Công an TP.HCM cấp căn cước công dân gắn chip cho người dân - Ảnh: MINH HÒA
Từ ngày 1-5, Công an TP.HCM sẽ tổ chức thu nhận hồ sơ cấp căn cước công dân (CCCD) gắn chip cho người tạm trú tại TP.HCM.
Theo Phòng cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (PC06), bên cạnh nhân khẩu thường trú tại TP.HCM công an vẫn tiếp nhận hồ sơ làm CCCD như lâu nay thì từ 1-5, Công an TP tiếp nhận song song hồ sơ làm CCCD cho nhân khẩu tạm trú.
Làm CCCD tại công an các quận, huyện
Trước đây, theo dự kiến từ ngày 1-7 Công an TP.HCM mới tiếp nhận hồ sơ cấp CCCD cho nhân khẩu tạm trú. Như vậy, so với dự kiến, việc tiếp nhận hồ sơ diện tạm trú được tiến hành sớm hơn 2 tháng.
Theo thông tin từ PC06, người dân cần nắm rõ một số thông tin cần thiết liên quan để đi làm CCCD được thuận lợi. Cụ thể:
1. Nhân khẩu tạm trú được tiếp nhận hồ sơ làm CCCD: là người thường trú tại các tỉnh thành khác. Như vậy người tạm trú cần phải bảo đảm điều kiện là phải có nơi thường trú tại bất cứ tỉnh, thành khác. Đồng nghĩa với việc người tạm trú phải có hộ khẩu.
2. Địa điểm tiếp nhận hồ sơ: Người dân đến các điểm tiếp nhận hồ sơ tại Công an TP Thủ Đức và công an 21 quận, huyện trên địa bàn TP.HCM. Tại trụ sở Phòng PC06 không tiếp nhận hồ sơ.
Hiện cán bộ, thiết bị của PC06 được tăng cường về TP Thủ Đức và các quận, huyện để hỗ trợ, giúp các địa phương đạt tiến độ được giao. Hai xe cấp CCCD lưu động của PC06 vẫn thực hiện cấp lưu động tại các quận, huyện, ưu tiên cấp cho trường học, bệnh viện...
Các loại giấy tờ người tạm trú cần đem theo
Nhiều người thắc mắc khi đi làm CCCD cần chuẩn bị hồ sơ, giấy tờ gì, sổ hộ khẩu sao y chứng thực có được chấp nhận, không có thường trú (sổ hộ khẩu) có làm CCCD được không? Đại diện PC06 cho biết khi đi làm thủ tục, người dân không cần mang theo bất cứ giấy tờ gì để chứng minh về việc đang tạm trú tại TP.HCM.
Người dân chỉ cần mang theo giấy tờ chứng minh về nơi thường trú của mình.
Như vậy, người dân cần phải mang theo CMND/CCCD cũ, sổ hộ khẩu để cán bộ tiếp nhận, đối chiếu dữ liệu. Giấy khai sinh hoặc một số giấy tờ hộ tịch khác chỉ yêu cầu xuất trình khi cán bộ cần phải đối chiếu, xác minh một số dữ liệu về ngày tháng sinh, hộ tịch... mà trên CMND/CCCD và sổ hộ khẩu bị thiếu, không rõ ràng...
Về vấn đề sử dụng thay thế sổ hộ khẩu sao y chứng thực cho sổ hộ khẩu bản chính: Phòng PC06 cho hay sổ hộ khẩu sao y chứng thực không được cán bộ tiếp nhận chấp nhận. Theo hướng dẫn của Bộ Công an, để đối chiếu thông tin, người dân cần xuất trình sổ hộ khẩu bản chính.
Như vậy người tạm trú tại TP.HCM cần mang theo sổ hộ khẩu bản chính để được tiếp nhận hồ sơ giải quyết cấp CCCD tại TP.HCM. Vậy nên người tạm trú có thể về quê hoặc nhờ người thân ở quê gửi sổ hộ khẩu bản chính lên/vào TP.HCM (nếu không mang theo sổ hộ khẩu bản chính tại TP.HCM).
Tình huống này, người dân tạm trú có thể cân nhắc việc về quê làm CCCD hoặc mang sổ hộ khẩu đến TP.HCM để làm CCCD. Cần lưu ý bảo vệ sức khỏe cho bản thân, gia đình khi di chuyển về quê và quá trình đi làm CCCD trong tình hình dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến phức tạp.
CCCD gắn chip (hoặc CMND trước đây) có ghi nhận thông tin nơi thường trú của người dân. Vì vậy, để làm được CCCD người dân cần phải có nơi thường trú (sổ hộ khẩu). Trường hợp người dân không có nơi thường trú (không có hộ khẩu) kéo theo không có giấy tờ CMND thì hiện nay cơ quan chức năng chưa giải quyết cấp CCCD được.
Không có hộ khẩu - nơi thường trú không giải quyết cấp CCCD
Trường hợp người dân bị xóa khẩu thì cần nhập hộ khẩu lại để được cấp đổi CCCD.
Trường hợp người dân chưa có đăng ký thường trú thì cần đăng ký (nhập hộ khẩu) theo các diện như: vợ về ở với chồng; chồng về ở với vợ; con về ở với cha, mẹ; cha, mẹ về ở với con; người hết tuổi lao động, nghỉ hưu, nghỉ mất sức, nghỉ thôi việc chuyển về ở với anh, chị, em ruột;
Người tàn tật, mất khả năng lao động, người bị bệnh tâm thần hoặc bệnh khác làm mất khả năng nhận thức, khả năng điều khiển hành vi về ở với anh, chị, em ruột, cô, dì, chú, bác, cậu ruột, người giám hộ; người chưa thành niên không còn cha, mẹ hoặc còn cha, mẹ nhưng cha, mẹ không có khả năng nuôi dưỡng về ở với ông, bà nội, ngoại, anh, chị, em ruột, cô, dì, chú, bác, cậu ruột, người giám hộ; người thành niên độc thân về sống với ông, bà nội, ngoại…
Trường hợp này người dân cần sử dụng giấy khai sinh và hồ sơ theo quy định để nhập hộ khẩu và tiếp tục làm CCCD.
Đối với trường hợp người không có quốc tịch Việt Nam (người nước ngoài, người không quốc tịch…) kéo theo không có các giấy tờ hộ tịch, nhân thân (khai sinh, hộ khẩu, CMND…) thì không có cơ sở để cơ quan chức năng giải quyết cấp CMND/CCCD theo quy định.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận