27/09/2015 10:14 GMT+7

Ông mục sư trồng rau để chăm sóc cộng đồng

D.KIM THOA (THEO CNN), DUONGKIMTHOA@TUOITRE.COM.VN
D.KIM THOA (THEO CNN), DUONGKIMTHOA@TUOITRE.COM.VN

TT - Với 20 mảnh đất cùng khoảng 80 “cộng sự” là các em nhỏ, một mục sư ở Bắc Carolina (Mỹ) đã giúp thay đổi diện mạo cả một giáo khu thông qua việc trồng rau và nuôi ong.

Mục sư Richard Joyner - Ảnh: Conservationfund
Mục sư Richard Joyner - Ảnh: Conservationfund

Nằm cách thủ phủ Raleigh của tiểu bang Bắc Carolina khoảng một giờ xe chạy về phía đông là thị trấn Conetoe với đa số dân là người Mỹ gốc Phi. Bao quanh đây là đất nông nghiệp nhưng cửa hàng rau gần nhất lại cách tới 10 dặm đường (16km). Thực tế này khiến Conetoe trở thành một trong rất nhiều “sa mạc thực phẩm” vì không hề sẵn thức ăn tươi.

Tuy nhiên trong khoảng 10 năm qua, nhờ sáng kiến và nỗ lực của mục sư Richard Joyner, người phụ trách giáo khu, Conetoe đã trở thành tâm điểm của phong trào sống tốt.

Với các khu vườn cộng đồng được trồng trên khoảng 20 mảnh đất, có những mảnh rộng tới 10ha, tổ chức phi lợi nhuận Conetoe Family Life Center (Trung tâm cuộc sống gia đình Conetoe) của mục sư Joyner đã không chỉ giúp đảm bảo nguồn cung thực phẩm dồi dào mà còn mang lại những giá trị kết nối cộng đồng đặc biệt.

Hơn 80 đứa trẻ đã cùng chung tay với mục sư Joyner từ việc lên kế hoạch, trồng cây và thu hoạch hơn 20.000kg thực phẩm tươi mỗi năm. Phần lớn sản phẩm trong đó được tặng cho người dân địa phương. Ngoài ra các em học sinh còn đem bán nông sản cho nhà hàng, doanh nghiệp để quyên tiền giúp nhà trường mua nhu yếu phẩm và trao học bổng.

Chưa hết, cùng với việc trồng cây, lũ trẻ còn được học cách nấu ăn sao cho đủ dinh dưỡng rồi trở về nhà giúp gia đình. Chúng được học rất nhiều kỹ năng xã hội trong khi lao động như làm thế nào để kết nối với người khác và gây dựng các mối quan hệ tốt đẹp.

Bọn trẻ còn học được những tính toán về giá cả và tiếp thị sản phẩm. Ông mục sư nói: “Nếu chúng ta cứ để yên cho chúng tự khám phá và thiết lập không gian an toàn cho chúng, gần như lúc nào chúng cũng có thể tự tìm ra câu trả lời. Và khi chúng sáng tạo, thì wow, chúng có suy nghĩ rất đột phá”.

Việc nuôi ong là một ví dụ điển hình nhất. Thoạt đầu ông mục sư không thích ong, nhưng rồi ông bị các em thuyết phục. Chuyên gia nuôi ong Hines có nói sẽ tặng cho nhóm của ông mục sư một đõ ong nếu các em nhỏ chịu tham gia khóa huấn luyện.

Mặc dù chưa từng nuôi ong trước đó nhưng sau khi qua đào tạo, 12 em nhỏ trong nhóm của mục sư Joyner (em nhỏ nhất mới 12 tuổi) đã trở thành những người nuôi ong được cấp chứng chỉ.

Chỉ từ một đõ ong, tới nay nhóm đã có 150 đõ ong và thu được hơn 2.000kg mật ong mỗi năm. Nhóm còn có một chiếc xe buýt cũ chuyên dùng đưa ong tới các cánh đồng khác nhau thụ phấn cho cây. Mật ong của nhóm cũng đã được đem bán tại các cửa hàng, nhà hàng, có những chỗ ở tận thủ phủ Raleigh của Bắc Carolina.

Ý tưởng thành lập một khu vườn cộng đồng nảy ra với mục sư Joyner cách đây khoảng 10 năm khi chứng kiến quá nhiều giáo dân chết vì những căn bệnh hoàn toàn có thể phòng ngừa như tiểu đường, cao huyết áp.

Những năm đầu, có năm ông phải dự tới 30 đám tang như thế. Ông kể: “Khi đã quá mệt mỏi vì những đám tang, tôi thầm hỏi Chúa: “Chúng con phải làm gì bây giờ?”, thì thật sự tôi đã nghe thấy một tiếng vọng nói rằng: “Hãy nhìn xung quanh con”. Tôi nhìn quanh và chẳng thấy gì ngoài đất đai”.

Ngài mục sư cũng thú thực rằng ông vốn là người không thích trồng trọt. Trước hết là vì ông không có kinh nghiệm cải tạo đất đai. Nhưng mọi thứ đã dần thay đổi khi ông cùng làm việc với những đứa trẻ trên các khu.

Ông nói: “Trồng trọt kéo chúng tôi lại gần nhau. Cùng với việc chăm sóc cây trồng, bạn cũng đang chăm sóc cộng đồng. Bây giờ tôi đã thích khu vườn. Đó là nơi chúng tôi có thể chơi, nơi chúng tôi trồng trọt sản xuất, nơi chúng tôi có thể sống”.

D.KIM THOA (THEO CNN), DUONGKIMTHOA@TUOITRE.COM.VN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên