơn vị được giao chấp bút viết Luật doanh nghiệp sửa đổi lần này, nếu dự thảo luật được thông qua, vị trí của VN trong báo cáo môi trường kinh doanh của Ngân hàng Thế giới sẽ từ khoảng thứ 100 về thứ 50. Tuy nhiên, mức 50 chưa là đích cuối cùng và chắc chắn vẫn còn cần cố gắng...
Rõ ràng, các ngành nghề kinh doanh có điều kiện vẫn là một thách thức khi nhiều bộ ngành cùng được đề xuất danh mục này. Yêu cầu minh bạch hóa việc hạn chế quyền kinh doanh của dân cần được đặt ra, nhất là khi đã có không ít chỉ đạo, kiểu như hạn chế kinh doanh karaoke... dù không luật nào nêu điều này.
Song khi Chủ tịch Quốc hội đặt vấn đề, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch - đầu tư Đặng Huy Đông đã trả lời: đưa ngành nghề có điều kiện kinh doanh vào Luật doanh nghiệp là “rất khó”. Cũng dễ hiểu, vì Luật doanh nghiệp nếu được thông qua khó có thể bãi bỏ ngành thuộc diện kinh doanh có điều kiện kinh doanh đã quy định trong luật chuyên ngành khác. Bộ Kế hoạch - đầu tư cũng không dễ tham mưu rồi “cắt” ngành nghề kinh doanh có điều kiện do bộ khác quản lý. Nhưng nếu theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, viễn cảnh doanh nhân chỉ cần cầm Luật doanh nghiệp là biết ngành nghề nào cấm, kinh doanh có điều kiện... thì lại quá tốt. Và đây là một viễn cảnh đáng để... làm những việc khó. Nếu thống kê được toàn bộ ngành nghề cấm, kinh doanh có điều kiện đưa vào luật, tạo sự minh bạch, các cơ quan sẽ không thể thoải mái “đẻ” thêm ngành kinh doanh có điều kiện.
Tuy nhiên, khi đưa một ngành nghề kinh doanh có điều kiện vào luật phải hết sức chặt chẽ, bàn thảo nhiều chiều, không chiều theo ý muốn của các bộ quản lý ngành. Bởi nhiều chuyên gia đã cảnh báo: bộ ngành nào cũng cho điều kiện kinh doanh là cần thiết. Nếu không chặt chẽ, khi được “lồng” vào luật thì ít nhất hai năm sau mới có thể sửa, khi đó lợi ít hại nhiều. Vì vậy, trước khi nghiên cứu đưa các điều kiện kinh doanh - cơ sở để các bộ đưa ra “giấy phép con” vào một luật, trước hết các nhà soạn thảo cần soạn được bộ tiêu chí khoa học, được lượng hóa xem khi nào thì các bộ ngành được áp đặt điều kiện kinh doanh, “giấy phép con”... Những tiêu chí để ban hành “giấy phép con” cần cụ thể hơn, đo đếm được và phải chứng minh được nó giải quyết được tình hình trên thực tế, chứ không phải chủ yếu đáp ứng... nhu cầu quản lý của các cơ quan quản lý nhà nước.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận