Nam giới chúc tụng nhau tại một quán bia hơi ở Hà Nội - Ảnh: TTO
Phát biểu tại hội nghị triển khai thực hiện Luật phòng chống tác hại của rượu bia tổ chức ngày 16-10 tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết đây là đạo luật được xây dựng một cách rất khó khăn do "có xung đột lợi ích".
Theo bà Tiến, việc luật ra đời với nhiều quy định mới sẽ kiểm soát được phần nào các yếu tố nguy cơ với sức khỏe, đặc biệt là các bệnh không lây như bệnh tim mạch, ung thư, tiểu đường...
Theo bà Trần Thị Trang - phó vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế, từ ngày 1-1-2020 khi luật có hiệu lực, nhiều hành vi sẽ bị nghiêm cấm: thúc đẩy, xúi giục, lôi kéo, ép buộc người khác uống rượu bia; cán bộ, công chức, học sinh sinh viên, lực lượng vũ trang uống rượu bia trong giờ hành chính hoặc giờ nghỉ trưa; điều khiển phương tiện cơ giới khi đã uống rượu bia...
Ông Ki Dong Park - trưởng đại diện Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam - cho biết kinh nghiệm của các nước đã thành công trong hạn chế tác hại của rượu bia bao gồm chính sách hạn chế quảng cáo, hạn chế tính sẵn có của rượu bia và ngưng bán rượu bia cho người dưới 18 tuổi (có quốc gia cấm bán rượu bia cho người dưới 21 tuổi).
Ông Park chia sẻ Luật phòng chống tác hại của rượu bia đã có một số quy định áp dụng các kinh nghiệm này. Theo các chuyên gia của Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam, tại Thái Lan sau khi luật về rượu bia ban hành năm 2008, tỉ lệ người Thái trên 15 tuổi sử dụng rượu bia ở mức nguy hại đã giảm 20% so với năm 2003-2004.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận