28/04/2023 14:13 GMT+7

Trường đại học Văn Lang kéo dài thời gian đào tạo, sinh viên nói mất cơ hội việc làm

Sinh viên ngành điều dưỡng Trường đại học Văn Lang cho biết thời gian đào tạo đã bị trường kéo dài qua năm thứ 5, khiến họ mất cơ hội việc làm tốt.

Trường đại học Văn Lang kéo dài thời gian đào tạo, sinh viên nói mất cơ hội việc làm - Ảnh 1.

Sinh viên khoa điều dưỡng và kỹ thuật y học Trường đại học Văn Lang - Ảnh: V.L.

Theo sinh viên, ngành điều dưỡng có thời gian đào tạo bốn năm (khóa 2018) nhưng đến nay, đã kéo dài qua năm thứ năm nhưng sinh viên vẫn đang học, chưa biết khi nào tốt nghiệp.

"Bạn tôi học ngành điều dưỡng trường khác đã tốt nghiệp, đi làm từ tháng 10-2022. Trong khi đó Trường đại học Văn Lang mới vừa tổ chức thi tốt nghiệp vào ngày 18-4 vừa qua nhưng hiện nay sinh viên vẫn còn học môn cuối cùng. Mỗi tuần học ba buổi, mỗi buổi ba tiết khiến thời gian học kéo dài" - sinh viên bức xúc cho biết.

Cũng theo sinh viên, việc thời gian đào tạo kéo dài không phải do sinh viên nợ môn, không đăng ký đủ tín chỉ, mà do trường bố trí đào tạo dàn trải. Theo sinh viên, thời điểm học trực tuyến mỗi kỳ trường chỉ bố trí một môn học khiến cho thời gian đào tạo kéo dài, ảnh hưởng đến cơ hội việc làm.

Đến nay, thời gian đào tạo đã kéo dài hơn sáu tháng so với quy định (bốn năm).

Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Võ Văn Tuấn - phó hiệu trưởng Trường đại học Văn Lang - xác nhận đúng là tiến độ đào tạo đang bị chậm so với dự kiến. Tuy nhiên ông Tuấn cho rằng với đặc thù ngành sức khỏe, phải đảm bảo chất lượng nên không thể rút ngắn được.

"Thời điểm dịch COVID-19, các hoạt động thực tế, thực tập tại bệnh viện bị trì hoãn không thể thực hiện như kế hoạch. Đây là các hoạt động đào tạo bắt buộc để đảm bảo chất lượng. Do việc thực tế, thực tập bị hoãn nên tiến độ đào tạo bị ảnh hưởng" - ông Tuấn giải thích.

Liên quan đến ý kiến sinh viên hiện nay, tuy còn môn học cuối cùng nhưng thời gian học dàn trải, ít khiến tiến độ đào tạo tiếp tục chậm, ông Tuấn cho biết trường đã làm việc với khoa và ghi nhận việc bố trí như vậy hợp lý. 

Theo ông Tuấn, nếu bố trí học nguyên tuần, trường có thể làm được điều này, nhưng như thế không phù hợp với tâm lý tiếp nhận nên sẽ không hiệu quả. Hơn nữa, sinh viên đã gần hoàn tất chương trình.

Sinh viên sẽ hoàn tất chương trình trong tháng 5

Ở khía cạnh khoa quản lý đào tạo, bà Lý Thị Phương Hoa - phó trưởng khoa điều dưỡng và kỹ thuật y học - cho biết trường đào tạo theo tín chỉ, khi tích lũy đủ sẽ được xét tốt nghiệp, chứ không thi tốt nghiệp.

Kỳ thi mà sinh viên nói là thi kết thúc học phần thực tế nghề nghiệp tại Trung tâm mô phỏng điều dưỡng của trường, không phải thi tốt nghiệp.

Nói thêm về lý do kéo dài thời gian đào tạo, bà Hoa cho biết có những nôn, học phần tiên quyết, phải học trước mới có thể học các phần tiếp theo. Tình hình dịch COVID-19 hai năm trước khiến nhiều học phần thực tế không triển khai được.

"Chúng tôi rất cố gắng để sinh viên có thể tốt nghiệp trong thời gian sớm nhất có thể. Hiện môn cuối cùng sẽ kết thúc vào 19-5, khoa sẽ hoàn tất điểm trong tháng 5. Mỗi năm có hai đợt xét tốt nghiệp. Khoa đề xuất trường xem xét có thể có thêm một đợt xét tốt nghiệp đột xuất vì tình hình dịch bệnh" - bà Hoa nói thêm.


Nhiều sinh viên tốt nghiệp trễ vì chưa đạt chuẩn đầu ra ngoại ngữNhiều sinh viên tốt nghiệp trễ vì chưa đạt chuẩn đầu ra ngoại ngữ

TTO - Tỉ lệ sinh viên tốt nghiệp đúng hạn ở một số trường đại học dao động từ 30% đến 70%. Hầu hết sinh viên chưa được tốt nghiệp do 'nợ' chứng chỉ ngoại ngữ.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên