17/02/2014 11:31 GMT+7

Dự thảo Luật doanh nghiệp mới: Cơ hội làm ăn không bị bỏ lỡ...

ĐÌNH DÂN ghi
ĐÌNH DÂN ghi

TT - Nhiều doanh nghiệp, luật sư và chuyên gia kỳ vọng vào sự đổi mới của Luật doanh nghiệp không chỉ tạo điều kiện cho doanh nghiệp làm ăn mà còn giảm tải cho công chức...

Được kinh doanh nếu pháp luật không cấm

* Ông Lê Đăng Phong (phó chủ tịch Câu lạc bộ giám đốc điều hành TP.HCM - CEO Club):

Luật sẽ thông thoáng, gọn nhẹ hơn

gqVQQliA.jpg
Ảnh: Đ.Dân
Việc sửa đổi Luật doanh nghiệp lần này sẽ giúp luật thông thoáng và gọn nhẹ hơn. Nếu những điều này sớm được đưa vào áp dụng sẽ tạo điều kiện nhiều hơn cho người dân tham gia hoạt động kinh doanh, sản xuất. Đơn cử như trước đây nhà đầu tư hoặc một nhóm nhà đầu tư muốn đầu tư vào một dự án thì phải thành lập một pháp nhân mới, tuy nhiên luật lần này đã tách biệt hai phạm trù này ra, tạo điều kiện cho một doanh nghiệp có thể là chủ đầu tư của nhiều dự án. Sự thay đổi này sẽ không chỉ tạo điều kiện cho chủ đầu tư mà còn giảm tải bớt công việc quản lý cho cơ quan nhà nước.

Ngoài ra, việc giảm bớt thủ tục thành lập doanh nghiệp từ chín thủ tục còn năm thủ tục là một điều đáng hoan nghênh. Việc đăng ký ngành nghề là một điểm mới. Theo dự thảo, việc đăng ký ngành nghề được thực hiện sau khi đăng ký doanh nghiệp, điều này có thể dẫn đến gặp khó khăn nếu nghị định hướng dẫn không kịp thời. Các vấn đề liên quan đến kinh doanh có điều kiện và điều chỉnh lại định nghĩa doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài là phù hợp và hợp lý.

* Ông Lê Hữu Đào (giám đốc Công ty TNHH Vĩnh Lộc Phát, TP.HCM):

Giảm thời gian, thủ tục cho doanh nghiệp

eLEurA4T.jpg
Ảnh: Đ.D.
Điểm nổi bật của dự thảo lần này là bãi bỏ việc bắt buộc đăng ký ngành nghề kinh doanh. Với luật hiện hành thì quy định muốn kinh doanh ngành nghề gì phải đăng ký. Cho dù ngành nghề đó pháp luật không cấm nhưng nếu doanh nghiệp tôi kinh doanh ngoài giấy phép kinh doanh bị coi là phi pháp. Quy định này khiến mỗi khi có cơ hội làm ăn mới muốn tham gia thì phải chờ đợi điều chỉnh giấy phép đăng ký kinh doanh mất rất nhiều thời gian. Chưa kể quy định này đẻ ra một thực tế là doanh nghiệp khi đăng ký kinh doanh cứ đăng ký hàng loạt ngành nghề, nên giấy phép hoạt động của doanh nghiệp có khi dài cả bốn năm trang riêng cho mục đăng ký ngành nghề. Cơ quan quản lý khi cần thống kê cũng chẳng rõ được là doanh nghiệp này hoạt động trong ngành nghề gì là chủ yếu. Bởi vậy, dự thảo luật sửa đổi người dân được quyền kinh doanh tất cả những gì mà pháp luật không cấm chứ không chỉ trong lĩnh vực giấy phép nêu trên là đổi mới lớn.

Ngoài ra, từ chỗ toàn bộ quá trình thực hiện các thủ tục liên quan để một doanh nghiệp ở ta đi vào hoạt động là 34 ngày, dự thảo luật giảm xuống chỉ còn 20 ngày. Đây là điều mà có thể nói doanh nghiệp rất mong đợi, chứ nhiêu khê như bây giờ có khi mất cả tháng chưa xong một giấy phép.

Tôi hi vọng rằng những đổi mới trong Luật doanh nghiệp sửa đổi lần này là những đổi mới từ bên trong, từ bản chất của vấn đề chứ không phải “bình mới rượu cũ”. Luật thay đổi và tư duy của giới công chức, viên chức cũng phải điều chỉnh để tạo điều kiện dễ dàng cho doanh nghiệp hoạt động.

* Ông Lương Văn Lý (chuyên gia tư vấn đầu tư):

Hậu kiểm có “gánh” nổi?

0Rupkc83.jpg
Ảnh: CTV
Cải cách Luật doanh nghiệp lần này là một bước tiến tốt, nhưng cải cách theo hướng đó thì kéo đến việc gần như là cơ cấu tổ chức lại bộ máy. Đây là công việc rất khó khăn chứ không phải ra luật là xong. Đơn cử như quy định tất cả những gì luật pháp không cấm thì doanh nghiệp sẽ được làm. Nói vậy có nghĩa doanh nghiệp chỉ cần đến thông báo cho cơ quan quản lý nhà nước là tôi sẽ làm cái đó, nếu điều đó luật pháp không cấm thì doanh nghiệp cứ tự do thực hiện. Nếu được như vậy thì đây là bước tiến đáng mừng, bởi chuyện này đã được bàn từ lâu rồi nhưng trên thực tế chưa làm được như vậy. Doanh nghiệp nước ngoài cũng sẽ rất hoan nghênh điều này, qua đó chúng ta sẽ cải thiện được môi trường để thu hút đầu tư. Nhưng đây cũng chỉ là ban đầu thôi, vì còn phải chờ nghị định hay văn bản dưới luật sẽ đưa ra những kiểm soát, khống chế nào nữa.

Mặt khác, nếu làm như vậy bộ máy hậu kiểm của Nhà nước có đủ để đảm đương hay không vì toàn bộ gánh nặng sẽ chuyển về khâu hậu kiểm. Vậy nên nếu giữ bộ máy, cơ cấu tổ chức như hiện nay e rằng không làm nổi chuyện hậu kiểm này. Cụ thể là chuyện tổ chức và phân công làm hậu kiểm như thế nào cho rõ ràng, chứ như hiện nay là tình trạng “cha chung không ai khóc”.

* Luật sư Hà Hải (Hội Luật sư TP.HCM):

Đơn giản hóa thủ tục

CSfcybwf.jpg
Ảnh: Đ.D.
Tinh thần của bộ luật sửa đổi đang hướng tới tự do kinh doanh trong một nền kinh tế thị trường, tuy nhiên đi từ tinh thần nội dung soạn thảo mới vào thực tế còn một quá trình rất dài. Để hiện thực hóa luật này thì các văn bản dưới luật, các nghị định liên quan phải sửa đổi và sửa đổi tận gốc. Tinh thần của luật mới là anh muốn kinh doanh cứ việc đăng ký, còn uy tín của anh làm được hay không là do thị trường quyết định thông qua vốn, nhà đầu tư, chủ đầu tư chứ không phải Nhà nước. Và điểm nữa là trình tự thủ tục đăng ký kinh doanh đã được đơn giản hóa đến mức tối đa, tạo điều kiện tốt nhất cho người dân trong việc đăng ký kinh doanh.

Tuy nhiên quy định mới cho phép công dân có quyền kinh doanh tất cả các ngành nghề mà luật không cấm, nhưng đối với ngành nghề có điều kiện thì chưa rõ sẽ quy định thế nào. Còn nếu cứ nói cái gì luật không cấm thì được kinh doanh sẽ dẫn đến nhiều bất ổn. Ví dụ như tại thời điểm này chưa có bất cứ văn bản pháp lý nào cấm công dân kinh doanh về ngoại hối... Bản thân luật hiện hành hiện nay cũng đã có hai hình thức. Thứ nhất, khi anh nộp hồ sơ đăng ký kinh doanh thì phải xem anh có thỏa mãn điều kiện không mới cấp phép. Thứ hai, đối với một số ngành nghề nhất định cứ cấp phép đăng ký kinh doanh rồi anh muốn tổ chức hoạt động kinh doanh thì phải thỏa mãn điều kiện đưa ra thông qua các giấy phép con. Nay dự thảo Luật doanh nghiệp mới mở bung ra hết e rằng phải thay đổi rất nhiều luật và văn bản pháp lý liên quan.

ĐÌNH DÂN ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên