12/01/2022 17:22 GMT+7

Trưởng Ban Tuyên giáo trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa: 'Nhân dân cần sách hơn chúng ta nghĩ'

THIÊN ĐIỂU
THIÊN ĐIỂU

TTO - ‘Nhân dân rất quan tâm, cần sách chứ không phải như chúng ta nghĩ là người dân có cái điện thoại di động thì không cần sách… Nhiều nơi vùng sâu vùng xa nhà hảo tâm phải xin từng cuốn sách để thành lập thư viện tư nhân phục vụ bà con’.

Trưởng Ban Tuyên giáo trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa: Nhân dân cần sách hơn chúng ta nghĩ - Ảnh 1.

Trưởng Ban Tuyên giáo trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa phát biểu chỉ đạo hội nghị - Ảnh: T.ĐIỂU

Trưởng Ban Tuyên giáo trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa chia sẻ tại hội nghị giao ban cơ quan chủ quản nhà xuất bản năm 2021 trực tiếp và trực tuyến ngày 12-1.

Trong phát biểu chỉ đạo hội nghị, ông Nghĩa ghi nhận, cổ vũ những nỗ lực vượt bậc của ngành xuất bản trong một năm rất khó khăn vì đại dịch COVID-19.

Trưởng Ban Tuyên giáo trung ương ngợi khen ngành xuất bản làm ra nhiều bộ sách hay, đẹp cả về nội dung và hình thức. Đặc biệt khen sách lý luận chính trị rất hay, trong đó chủ lực là sách của Nhà xuất bản Chính trị quốc gia - Sự thật, Nhà xuất bản Quân đội, Nhà xuất bản Công an nhân dân…

Trưởng Ban Tuyên giáo trung ương chỉ đạo các đơn vị, nhà xuất bản tiếp tục phát huy trong năm 2022, năm bản lề trong thực hiện kế hoạch 5 năm 2021 - 2025.

Các nhà xuất bản phải chú trọng làm những bộ sách bài bản chung quanh vấn đề như hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị con người, hệ giá trị gia đình Việt Nam. Việc quảng bá sách phải có sự quan tâm của cả hệ thống chính quyền chứ không thể "khoán trắng" cho các nhà xuất bản.

Theo ông Nghĩa, ngành xuất bản gặp khó khăn tiếp cận bạn đọc nhưng thực tế "nhân dân rất quan tâm, cần sách chứ không phải như chúng ta nghĩ là người dân có cái điện thoại di động thì không cần sách".

Trưởng Ban Tuyên giáo trung ương cho biết ông đã đến Long An và nhiều địa phương vùng sâu vùng xa nghiên cứu về nhu cầu sách của người dân và nhận thấy vẫn có những thư viện tư nhân, những tấm lòng hảo tâm đi xin từng quyển sách để phục vụ người dân.

Hội Xuất bản Việt Nam xin hỗ trợ kinh phí

Là 1 trong số 31 hội được Đảng và Nhà nước giao nhiệm vụ, nhưng hiện vẫn chưa được cấp kinh phí hoạt động như các hội khác, Hội Xuất bản Việt Nam kiến nghị hằng năm Nhà nước có thể hỗ trợ hội một khoản kinh phí để xây dựng được bộ phận nhân sự chuyên trách tinh gọn được hưởng lương (không quá 5 người) và hỗ trợ kinh phí trụ sở cho hội.

Còn các nhiệm vụ cụ thể nên thực hiện theo cơ chế đặt hàng được phê duyệt hằng năm.

Kiến nghị này đã được Hội Xuất bản Việt Nam gửi đi trong nhiều năm nhưng chưa được giải quyết.

Theo báo cáo của Bộ Thông tin - truyền thông, năm 2021, do tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19, các chỉ số về sản lượng, doanh thu của hoạt động xuất bản đều giảm, tuy nhiên mức giảm thấp so với nhiều lĩnh vực truyền thông và dịch vụ văn hóa khác.

Hiện cả nước có 57 nhà xuất bản, trong đó có 15 nhà xuất bản hoạt động theo mô hình doanh nghiệp. Toàn ngành đã thực hiện xuất bản và nộp lưu chiểu hơn 29.000 cuốn sách in với 350 triệu bản; 2.300 sách điện tử với 25 triệu lượt truy cập.

Dự án Dự án 'Sách và cuộc sống' gây quỹ phát triển văn hóa đọc

TTO - Với mong muốn góp phần phát triển văn hóa đọc, cũng như kết nối các nhà văn trẻ cùng hướng đến các hoạt động cộng đồng về văn hóa đọc, dự án 'Sách và cuộc sống' đã được tác giả Lưu Đình Long (TP.HCM) khởi động.

THIÊN ĐIỂU
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên