26/09/2020 10:49 GMT+7

Truyện Kiều có trước hay sau Kim Vân Kiều truyện?

ĐOÀN LÊ GIANG
ĐOÀN LÊ GIANG

TTO - Bài báo "Thử giải mã lại Truyện Kiều" nhận được nhiều sự quan tâm của bạn đọc yêu Truyện Kiều, trong đó có nhiều quan điểm trái chiều. Tuổi Trẻ giới thiệu bài viết của PGS.TS Đoàn Lê Giang (Trường ĐH KHXH&NV, ĐHQG TP.HCM) về vấn đề này.

Truyện Kiều có trước hay sau Kim Vân Kiều truyện? - Ảnh 1.

Trang cuối cuốn 7 của Thông tục Kim Kiều truyện, dòng 3 từ trái qua ghi năm xuất bản: Bảo Lịch thứ 13, Quý Mùi, chính nguyệt (tháng Giêng 1763) - Ảnh: Đ.L.GIANG

Ý tưởng chung của ông Lê Nghị được dẫn lại trong bài "Thử giải mã lại Truyện Kiều" là muốn chứng minh Truyện Kiều của Nguyễn Du không phải là sáng tác trên cơ sở cốt truyện Kim Vân Kiều truyện của Trung Quốc, mà ngược lại Truyện Kiều có trước, sau đó nhóm Thanh Tâm Tài Tử người Việt Nam diễn thành Kim Vân Kiều truyện, từ đó truyền sang Trung Quốc thành Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân, lưu ở Thư viện Đại Liên (nơi vẫn coi là tìm ra một trong các bản cổ Kim Vân Kiều truyện của Trung Quốc), và người Trung Quốc nhận là sáng tác của họ.

Quan điểm này đi ngược lại những nghiên cứu lâu nay của các học giả Việt Nam và nước ngoài, từ Phạm Quỳnh, Lê Thước, Phan Sĩ Bàng, Đào Duy Anh, Hoàng Xuân Hãn, Dương Quảng Hàm, Giản Chi và các học giả sau này.

Những ghi nhận của sách Hán Nôm cổ cùng với quá trình nghiên cứu của các học giả 100 năm nay cho thấy: Kim Vân Kiều truyện của Trung Quốc có trước, Truyện Kiều của Nguyễn Du được sáng tác trên cốt truyện ấy có sau nhưng trở thành kiệt tác của văn học thế giới.

Tuy nhiên, ông Lê Nghị đưa ra luận điểm rằng Kim Vân Kiều truyện của Trung Quốc lưu ở Thư viện Đại Liên là sách giả. Nói như vậy là không có cơ sở, nhưng để cho rõ ràng, tôi xin đi đường vòng, không dùng tư liệu Trung Quốc nữa mà dùng tư liệu Nhật Bản.

Truyện Kiều của Nguyễn Du đã được dịch ra tiếng Nhật từ khá sớm, người dịch là nhà văn nổi tiếng Komatsu Kiyoshi. Người Nhật đặc biệt yêu thích Truyện Kiều qua bản dịch này, trong vòng 6 năm nó được tái bản đến 3 lần (1942, 1943, 1948).

Nhờ thế các học giả Nhật Bản mới chú ý tìm xem có Kim Vân Kiều truyện của Trung Quốc truyền đến Nhật Bản không. Họ phát hiện ra ở Nhật có các bản dịch, phóng tác Kim Vân Kiều truyện khá phong phú.

Trong đó, sớm nhất có thể kể tới bản Kim Kiều truyện dịch sang tiếng Nhật thành Tú tượng Thông tục Kim Kiều truyện (Kim Kiều truyện thông tục có tranh minh họa) của Nishida Korenori được xuất bản vào năm Bảo Lịch 13 (1763).

Bản này được lưu giữ ở Thư viện Đại học Tenri, gồm 7 sách, 5 quyển, 20 hồi. Cuối sách 7 có ghi: "Tháng Giêng, năm Quý Mùi, Bảo Lịch thứ 13 (1763)". Như vậy, bản dịch xuất hiện 3 năm trước khi thi hào Nguyễn Du ra đời vào năm 1766.

Năm 2003, tôi đến Thư viện Đại học Tenri (gần Nara) để nhìn tận mắt, sờ tận tay bản dịch Thông tục Kim Kiều truyện và xin sao chụp lại (318 trang, khổ 28 cm x 36 cm, 20 tranh minh họa). Tôi được biết GS Trần Đình Sử cũng có cuốn này từ năm 1996 khi ông đi Nhật.

Gần đây, nhà nghiên cứu Vương Trung Hiếu cũng đã tìm được những tư liệu mới nhất về Kim Vân Kiều truyện ở Nhật Bản.

Ông đã giới thiệu bài Ảnh hưởng của tiểu thuyết tài tử giai nhân Trung Quốc - Trường hợp Bakin của GS Isobe Yūko (trích từ kỷ yếu của Đại học Takaoka, quyển thứ 18, xuất bản 2003 tại Nhật Bản). GS Isobe Yūko cho biết:

"Kim Vân Kiều truyện của Trung Quốc du nhập vào Nhật Bản trong thời kỳ Edo (1603 - 1868), từ đó về sau có nhiều bản dịch truyện này sang tiếng Nhật.

Năm 1763, xuất hiện bản dịch Thông tục Kim Kiều truyện của Nishida Korenori, được xem là bản dịch Kim Vân Kiều truyện của Trung Quốc sớm nhất".

Với tư liệu như thế về năm xuất hiện bản dịch Kim Vân Kiều truyện của Nhật Bản, vấn đề Kim Vân Kiều truyện có trước, Truyện Kiều sáng tạo lại, chuyển thể thành truyện thơ từ tác phẩm này là đã rõ.

Sinh viên Lào thi tìm hiểu Nguyễn Du và Truyện Kiều cùng người Việt Sinh viên Lào thi tìm hiểu Nguyễn Du và Truyện Kiều cùng người Việt

TTO - 5 sinh viên Lào đang theo học Trường cao đẳng Văn hóa, thể thao, du lịch Hà Tĩnh đã có những bài luận hàng chục trang giấy tham dự cuộc thi tìm hiểu về Nguyễn Du và Truyện Kiều cùng với các giáo viên, học sinh, sinh viên người Việt.

ĐOÀN LÊ GIANG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên