Đánh giá về kinh tế nửa nhiệm kỳ, nguyên phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Sỹ Dũng cho rằng so với các nước xung quanh, kinh tế của Việt Nam có những bước tiến đáng ghi nhận. Kinh tế vĩ mô ổn định, tăng trưởng dù chậm hơn tốc độ đề ra nhưng vẫn ở mức tương đối.
Ngoại giao kinh tế rất giỏi
Đặc biệt, Việt Nam không chỉ có ngoại giao vắc xin mà ngoại giao kinh tế rất giỏi, tạo điều kiện hợp tác với tất cả các nước và đây là "điều chưa từng có”, theo ông Dũng.
Đề cập đến việc ông Jensen Huang, CEO Tập đoàn Nvidia vừa đến Hà Nội, ông Dũng cho rằng việc này đánh dấu định hướng ngoại giao kinh tế chuyển sang chất lượng cao hơn, như hợp tác làm chip bán dẫn.
Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Phan Đức Hiếu nhìn nhận một số chỉ tiêu kinh tế - xã hội thấp hơn kỳ vọng. Nhưng ngoài con số “cân đo đong đếm được”, cũng cần tính tới các chính sách, nguồn lực Nhà nước hỗ trợ người dân, doanh nghiệp vượt qua khó khăn.
Đồng tình, PGS.TS Trần Đình Thiên - chủ tịch Hội đồng khoa học Viện Kinh tế Việt Nam - cũng đánh giá giữa thế giới bất ổn như 3 năm gần đây, Việt Nam vẫn tăng trưởng, kinh tế vĩ mô ổn định, là một thành công.
“Trong bối cảnh sóng gió và biến động kinh khủng như vậy, bên cạnh việc kiên định những cái “bất biến”, Việt Nam vẫn có những cái “ứng vạn biến”, mà nhờ vào đó đã ứng phó được với khó khăn và giữ được cái “bất biến”, ông Thiên cho rằng nửa nhiệm kỳ qua, không gian phát triển của Việt Nam đã được mở rộng, không bị “đóng cứng” như trước.
Tuy vậy, ông Thiên cũng chỉ ra kinh tế Việt Nam "chưa bao giờ khó như hiện nay" nên cần nhìn nhận và đánh giá lại. "Kinh tế sáng nhưng sáng ra sao? Vì sao doanh nghiệp vừa qua rời bỏ thị trường, đóng cửa nhiều đến vậy?", ông đặt câu hỏi.
Từ việc nhiều tập đoàn công nghệ gần đây vào Việt Nam tìm hiểu cơ hội và đặt nền móng đầu tư, ông Thiên cho rằng cần phải thay đổi cách tiếp cận để định hình chiến lược, tìm giải pháp hiệu quả hơn trong nửa nhiệm kỳ sau và nhiệm kỳ tới. Cùng đó, cần cải cách về thể chế, chính sách căn cơ hơn.
Nỗ lực cải cách thể chế
TS Nguyễn Sỹ Dũng cũng cho rằng Việt Nam phải chịu ảnh hưởng lớn từ nền kinh tế thế giới nhưng với độ mở lớn, những ngành tạo ra nhiều việc làm cho người dân như dệt may, da giày sẽ phải chịu thách thức lớn. Vì vậy, cần tăng khả năng chống chịu của kinh tế Việt Nam, coi đây là một phần của chính sách, tránh hoàn toàn phụ thuộc vào nước ngoài.
Đi cùng với đó, cần cân đối lại định hướng xuất khẩu khi cơ cấu kinh tế đang phụ thuộc phần lớn vào hoạt động xuất khẩu và thị trường thế giới. Vì vậy, nếu không có chính sách khơi thông nguồn lực trong nước, sẽ luôn có rủi ro.
"Xuất khẩu ra thị trường thế giới vẫn là định hướng nên giữ, nhưng rõ ràng cần chiến lược để thúc đẩy khai thác thị trường nội địa, bởi đây là thị trường rất quan trọng, lớn với trăm triệu dân", ông Dũng nói.
Đồng thời, ông Dũng cho rằng cần cải cách chính sách thuế do đang cao hơn so với các nước, điển hình như thuế thu nhập doanh nghiệp. Điều này khiến doanh nghiệp phải tìm đầu tư ở những nơi có thuế thấp hơn và trả lời cho câu hỏi "Vì sao doanh nghiệp Việt Nam lại sang Singapore khởi nghiệp?".
Nguyên phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cũng đề nghị cần hoàn thiện thể chế, trong đó chống tham nhũng nhưng phải đảm bảo an toàn pháp lý cho bộ máy.
"Nếu bộ máy Nhà nước sợ đến mức không dám làm gì, kinh tế Việt Nam sẽ vô cùng khốn đốn. Vì vậy phải đảm bảo an toàn cho bộ máy. Cái gì đúng, thủ tục đúng thì làm, không nên chính trị hóa những chuyện liên quan đến nền công vụ", ông Dũng nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận