Cô gái trẻ Maggie Doyne bên những thành viên của Nhà cô nhi ở thung lũng Kopila - Ảnh: CNN |
Cô đã sống trong một ngôi chùa Phật giáo, từng tham gia giúp đỡ xây đê quai chắn biển ở Fiji, sau đó tới Ấn Độ và làm việc với những người tị nạn Nepal. Tại đó, cô gặp một bé gái muốn tìm về gia đình đã thất tán đang ở Nepal. Doyne quyết định đi cùng em. Và đó là khi cô nhận ra bước ngoặt lớn của đời mình.
Cuộc nội chiến kéo dài hàng thập kỷ vừa chấm dứt tại quốc gia Nam Á này và Doyne tận mắt chứng kiến nhiều hậu quả nặng nề của nó. Cô đã gặp những người phụ nữ và các emé vẫn đang phải hằng ngày cực nhọc với cuộc sinh tồn. b
“Điều đó đã thay đổi tôi - Doyne nay đã 28 tuổi nói - Tôi đã gặp những đứa trẻ hằng ngày phải xách búa xuống lòng sông, vác lên các tảng đá lớn rồi đập nhỏ ra để bán. Ngày nào chúng cũng làm như vậy”.
Doyne liên lạc với cha mẹ, nhờ họ gửi cho cô 5.000 USD cô kiếm được từ tiền thù lao trông trẻ.
Năm 2006, cô mua một mảnh đất tại Surkhet, một quận nằm ở phía tây Nepal. Cô mất hai năm làm việc với chính quyền địa phương để dựng lên trung tâm mang tên Kopila Valley Children's Home (Nhà cô nhi ở thung lũng Kopila).
Theo tiếng Nepal, “Kopila” còn có nghĩa là “nụ hoa”. Tới nay, Nhà cô nhi ở thung lũng Kopila đang nuôi dưỡng khoảng 50 đứa trẻ, đứa nhỏ nhất mới 8 tháng tuổi, đứa lớn nhất đã 16 tuổi.
Nuôi dưỡng 50 đứa trẻ dưới một mái nhà rõ ràng là việc không đơn giản. Nhưng theo Doyne, để mọi việc được suôn sẻ, các thành viên trong gia đình có trách nhiệm chia sẻ và giúp đỡ nhau. Mỗi người mỗi việc, buổi sáng mọi người thức giấc và cùng tới trường.
Sau khi về nhà, lũ trẻ cùng nấu nướng, ăn tối và học bài, sau đó tất cả đi ngủ. Bọn trẻ gọi những người giúp đỡ chúng trong nhà là các bác, các dì.
Doyne đã ưu tiên dành ngôi nhà cho những em nhỏ mồ côi cả cha lẫn mẹ. Trong một số trường hợp cá biệt, cô cũng tiếp nhận các trường hợp bị cha mẹ bỏ rơi, đánh đập hoặc những em có cha mẹ phải ngồi tù.
Để hỗ trợ đúng đối tượng, cô đã phải điều tra lý lịch rất kỹ lưỡng. Thường thì phải tới làng của mỗi đứa trẻ, gọi điện thoại, nhờ cảnh sát giúp đỡ để có thêm thông tin. Doyne và các cộng sự của cô cũng phải kiểm tra giấy chứng sinh, chứng tử để đảm bảo những thông tin chúng khai báo là chính xác.
Doyne cũng khởi động Quỹ BlinkNow để hỗ trợ và phát triển thêm những công việc đang làm. Năm 2010, nhóm của cô đã mở thêm Trường Kopila Valley (trường ở thung lũng Kopila). Hiện trường có hơn 350 học sinh.
Mỗi năm Trường Kopila tiếp nhận từ 1.000 đến 1.500 đơn xin học, nhưng trung tâm của Doyne chỉ lựa chọn những em nhỏ cần giúp đỡ nhất. Doyne cho biết rất nhiều những em đó sống trong túp lều đất đơn sơ, hầu hết chúng chỉ đang tồn tại chứ không phải sống nữa.
Đó là lý do cô và các cộng sự muốn giảm bớt gánh nặng cho gia đình các em, giúp các em được ăn no, được chăm sóc sức khỏe, có sách vở và được học hành miễn phí.
Bắt đầu từ một ngôi nhà và sau đó là một ngôi trường, nhóm của Doyne đang triển khai chương trình bữa ăn trưa ở trường học. Tiếp đó họ hướng tới việc giữ cho lũ trẻ thật sự khỏe mạnh và đã bắt đầu mở một phòng khám nhỏ, một trung tâm tư vấn y tế.
Họ cũng chủ trương tạo dựng nguồn cung cấp thực phẩm dồi dào và ổn định hơn, thành lập một trung tâm dành cho phụ nữ.
Doyne cho biết cô vừa mua một mảnh đất nữa để thành lập khu học xá xanh. Năm nay, họ đã quyết định chuyển sang dùng năng lượng mặt trời. Tiếp tới đây họ sẽ có thêm một trường cấp III, một trường mẫu giáo, trường tiểu học và cả một trung tâm dạy nghề cho thanh thiếu niên.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận