10/02/2025 09:46 GMT+7

Trung tâm tài chính TP.HCM, Đà Nẵng: Đề xuất nhiều chính sách vượt trội

Một nghị quyết về xây dựng trung tâm tài chính khu vực tại TP Đà Nẵng và trung tâm tài chính quốc tế toàn diện tại TP.HCM sẽ được Chính phủ trình Quốc hội ban hành ở kỳ họp tháng 5-2025.

Trung tâm tài chính TP.HCM, Đà Nẵng: Đề xuất nhiều chính sách vượt trội - Ảnh 1.

Đà Nẵng quy hoạch các khu đất vàng trên tuyến đường Võ Văn Kiệt (hướng ra biển) để làm trung tâm tài chính - Ảnh: ĐOÀN CƯỜNG

Theo đó, các trung tâm này sẽ được phát triển tại TP.HCM và Đà Nẵng với hàng loạt ưu đãi chưa từng có về đầu tư, thuế phí, đất đai, tiền lương, xuất nhập cảnh.

Ngoài việc thu hút các tổ chức tài chính nước ngoài, tạo nguồn lực đầu tư mới, cung cấp các dịch vụ tài chính chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu doanh nghiệp trong và ngoài nước, các trung tâm này cũng được xem là những cực tăng trưởng mới của TP.HCM, Đà Nẵng và cả nước trong những năm tới.

Nhiều lợi thế

Theo Bộ Kế hoạch và đầu tư, Việt Nam sở hữu nhiều lợi thế để phát triển trung tâm tài chính quốc tế như:

* Có múi giờ khác biệt với 21 trung tâm tài chính lớn nhất toàn cầu, nằm ở tâm điểm của khu vực Đông Nam Á, kết nối thuận lợi với các nền kinh tế năng động của châu Á. Đây là lợi thế riêng biệt, đặc biệt.

* Việt Nam nằm trong số những thị trường dẫn đầu về tỉ lệ áp dụng công nghệ tài chính tương lai, là 1 trong 3 nền kinh tế sáng tạo dẫn đầu trong số các quốc gia có thu nhập trung bình thấp.

* Trên thế giới hiện có 121 trung tâm tài chính, TP.HCM được xếp vào nhóm các trung tâm tài chính toàn cầu, đứng thứ 105/121 trung tâm tài chính thế giới.

Thử nghiệm chính sách tài chính đột phá

Để xây dựng các trung tâm tài chính, một loạt cơ chế chính sách vượt trội nhằm khuyến khích, tạo thuận lợi để thu hút nguồn vốn, công nghệ, phương thức quản lý hiện đại, thúc đẩy phát triển kết cấu hạ tầng, hình thành môi trường sống văn minh sẽ được thử nghiệm.

Bộ Kế hoạch và đầu tư cho hay từ kinh nghiệm phát triển của các trung tâm tài chính mới nổi như Dubai, Abu Dhabi và Astana, bộ đã đề xuất chính sách đăng ký thành viên trung tâm tài chính thay cho chính sách đăng ký thành lập doanh nghiệp thông thường.

Thành viên của hai trung tâm tài chính TP.HCM, Đà Nẵng sẽ là các tổ chức tín dụng, công ty tài chính, sàn giao dịch chứng khoán, vàng, ngoại tệ, quỹ đầu tư tài chính, quỹ đầu tư, công ty bảo hiểm... Cơ quan quản lý các trung tâm tài chính sẽ trực tiếp cấp phép hoạt động cho các thành viên.

Tại các trung tâm tài chính, việc mua bán, thanh toán, chuyển nhượng, giao dịch giữa các tổ chức và cá nhân thực hiện bằng đồng Việt Nam hoặc các ngoại tệ tự do chuyển đổi.

Những chính sách thử nghiệm có kiểm soát (sandbox) đối với mô hình kinh doanh ứng dụng công nghệ trong lĩnh vực tài chính (fintech) cũng sẽ được áp dụng từ 1-7-2026.

Ủy ban Quản lý, điều hành các trung tâm tài chính sẽ cấp phép, quản lý, đánh giá tác động, kiểm soát hoạt động fintech bao gồm cả các sàn giao dịch tài sản mã hóa và tiền mã hóa.

Về chính sách phát triển thị trường vốn, các ngân hàng nước ngoài thành lập chi nhánh hoặc chuyển trụ sở, văn phòng đến hai trung tâm tài chính TP.HCM, Đà Nẵng được ưu đãi như các lĩnh vực thuộc danh mục ưu đãi đầu tư.

Hoạt động đăng lý, lưu ký, giao dịch và thanh toán bù trừ chuyên biệt cho chứng khoán niêm yết được thực hiện theo thông lệ của các trung tâm tài chính lớn trên thế giới.

Việc lập các sàn giao dịch chuyên biệt cho trung tâm tài chính trên cơ sở ứng dụng công nghệ trong lĩnh vực tài chính sẽ được thực hiện theo quy trình, thủ tục đơn giản.

Miễn nhiều loại thuế, hỗ trợ nhiều mặt

Các cán bộ quản lý, nhà khoa học, chuyên gia sẽ được miễn thuế thu nhập cá nhân khi làm việc trong các trung tâm tài chính. Các đối tượng khác có thu nhập chịu thuế thu nhập cá nhân được miễn thuế đến hết năm 2035 và giảm 50% thuế trong các năm tiếp theo.

Doanh nghiệp đầu tư dự án ngành nghề ưu tiên tại trung tâm tài chính sẽ được hưởng ưu đãi miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong 4 năm đầu, giảm 50% số thuế trong 9 năm tiếp theo và mức thuế 10% trong suốt vòng đời dự án.

Đặc biệt các doanh nghiệp, tập đoàn thuộc danh sách 500 doanh nghiệp lớn nhất toàn cầu theo xếp hạng Forbes và các tổ chức tín dụng, công ty tài chính được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong 2 năm đầu và giảm 50% số thuế phải nộp trong 4 năm tiếp theo.

Về ưu đãi với nhà đầu tư chiến lược, Bộ Kế hoạch và đầu tư cho biết các nhà đầu tư chiến lược khi đầu tư vào các trung tâm tài chính Đà Nẵng, TP.HCM sẽ được cung cấp các dịch vụ hỗ trợ đầu tư, hỗ trợ giải phóng mặt bằng, thu phí cung cấp các dịch vụ, tham gia lập, điều chỉnh quy hoạch, xây dựng chính sách áp dụng tại trung tâm tài chính.

Với chính sách xuất nhập cảnh, đi lại, tạm trú theo chính sách đang được đề xuất thì người nước ngoài và người Việt mang hộ chiếu nước ngoài làm việc, đầu tư kinh doanh tại các trung tâm tài chính và các thành viên gia đình được cấp thị thực xuất nhập cảnh có giá trị nhiều lần, thời hạn phù hợp với thời hạn làm việc tại trung tâm tài chính.

Được tạm trú dài hạn tại các trung tâm tài chính, hết thời hạn nếu có nhu cầu được xem xét gia hạn.

Các thành viên của trung tâm tài chính được miễn thị thực nhập cảnh không quá 30 ngày. Người nước ngoài đầu tư vào các trung tâm tài chính được tuyển dụng lao động nước ngoài, thỏa thuận trả lương theo công việc.

Mức lương cán bộ công chức, viên chức, người hưởng lương làm việc trong các cơ quan quản lý trung tâm tài chính quốc tế không quá ba lần mức lương cơ sở do Nhà nước ban hành.

Các cán bộ quản lý, nhà khoa học, chuyên gia làm việc tại trung tâm tài chính được hỗ trợ nhà ở. Theo cơ chế phát triển các trung tâm tài chính đang được đề xuất, chính quyền TP.HCM và Đà Nẵng được sử dụng nguồn thu thuế, phí, lệ phí, nguồn thu hợp pháp khác từ trung tâm tài chính để lại cho địa phương để chi trả lương bộ máy quản lý và hỗ trợ nhà ở cho chuyên gia.

Doanh nghiệp đầu tư vào các lĩnh vực, dự án ưu tiên đầu tư vào trung tâm tài chính được thuê đất 70 năm, khi hết thời hạn nếu có nhu cầu được gia hạn.

Hơn nữa, tổ chức và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài có quyền thế chấp quyền sử dụng đất, tài sản trên đất gắn liền với trung tâm tài chính để vay vốn từ các tổ chức tín dụng trong và ngoài nước. Người nước ngoài cũng được nhận quyền sử dụng đất trong các trung tâm tài chính.

Trung tâm tài chính TP.HCM, Đà Nẵng: Đề xuất nhiều chính sách vượt trội - Ảnh 2.

Trình bày: N.KH.

Cuộc chơi mới mở ra cơ hội cho Việt Nam

Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng, hệ thống tài chính toàn cầu đang dần định hình lại. Thế giới đang có nhu cầu phát triển các trung tâm tài chính mới, cung cấp các sản phẩm dịch vụ tài chính đặc thù, phục vụ các thị trường ngách, khác biệt với những trung tâm tài chính truyền thống.

Do vậy, các trung tâm tài chính mới nổi như Việt Nam có cơ hội vàng để tham gia vào "cuộc chơi" này thông qua việc thiết lập hành lang pháp lý mở, ban hành các chính sách ưu đãi vượt trội và phù hợp với thông lệ quốc tế để trở thành "sân chơi" cho các nhà đầu tư tài chính hàng đầu.

Trong đó, TP.HCM và Đà Nẵng đã hội tụ nhiều yếu tố nền tảng để phát triển một trung tâm tài chính khu vực và quốc tế, được Global Financial Center Index (thuộc Trung tâm tài chính London) đánh giá là một trong những trung tâm tài chính mới nổi, trên đà tăng trưởng mạnh mẽ.

Việc xây dựng trung tâm tài chính khu vực và quốc tế thành công sẽ đóng vai trò quan trọng giúp Việt Nam đạt được năm cơ hội: kết nối với thị trường tài chính toàn cầu; thu hút các tổ chức tài chính nước ngoài, tạo ra nguồn lực đầu tư mới, thúc đẩy nguồn lực đầu tư hiện hữu;

Cung cấp các dịch vụ tài chính chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp trong và ngoài nước; tạo một bước chuyển mới về chất, giúp thị trường tài chính ở Việt Nam trở nên lành mạnh và hiệu quả, bắt kịp với các chuẩn mực quốc tế; góp phần đưa Việt Nam tham gia sâu hơn trong chuỗi giá trị kinh tế toàn cầu.

Còn theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính), khi có được các trung tâm tài chính quốc tế, lượng vốn đến Việt Nam sẽ nhiều hơn, các nhà đầu tư quốc tế sẽ đưa vốn vào các trung tâm tài chính để thực hiện hoạt động giao dịch cổ phiếu và trái phiếu quốc tế.

Chính phủ và các doanh nghiệp trong nước cũng dễ dàng thực hiện các hoạt động phát hành trái phiếu quốc tế để huy động vốn ngay tại Việt Nam thay vì phải sang Singapore hay Hong Kong.

Khi lượng vốn ra vào quốc gia nhiều hơn, doanh nghiệp trong nước cũng dễ dàng tiếp cận với thị trường tài chính quốc tế để huy động vốn.

Lâu nay mỗi khi phát hành cổ phiếu và trái phiếu quốc tế, doanh nghiệp trong nước phải ra các sàn nước ngoài để giao dịch với chi phí cao, tốn kém hơn, điều kiện phát hành cũng phức tạp hơn - ông Thịnh cho biết thêm.

Ngoài ra, việc lập trung tâm tài chính quốc tế tại TP.HCM và trung tâm tài chính khu vực ở Đà Nẵng sẽ tăng nguồn thu thuế, phí cho địa phương, đồng thời tạo ra nhiều việc làm chất lượng cao, đồng thời xếp hạng tài chính của quốc gia và doanh nghiệp cũng được cải thiện.

Môi trường pháp lý phải minh bạch và ổn định

Chuyên gia tài chính Huỳnh Trung Minh cho rằng với TP.HCM, khi trở thành trung tâm tài chính sẽ thu hút các tổ chức tài chính lớn như ngân hàng, quỹ đầu tư, công ty chứng khoán, bảo hiểm và fintech từ khắp nơi trên thế giới.

Điều này không chỉ thu hút nguồn vốn mà còn mang lại kiến thức, công nghệ và kinh nghiệm quản lý hiện đại. Bên cạnh đó, khi các hoạt động tài chính diễn ra mạnh mẽ sẽ kéo theo sự phát triển của các ngành hỗ trợ như tư vấn luật, công nghệ thông tin và đào tạo nhân lực.

Song song đó, việc xây dựng trung tâm tài chính sẽ tạo ra nhiều cơ hội việc làm - từ các chuyên gia phân tích tài chính, quản trị rủi ro cho đến các vị trí trong lĩnh vực công nghệ và quản lý. Ngoài ra, các chương trình đào tạo liên kết quốc tế sẽ phát triển, nâng cao chất lượng nhân lực tại địa phương.

Để thu hút nhà đầu tư nước ngoài, theo ông Huỳnh Trung Minh, quan trọng là môi trường pháp lý phải minh bạch và ổn định.

Một trung tâm tài chính muốn thành công phải có hệ thống pháp luật rõ ràng, bảo vệ quyền sở hữu tài sản, đảm bảo quyền lợi của nhà đầu tư. Do vậy, TP.HCM cần cải thiện hệ thống tư pháp để xử lý tranh chấp nhanh chóng và công bằng, đồng thời bảo vệ thông tin khách hàng và dữ liệu tài chính.

Trung tâm tài chính TP.HCM, Đà Nẵng: Đề xuất nhiều chính sách vượt trội - Ảnh 2.

Khu vực quận 1 (TP.HCM) với nhiều ngân hàng, công ty chứng khoán, trường đại học ngân hàng được xem có nhiều lợi thế để hình thành trung tâm tài chính quốc tế - Ảnh: T.T.D.

Cơ sở hạ tầng phải tốt

Một số chuyên gia tài chính khuyến nghị muốn xây dựng thành công các trung tâm tài chính quốc tế tại TP.HCM và Đà Nẵng trước hết phải hoàn thiện cơ sở hạ tầng cho trung tâm tài chính quốc tế.

Chẳng hạn như cần xây dựng các tòa nhà văn phòng hạng A, trung tâm hội nghị quốc tế, hệ thống ngân hàng kỹ thuật số, hạ tầng giao thông thuận lợi kết nối với sân bay và cảng biển. Đầu tư mạnh vào công nghệ để xây dựng các nền tảng số hỗ trợ giao dịch tài chính nhanh chóng, an toàn.

Bên cạnh đó, TP.HCM và Đà Nẵng cần tạo một hệ sinh thái tài chính toàn diện, xây dựng thị trường vốn phát triển với các sản phẩm đa dạng như cổ phiếu, trái phiếu phái sinh và quỹ hoán đổi danh mục (ETFs). Song song đó cần học tập từ các mô hình thành công như Singapore, Dubai (UAE), Thượng Hải và Hong Kong (Trung Quốc).

Con người phải giỏi, chưa có thì thuê

"Để xây dựng các trung tâm tài chính quốc tế thì những ưu đãi thuế, phí, đất đai là cần thiết nhưng yếu tố đảm bảo xây dựng thành công các trung tâm tài chính quốc tế trước hết là con người giỏi.

Nếu không có những người thực sự giỏi thì chính quyền các thành phố phải đứng ra thuê những người giỏi chuyên môn, đủ uy tín để quản lý các trung tâm tài chính quốc tế sau khi thành lập" - GS.TS Hà Tôn Vinh, chuyên gia tài chính quốc tế, nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, đội ngũ tham gia ủy ban quản lý, điều hành các trung tâm tài chính quốc tế phải là những người giỏi về tài chính.

Hiện nay người Việt giỏi về quản lý quỹ tài chính quốc tế rất ít, đặc biệt người giỏi quản lý quỹ, có bằng cấp chứng chỉ của các quỹ tài chính quốc tế càng ít. Khi quyết định lập trung tâm tài chính quốc tế thì chúng ta cứ làm dần với hy vọng 10 - 20 năm tới có những chuyên gia giỏi về quản lý quỹ tài chính quốc tế.

Cùng quan điểm này, nhiều chuyên gia tài chính cũng cho rằng muốn có con người giỏi trước tiên ủy ban quản lý, điều hành các trung tâm tài chính quốc tế phải mời các chuyên gia quốc tế, đặc biệt chuyên gia gốc Việt đang làm việc tại nhiều định chế tài chính lớn trên thế giới, về làm việc. Song song với quá trình này cần đưa người đi đào tạo chuyên môn về tài chính để phục vụ cho sự phát triển dài hạn của các trung tâm tài chính.

Các ý kiến khác thì đề nghị cần đẩy mạnh hợp tác với các trường đại học quốc tế để đào tạo nhân lực trong lĩnh vực tài chính, kế toán, công nghệ thông tin và luật pháp. Khuyến khích các chuyên gia nước ngoài đến làm việc thông qua chính sách visa và phúc lợi hấp dẫn.

Trung tâm tài chính TP.HCM cần khác biệt để cạnh tranh

PGS.TS Nguyễn Hữu Huân (Đại học Kinh tế TP.HCM) cho rằng để đạt được vị thế cạnh tranh với các trung tâm tài chính hiện hữu như Singapore, Hong Kong hay Dubai, TP.HCM cần tạo ra điểm khác biệt mang tính đột phá thay vì chỉ sao chép mô hình truyền thống. Một trong những giải pháp tiên phong là xây dựng thị trường chứng khoán phi tập trung (Decentralized Stock Exchange - DSE) ứng dụng công nghệ blockchain, giúp nâng cao tính minh bạch, bảo mật, giảm chi phí giao dịch và tăng tốc độ xử lý, tạo lợi thế vượt trội so với các thị trường tài chính hiện nay.

Để hiện thực hóa, TP.HCM cần triển khai theo lộ trình gồm ba giai đoạn chính:

Giai đoạn 1: Tập trung hoàn thiện khung pháp lý. Cụ thể Chính phủ và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cần xây dựng hành lang pháp lý cho hợp đồng thông minh, chứng khoán số và đồng tiền kỹ thuật số CBDC (VNDT) và chấp nhận các đồng ngoại tệ mạnh, tiền mã hóa phổ biến như Bitcoin để thực hiện giao dịch trên blockchain.

Giai đoạn 2: Phát triển hệ thống giao dịch phi tập trung trên nền tảng blockchain 4.0, cho phép xác thực giao dịch tức thì và bảo mật cao cũng như loại bỏ các trung gian truyền thống.

Giai đoạn 3: Chạy thử nghiệm với một số mã chứng khoán trước khi mở rộng ra toàn bộ thị trường. Việc xây dựng thị trường chứng khoán phi tập trung không chỉ giúp TP.HCM tạo sự khác biệt với các trung tâm tài chính khác trên thế giới, mà còn đặt nền móng cho một nền tài chính hiện đại, minh bạch và hiệu quả hơn.

Trung tâm tài chính TP.HCM, Đà Nẵng: Đề xuất nhiều chính sách vượt trội - Ảnh 4.Fintech là bệ phóng để trung tâm tài chính quốc tế TP.HCM 'cất cánh'

TP.HCM đang đứng trước cơ hội 'ngàn năm có một' để xây dựng trung tâm tài chính quốc tế. Để tạo lợi thế cạnh tranh, TP cần tạo ra những khác biệt và Fintech chính là 'con át chủ bài' lợi hại để TP.HCM bứt phá.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên