28/09/2024 10:41 GMT+7

Trung tâm phục vụ hành chính công TP.HCM: Hồ sơ nhà đất Thủ Đức có thể nộp ở Củ Chi

Thuận tiện, nhanh gọn và không bị giới hạn bởi địa giới hành chính là ba tiêu chí quan trọng đánh giá sự hiệu quả của nền hành chính công vụ. Trung tâm phục vụ hành chính công TP.HCM xây dựng được kỳ vọng sẽ tạo sự thuận lợi nhất cho người dân.

Trung tâm phục vụ hành chính công TP.HCM: Một đầu mối, dân đến cửa nào cũng được - Ảnh 1.

Người dân làm thủ tục trên Cổng thông tin điện tử quốc gia tại UBND phường 9, quận Phú Nhuận, TP.HCM - Ảnh: T.T.D.

Ngày 27-9, HĐND TP.HCM đã biểu quyết thông qua dự thảo nghị quyết về việc thí điểm thành lập Trung tâm phục vụ hành chính công TP.HCM.

Theo lộ trình ba giai đoạn của đề án, nếu hoàn tất đến giai đoạn cuối cùng, doanh nghiệp và người dân dễ dàng nộp và nhận kết quả hồ sơ thủ tục hành chính tại bất kỳ địa điểm nào gần, thuận tiện nhất. Những ràng buộc về địa giới hành chính bị loại bỏ.

Phá thế "độc quyền" giải quyết thủ tục

Từ nội dung đề án có thể hình dung mô hình thí điểm Trung tâm phục vụ hành chính công TP.HCM khi hoàn thành từ giai đoạn 1 đến giai đoạn 3 sẽ gom tất cả việc tiếp nhận và trả hồ sơ riêng lẻ ở sở ngành, quận huyện, phường xã về một đầu mối. Đồng thời tất cả các thủ tục ở các lĩnh vực đều được xử lý ở một cơ quan.

Theo thống kê hiện nay TP.HCM có 352 bộ phận một cửa các cấp. Khi có nhu cầu làm thủ tục hành chính, tùy theo các thủ tục (đất đai, tư pháp, lao động...), người dân có bốn địa điểm khác nhau để nộp hồ sơ.

Thủ tục thuộc thẩm quyền giải quyết của sở ngành sẽ nộp tại bộ phận một cửa sở ngành; thẩm quyền dọc của chi nhánh (như chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai) sẽ nộp ở bộ phận một cửa chi nhánh; thẩm quyền quận huyện sẽ nộp ở bộ phận một cửa quận huyện và thẩm quyền phường xã sẽ nộp hồ sơ ở trụ sở phường xã đó.

Đáng nói lâu nay người dân ở TP Thủ Đức chỉ được phép nộp hồ sơ ở bộ phận một cửa trên địa bàn TP Thủ Đức (trừ sao y, trích lục giấy khai sinh). Cùng với đó thủ tục thuộc sở nào, người dân, doanh nghiệp cũng chỉ được nộp hồ sơ ở sở đó.

Ví dụ hồ sơ đất đai ở quận Phú Nhuận không thể qua nộp ở bộ phận một cửa Bình Thạnh; hoặc hồ sơ xin lý lịch tư pháp hiện thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở Tư pháp không thể nộp ở Sở Tài nguyên và Môi trường.

Điều này không chỉ gây bất tiện cho người dân mà còn dễ dẫn đến sự "độc quyền" giải quyết thủ tục, từ đó sinh ra nạn nhũng nhiễu, nhiêu khê, găm hồ sơ của các cơ quan giải quyết thủ tục hành chính.

Chính vì vậy, một trong những nguyên tắc và mục tiêu khi Trung tâm phục vụ hành chính công TP.HCM ra đời sẽ phải đảm bảo hồ sơ thủ tục được tiếp nhận phi địa giới hành chính.

Theo đề án giai đoạn 1 và giai đoạn 2 đề án sẽ hình thành Trung tâm phục vụ hành chính công TP gồm có chi nhánh trung tâm và 22 chi nhánh quận, huyện và TP Thủ Đức; 24 điểm tiếp nhận của các sở và 312 điểm tiếp nhận ở phường xã, thị trấn. Trong giai đoạn 1 này, chi nhánh trung tâm mới khởi động để chuẩn bị hoạt động.

Giai đoạn 3, trung tâm sẽ thay thế tất cả các điểm tiếp nhận của các sở, tất cả đều tập trung về chi nhánh trung tâm, tiếp nhận một cửa tại chỗ. Khi đó các sở không phải bố trí bộ phận tiếp nhận, cán bộ tiếp nhận. Riêng các chi nhánh ở quận, huyện và TP Thủ Đức có thể xem xét thành từng nhóm, từng khu vực, chứ không phải tất cả các địa phương đều phải có chi nhánh.

Cơ cấu tổ chức này được kỳ vọng sẽ tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân dễ dàng nộp và nhận hồ sơ thủ tục hành chính. Việc này đồng nghĩa, một người dân có hồ sơ đất ở quận Phú Nhuận có thể lên Củ Chi nộp hồ sơ và ngược lại.

Quan trọng hơn, mô hình phục vụ thủ tục hành chính tập trung này sẽ giúp giảm đầu mối bộ phận một cửa riêng lẻ tại các cơ quan nhà nước, tổ chức các chi nhánh trực thuộc theo khoảng cách để tạo thuận lợi cho tổ chức, cá nhân khi làm thủ tục hành chính.

Trung tâm phục vụ hành chính công TP.HCM: Một đầu mối, dân đến cửa nào cũng được - Ảnh 2.

Các cán bộ Văn phòng Đăng ký đất đai TP Thủ Đức, TP.HCM xem xét hồ sơ của người dân - Ảnh: T.T.D.

Không còn nhân sự nơi thừa, nơi thiếu

Một trong những bất cập về tổ chức bộ máy nhân sự các cơ quan hành chính ở TP.HCM lâu này là tình trạng nơi thừa nơi thiếu. Do cơ cấu cứng nhân sự, có những phường xã hàng trăm ngàn dân chỉ được bố trí cán bộ, công chức như những phường xã chục ngàn dân; hay sở nhiều việc cũng chỉ bố trí nhân sự như sở ít việc...

Theo báo cáo, hiện TP.HCM có gần 2.600 nhân sự được bố trí ở bộ phận một cửa các cấp. Mỗi bộ phận một cửa cấp sở bố trí 15 - 17 nhân sự, cấp huyện 10 - 12 nhân sự và cấp xã 6 - 7 nhân sự. Mặc dù bộ phận một cửa các cấp đã đạt được những kết quả nhất định thì vẫn còn nhiều tồn tại hạn chế.

Trong đó có tình trạng nhân sự tại bộ phận một cửa "vừa thừa vừa thiếu", thừa khi bố trí nhân sự tiếp nhận hồ sơ nhưng hồ sơ một số lĩnh vực lại không nhiều trong khi nhân sự giải quyết công việc của phòng chuyên môn lại thiếu. Một số bộ phận một cửa chưa được đầu tư đồng bộ về trang thiết bị, chậm nâng cấp hạ tầng. Bên cạnh đó, một số cán bộ, công chức còn khó khăn trong ứng dụng công nghệ thông tin.

Trung tâm phục vụ hành chính công TP.HCM sẽ là trung tâm phục vụ hành chính công một cấp, tức là toàn TP.HCM chỉ có một trung tâm. Việc này sẽ giảm số lượng bộ phận một cửa, tối ưu hóa nguồn lực.

Các nguồn lực dôi dư sẽ được bố trí, sắp xếp vào những vị trí cần nhân sự. Có nghĩa nhân sự ở chi nhánh ít hồ sơ sẽ linh hoạt điều động, bố trí sang chi nhánh khác nhiều hồ sơ hơn.

Trung tâm phục vụ hành chính công TP.HCM: Một đầu mối, dân đến cửa nào cũng được - Ảnh 3.

Đồ họa: T.ĐẠT

Số hóa hồ sơ

Lâu nay tại TP.HCM đã ứng dụng công nghệ thông tin nhằm nâng cao chất lượng giải quyết thủ tục hành chính. Từ tháng 10-2022, TP đưa vào vận hành hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính, và đến nay đã cung cấp dịch vụ công trực tuyến đối với 966 thủ tục, trong đó 611 dịch vụ công toàn trình và 335 dịch vụ công một phần.

Tuy nhiên thực tế nhiều thủ tục, nhất là thủ tục về đất đai, xây dựng, kinh tế, người dân còn khó khăn khi nộp hồ sơ trực tuyến. Hồ sơ, giấy tờ ở một số thủ tục yêu cầu còn nhiều, nhiêu khê. Thậm chí khi nộp được, người dân cũng phải gặp gỡ trực tiếp cán bộ thụ lý.

Một trong những mục tiêu khi trung tâm phục vụ hành chính tập trung thành lập sẽ thiết kế, thiết kế lại 100% dịch vụ công trực tuyến. Cùng với đó tái cấu trúc quy trình, đơn giản hóa thủ tục, cắt giảm các thành phần hồ sơ đã sử dụng dữ liệu dân cư. Từ đó giảm chi phí, thời gian giải quyết thủ tục, giảm thủ tục hồ sơ, giảm bước xử lý trong tiếp nhận và giải quyết.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, Chánh văn phòng UBND TP.HCM Đặng Quốc Toàn cho biết với trung tâm này không nhất thiết người dân phải ra đúng địa bàn của mình mà bất cứ đâu đều có thể nộp hồ sơ. Đơn vị tiếp nhận sẽ hướng dẫn người dân số hóa hồ sơ (nếu hồ sơ chưa được số hóa), chuyển cho cơ quan có thẩm quyền giải quyết thủ tục cho người dân.

Trung tâm có sự thống nhất các nền tảng, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin để tiếp nhận, số hóa, điều phối giải quyết thủ tục, cung cấp dịch vụ công. Khi hồ sơ của người dân đã được số hóa sẽ được tái sử dụng, không cần phải khai, nộp nhiều lần các giấy tờ.

Việc này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp trong nộp và nhận kết quả thủ tục hành chính, đồng thời giám sát được quá trình giải quyết hồ sơ của mình.

Một đầu mối, nhiều thuận lợi

Hiện cả nước đã có 58/63 tỉnh, thành phố thành lập trung tâm phục vụ hành chính công. Còn 5 tỉnh thành đang bắt đầu thực hiện thí điểm là TP.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng, Hải Phòng và Điện Biên.

Từ thực tế đã đi vào hoạt động gần một năm qua, ông Nguyễn Thanh Hà - giám đốc Trung tâm phục vụ hành chính công tỉnh Khánh Hòa - cho biết sau khi vận hành chính thức (từ ngày 30-9-2023) đến nay, trung tâm đã đem lại thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp.

Theo ông Hà, trước đây khi tỉnh chưa đưa vào hoạt động Trung tâm phục vụ hành chính công, việc tiếp nhận và trả kết quả được thực hiện tại bộ phận một cửa của sở, ban, ngành.

Khi người dân muốn làm thủ tục phải đến từng sở, ban, ngành để xem xét, giải quyết. "Tại bộ phận một cửa của các sở, ngành thì trụ sở một số nơi chưa đủ điều kiện về vật chất, trang thiết bị còn hạn chế, việc đi lại của người dân cũng khó khăn.

Thế nên, khi tập trung tại Trung tâm phục vụ hành chính công tỉnh thì các quy trình từ khâu tiếp nhận, giải quyết đều có bộ phận theo dõi, đôn đốc đến các bộ phận chuyên môn khi tham gia giải quyết của các sở, ngành đảm bảo đúng thời gian cho người dân và doanh nghiệp", ông Hà nói.

Trung tâm phục vụ hành chính công TP.HCM: Một đầu mối, dân đến cửa nào cũng được - Ảnh 4.TP.HCM trình thí điểm Trung tâm phục vụ hành chính công

Sáng 27-9, HĐND TP.HCM khóa X, nhiệm kỳ 2021-2026 khai mạc kỳ họp thứ 18 (kỳ họp chuyên đề). Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi tham dự.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên