
Nhiều thí sinh, phụ huynh đang "rối não" với "bách phân vị"
Quy chế tuyển sinh đại học và hướng dẫn tuyển sinh năm 2025 của Bộ GD-ĐT quy định các cơ sở đào tạo phải xác định và công khai rõ ràng quy tắc quy đổi điểm theo bách phân vị giữa các phương thức xét tuyển.
Thiếu dữ liệu để quy đổi
Theo PGS.TS Tô Văn Phương - trưởng phòng đào tạo Trường đại học Nha Trang, việc áp dụng quy định quy đổi tương đương giữa các phương thức xét tuyển, cũng như ngưỡng điểm đầu vào và điểm trúng tuyển, sẽ giúp nâng cao tính công bằng và minh bạch trong tuyển sinh.
"Tuy nhiên, hiện nay hầu hết các cơ sở đào tạo đều thiếu dữ liệu và cơ sở khoa học để thực hiện quy đổi chính xác giữa các kết quả xét tuyển, đặc biệt là giữa điểm thi tốt nghiệp THPT và điểm từ các bài thi đánh giá năng lực hay đánh giá tư duy. Điều này đã và đang gây khó khăn lớn trong việc xác định điểm chuẩn hợp lý và bảo đảm sự công bằng giữa các thí sinh ở các phương thức xét tuyển", ông Phương nhận định.
ThS Cù Xuân Tiến - trưởng phòng tuyển sinh và công tác sinh viên Trường đại học Kinh tế - Luật (Đại học Quốc gia TP.HCM) - cũng cho rằng vướng lớn nhất hiện nay khi áp dụng phương pháp bách phân vị là dữ liệu chưa đầy đủ, các trường hiểu và áp dụng phương pháp này không đồng nhất (mỗi trường một công thức quy đổi khác nhau...) và mỗi trường có nhiều phương thức xét tuyển, tổ hợp xét tuyển sinh đặc thù riêng.
Ông Tiến cho biết Trường đại học Kinh tế - Luật tuân thủ hướng dẫn của Bộ GD-ĐT về việc áp dụng phương pháp bách phân vị trong quy đổi điểm.
Tuy nhiên, hiện tại nhà trường gặp một số khó khăn trong xây dựng bảng quy đổi giữa điểm học lực THPT, điểm thi tốt nghiệp THPT và điểm thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia TP.HCM - ba phương thức xét tuyển chính của trường. Nguyên nhân là dữ liệu hiện tại về kết quả học tập ở bậc THPT chưa đủ để thực hiện quy đổi một cách công bằng và khoa học.
Khi có đủ dữ liệu đăng ký xét tuyển, trường sẽ áp dụng bách phân vị cho các phương thức và tổ hợp xét tuyển, thay vì quy đổi điểm về một thang điểm chung. Phương pháp này giúp nhà trường chọn lựa được những thí sinh có năng lực học tập tốt nhất trong mỗi phương thức và tổ hợp xét tuyển, đồng thời đảm bảo tính công bằng về điểm trúng tuyển giữa các phương thức (thi tốt nghiệp, đánh giá năng lực, học bạ) theo yêu cầu đầu vào của từng ngành.
"Về sự chênh lệch điểm giữa các tổ hợp, trường sẽ căn cứ vào bảng bách phân vị của các tổ hợp môn thi tốt nghiệp THPT năm 2025 do Bộ GD-ĐT công bố và bảng bách phân vị của kỳ thi đánh giá năng lực Đại học Quốc gia TP.HCM để quy đổi giữa các phương thức xét tuyển.
Đồng thời dựa vào số lượng thí sinh đăng ký vào trường, trường sẽ lập bảng bách phân vị riêng cho từng phương thức và tổ hợp xét tuyển, xác định mức chênh lệch điểm trúng tuyển hợp lý giữa các tổ hợp. Điểm chuẩn sẽ được công bố riêng cho từng phương thức và tổ hợp, kèm theo bảng quy đổi điểm trúng tuyển theo phương pháp bách phân vị", ông Tiến cho biết thêm.
TS Nguyễn Tấn Trần Minh Khang - phó hiệu trưởng Trường đại học Công nghệ thông tin (Đại học Quốc gia TP.HCM) - cho rằng phương pháp quy đổi điểm theo bách phân vị là cần thiết và hợp lý trong bối cảnh tuyển sinh hiện nay.
Thay vì quy đổi điểm của từng thí sinh về một thang điểm chung, trường áp dụng bảng bách phân vị do Đại học Quốc gia TP.HCM công bố, dựa trên khung quy đổi điểm trúng tuyển giữa các phương thức xét tuyển. Điều này bao gồm việc đối sánh phổ điểm của các tổ hợp thi tốt nghiệp THPT năm 2025, điểm học bạ THPT, cùng với kết quả học tập của sinh viên các năm trước và tình hình đăng ký xét tuyển của thí sinh.
Phương pháp này đảm bảo mức điểm trúng tuyển công bằng giữa các phương thức xét tuyển, như thi tốt nghiệp THPT, đánh giá năng lực, và điểm học tập THPT, đồng thời đáp ứng đúng yêu cầu đầu vào của từng ngành học. Tuy nhiên, việc công bố bảng quy đổi sẽ được trường thực hiện khi có đủ dữ liệu điểm thi chính thức từ toàn quốc, nhằm xây dựng bảng bách phân vị chính xác và công bằng nhất.
"Trường sẽ sử dụng bảng bách phân vị do Đại học Quốc gia TP.HCM phát triển và thông báo chi tiết khi sẵn sàng. Việc áp dụng bách phân vị không chỉ giúp thí sinh dễ dàng so sánh năng lực của mình giữa các tổ hợp mà còn cung cấp cơ sở để đưa ra quyết định chọn lựa nguyện vọng một cách chính xác hơn, đặc biệt đối với những ngành có tính cạnh tranh cao như tại trường", ông Khang nhấn mạnh.

Học sinh đặt câu hỏi về tổ hợp xét tuyển, cách quy đổi điểm tại Ngày hội Lựa chọn nguyện vọng xét tuyển đại học 2025 - Ảnh: T.T.D.
Tăng cường minh bạch
Theo PGS.TS Đỗ Văn Dũng - nguyên hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, nhiều người nghĩ không thể áp dụng bách phân vị trong xét tuyển vì cho rằng phương pháp này không phản ánh đúng năng lực tuyệt đối của thí sinh và dễ gây bất công giữa các tổ hợp thi. Tuy nhiên, bách phân vị không chỉ khả thi mà còn mang lại sự công bằng hơn trong bối cảnh thi cử hiện tại. Phương pháp này đã thành công ở nhiều quốc gia.
"Ưu điểm của bách phân vị là giúp khắc phục sự chênh lệch độ khó giữa các môn và kỳ thi, đồng thời đảm bảo công bằng khi quy đổi điểm giữa thi THPT và các kỳ thi riêng như kỳ thi đánh giá năng lực. Bộ GD-ĐT đã công bố bách phân vị cho 5 tổ hợp môn thi chính và khuyến khích sử dụng vì đây là cách phù hợp nhất để quy đổi điểm.
Dù ban đầu có thể gây bối rối cho thí sinh, nhưng điều này có thể khắc phục qua hướng dẫn chi tiết. So với hệ thống cũ, bách phân vị giảm bất công khu vực và khuyến khích học đều các môn", ông Dũng nhận định.
Tuy nhiên, theo ông Dũng, hệ thống vẫn cần cải tiến. "Bộ GD-ĐT nên mở rộng bách phân vị cho nhiều tổ hợp hơn, gồm các ngành đặc thù như nghệ thuật và thể thao, kết hợp với điểm phỏng vấn.
Tăng cường minh bạch bằng phần mềm AI tự động tính toán và công bố điểm ngay sau kỳ thi, đồng thời tích hợp vào cổng đăng ký nguyện vọng để thí sinh có thể mô phỏng điểm chuẩn; cung cấp tài liệu hướng dẫn chi tiết giúp thí sinh hiểu rõ và giảm bối rối" - ông Dũng đề xuất.
Cần sự hỗ trợ của Bộ GD-ĐT
Để đảm bảo tính khách quan, khoa học và sự thống nhất trong toàn hệ thống giáo dục, PGS.TS Tô Văn Phương cho rằng Bộ GD-ĐT cần hỗ trợ các trường trong việc phân tích dữ liệu điểm thi và công bố kết quả quy đổi điểm giữa các phương thức xét tuyển chủ yếu, làm cơ sở để các cơ sở đào tạo tham khảo và áp dụng trong quá trình tuyển sinh.
Tương tự, ThS Phạm Thái Sơn - giám đốc Trung tâm tuyển sinh và truyền thông Trường đại học Công Thương TP.HCM - cũng kiến nghị: "Bộ GD-ĐT nên xây dựng công thức quy đổi thống nhất, dựa trên cơ sở dữ liệu đủ lớn, nhằm đảm bảo sự công bằng giữa các phương thức xét tuyển và giữa các trường đại học".
Đảm bảo thứ hạng, tính công bằng, minh bạch
Đó là khẳng định của Bộ GD-ĐT về vai trò của phương pháp bách phân vị lần đầu tiên được bộ yêu cầu các trường áp dụng trong tuyển sinh. Bộ GD-ĐT lý giải phương pháp bách phân vị (percentile equating) là phương pháp dựa trên phân bố điểm của hai kỳ thi, xác định điểm ở cùng phân vị (percentile) để chuyển đổi.
Theo cách này, bách phân vị quy đổi điểm thành các mức phân vị, giúp chỉ ra vị trí của thí sinh trong tổng thể điểm của nhóm. Phân vị được sử dụng để so sánh thí sinh trong mối quan hệ với những thí sinh khác tham gia kỳ thi. Phương pháp quy đổi này chuyển đổi điểm thành phân vị, tức là xếp điểm số của một thí sinh vào một phân vị cụ thể theo phân phối điểm thi.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận