01/11/2015 08:47 GMT+7

Truyền cảm hứng khoa học cho trẻ em

D. KIM THOA (THEO TED)
D. KIM THOA (THEO TED)

TT - Ở ngôi trường Harbour tại Hong Kong, thầy Cesar Harada đã truyền cảm hứng đam mê khoa học và sáng tạo trong lĩnh vực bảo vệ môi trường cho những đứa trẻ trong độ tuổi từ 6-15.

Thầy Cesar Harada bên các học trò của mình - Ảnh: Improbalbe Production
Thầy Cesar Harada bên các học trò của mình - Ảnh: Improbalbe Production

Người thầy giáo mang hai dòng máu Pháp - Nhật Cesar Harada đã biến lớp học của mình thành một không gian thử nghiệm rộng lớn mà ở đó những đứa trẻ giàu trí tưởng tượng được thoải mái chơi với gỗ, kim loại, các đồ chuyên ngành hóa chất, sinh học, quang học và đôi khi cả những thiết bị điện để tìm giải pháp cho những vấn đề đang đe dọa các đại dương trên thế giới.

Ở đó, thầy Cesar Harada dạy lại các em bài học mà thuở bé cha mẹ từng nói với anh: “Con có thể bày bừa, nhưng sau khi chơi xong con phải tự dọn dẹp lại”. Với thầy Cesar, đó là bài học đầu tiên trong đời giúp anh hiểu rằng sự tự do luôn đi kèm với trách nhiệm tương ứng. Sự tự do đó đã mở ra trong đầu đứa trẻ là anh khi đó cả một thế giới đầy mơ mộng và sáng tạo.

Tuy nhiên càng lớn lên, anh càng cảm thấy người lớn thường gây ra hàng tá những rắc rối, bề bộn, song họ lại không giỏi lắm trong việc dọn dẹp chúng. Điều này đặc biệt rõ trong vấn đề môi trường.

Là chuyên gia tìm kiếm giải pháp trong việc khắc phục các sự cố môi trường nghiêm trọng do con người gây ra như tràn dầu hay rò rỉ phóng xạ, việc làm sạch đại dương là mối quan tâm lớn của Cesar. Ngày nay, hơn 80% đại dương thế giới bị ô nhiễm vì rác thải nhựa. Trong nhiều thập kỷ qua, người ta đã phải đưa tàu lớn mang theo những tấm lưới khổng lồ ra đại dương vớt rác thải. Rõ ràng đó là việc làm vô cùng tốn kém và ẩn chứa không ít rủi ro.

Và thầy giáo Cesar đã cùng các học trò nhỏ từ 6-15 tuổi tìm kiếm giải pháp tốt hơn cho vấn đề này. Họ biến lớp học nhỏ tại Hong Kong thành một công xưởng nghiên cứu với những chiếc bàn xử lý vật liệu cao thấp khác nhau để ngay cả học trò bé nhất cũng có thể tham gia công việc. Anh dí dỏm nói: “Nói cho bạn biết nhé, trẻ em dùng thiết bị điện rất giỏi và an toàn đấy!”.

Tại “công xưởng lớp học” này, họ thu thập các mảnh nhựa và nghiền chúng ra theo kích cỡ các mẩu rác thải đang trôi nổi trên đại dương. Thầy Cesar khuyến khích mọi phương án đề xuất nảy ra từ trí tưởng tượng phong phú và không hề bị giới hạn của học trò.

Và như anh nói một cách vô cùng khiêm tốn, nhiệm vụ của anh chỉ là thu thập những điểm hay nhất trong ý tưởng của mỗi đứa trẻ và kết hợp lại thành một giải pháp nào đó có vẻ khả thi nhất.

Thế rồi cả thầy và trò đã đi đến được một mẫu thiết kế robot có khả năng nhận biết những mẩu rác thông qua thiết bị cảm ứng và truyền tải thông tin về máy tính. Từ đó, qua chương trình xử lý, họ có thể ước tính được có bao nhiêu rác thải đang trôi nổi trong nước.

Nhưng không dừng ở đó, các em nhỏ đam mê sáng tạo ở Hong Kong còn là những đứa trẻ “siêu kết nối”. Khi lên mạng Internet, chúng bị sốc khi bắt gặp hình ảnh một em bé chưa tới 10 tuổi đang rửa tay trong nước bị nhiễm dầu ở Sundarbans, khu rừng ngập mặn lớn nhất thế giới tại Bangladesh. Vì nước ở đó màu nâu, bùn và dầu cũng có màu nâu nên khi tất cả hòa trộn vào nhau, rất khó để biết trong nước có gì.

Tuy nhiên có một cách đơn giản là dùng phép đo phổ. Khi chiếu ánh sáng qua các chất khác nhau sẽ tạo ra các quang phổ khác nhau và người ta sẽ biết có những gì trong nước. Thầy và trò của lớp học ở Hong Kong đã tạo ra một thiết bị máy đo phổ như thế, lắp thêm dụng cụ cảm ứng và chuyển tới Bangladesh để giúp những đứa trẻ ở đó.

Cứ như thế, trong từng việc, thầy Cesar đều tìm cách nêu vấn đề, khuyến khích học trò suy nghĩ giải pháp. Anh thường đặt ra những câu hỏi kiểu như “Làm thế nào chúng ta có thể sáng tạo cho tương lai của việc di chuyển bằng nguồn năng lượng có thể tái tạo?”, hay “Liệu chúng ta có thể giúp những người già đi lại tốt hơn bằng việc thay đổi những chiếc xe lăn truyền thống thành các phương tiện đi lại dùng điện tiện dụng hơn không?”...

Trân trọng tinh thần sáng tạo và đam mê trong việc truyền cảm hứng nghiên cứu khoa học cho trẻ, anh Cesar Harada cho rằng: “Đã đành nhựa, dầu và phóng xạ là những di sản tồi tệ, rất tồi tệ, nhưng di sản tồi tệ nhất chúng ta có thể để lại cho thế hệ con cái là những lời nói dối. Chúng ta không nên che giấu chúng sự thật xấu xa vì chúng ta cần trí tưởng tượng của chúng để tìm ra các giải pháp”.

Và đó cũng là động lực để anh tận tụy trong việc chuẩn bị một thế hệ biết quan tâm tới môi trường và quan tâm tới mọi người như thế trong không gian lớp học tại Hong Kong.

D. KIM THOA (THEO TED)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên