15/08/2016 09:00 GMT+7

Trung tâm hành chính Đà Nẵng: cần tuân thủ quy trình đặc biệt

LÂM HOÀI - V.HÙNG
LÂM HOÀI - V.HÙNG

TTO - Theo ông Bùi Trung Dung - Cục trưởng Cục quản lý hoạt động xây dựng Bộ Xây dựng, đáng lẽ đối với công trình cấp này cần thành lập hội đồng đặc biệt

Ông Bùi Trung Dung - Ảnh: Nguyễn Khánh

Liên quan việc lãnh đạo Đà Nẵng muốn di dời trung tâm hành chính khỏi tòa nhà 2.000 tỷ, Tuổi Trẻ tiếp tục ghi nhận ý kiến của cơ quan chức năng và các chuyên gia về việc này.

* Ông BÙI TRUNG DUNG (cục trưởng Cục Quản lý hoạt động xây dựng - Bộ Xây dựng):

Công trình đặc biệt cần tuân thủ quy trình đặc biệt

Tòa tháp TTHC Đà Nẵng thuộc loại công trình cấp đặc biệt, nhưng thực hiện theo Luật xây dựng cũ (2013) nên vẫn phân cấp cho chủ đầu tư tự quyết định.

Khi đối xử với công trình cấp đặc biệt đáng lẽ ra phải thành lập một hội đồng đặc biệt, bao gồm những chuyên gia đầu ngành để nghiên cứu. Tuy nhiên, TTHC Đà Nẵng lại do TP Đà Nẵng tự thành lập hội đồng, các ngành, các sở tự trao đổi với nhau.

Các ngành, các sở chỉ thiên về quản lý kiến trúc, còn về mặt kỹ thuật là lĩnh vực hẹp, lĩnh vực khó, họ chưa đáp ứng được. Kỹ thuật phải là những công ty tư vấn hàng đầu của VN, hoặc những chuyên gia chuyên sâu đến từ đại học xây dựng hoặc các trường khác đảm trách...

Hồi đó đáng lẽ Đà Nẵng nên mời Hội đồng nghiệm thu nhà nước tham gia vì lúc này Thủ tướng đã thành lập Hội đồng nghiệm thu nhà nước rồi. Công trình đó không có sự tham gia giám sát, đánh giá của hội đồng là một sơ suất đáng tiếc, bài học nhãn tiền.

Trung tâm hành chính Đà Nẵng mới hoạt động gần 3 năm nay đã phải bàn tới chuyện di dời - Ảnh: V.Hùng
Trung tâm hành chính Đà Nẵng mới hoạt động gần 3 năm nay đã phải bàn tới chuyện di dời - Ảnh: V.Hùng

Gần đây, Đà Nẵng tiếp tục có văn bản đề nghị Chính phủ giao những công trình dạng này để Đà Nẵng tự làm nhưng Chính phủ không đồng ý.

Hiện nay, theo phân cấp của Luật xây dựng 2014 và nghị định 59, những công trình dạng từ cấp 1 đến cấp đặc biệt phải tuân thủ một quy trình đặc biệt.

Đó là phải đệ trình cho bộ chuyên ngành (có thể là Bộ Giao thông vận tải, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Bộ Xây dựng...) để đánh giá, xem xét, thẩm định từ thiết kế cơ sở, áp dụng quy chuẩn tiêu chuẩn đến thiết kế kỹ thuật...

Ngoài ra những công trình đặc biệt như vậy thì bộ chuyên ngành còn đóng vai trò thay mặt Nhà nước quản lý về mặt tiêu chuẩn, quy chuẩn.

Chính công trình tòa nhà hành chính của Đà Nẵng hiện nay cũng đang tranh cãi về quy chuẩn tiêu chuẩn, thiết kế cơ sở, cái này vượt tầm Đà Nẵng.

Về các TTHC tại các địa phương, hiện nay Bộ Xây dựng đã ban hành tiêu chuẩn 03, gần đây có thông tư 03 về phân cấp công trình.

Theo đó, các công trình dân dụng như TTHC cấp tỉnh phần lớn thuộc cấp 1 trở lên phải thi tuyển kiến trúc, thiết kế cơ sở phải có các bộ chuyên ngành có ý kiến thẩm định, hồ sơ phải được hậu kiểm...

Không chỉ thế, trong thẩm định, Luật xây dựng còn yêu cầu phải đảm bảo về môi trường và tiết kiệm chi phí. Như công trình Đà Nẵng, giai đoạn đó đầu tư tới 2.000 tỉ đồng là con số rất lớn.

* KTS TÔ VĂN HÙNG (trưởng Ban đô thị HĐND TP,  phó chủ tịch Hội Kiến trúc sư Đà Nẵng):

Đà Nẵng cần tính tới một TTHC mới

KTS TÔ VĂN HÙNG - Ảnh: V.Hùng

Trong quy hoạch đô thị trước đây, khi chọn vị trí xây dựng TTHC với tổng diện tích gần 65.000m2 phục vụ khoảng 1.500 cán bộ, công chức là hợp lý.

Nhưng giải pháp thiết kế công trình, về mặt kỹ thuật, việc sử dụng bề mặt diện tích lớn bằng kính chưa thật sự phù hợp với thời tiết khí hậu nhiệt đới Đà Nẵng. Còn các tầng trên cao khối tháp có góc chiếu mặt trời lớn, hấp thu bức xạ mặt trời cao.

Đó là chưa kể hình dạng mặt bằng tòa tháp thiết kế hình tròn khá bất lợi về mặt tiện nghi cho hình thức trụ sở làm việc, khó khăn việc phân chia và bố trí không gian làm việc.

Giải pháp trước mắt là cần áp dụng công nghệ xử lý bề mặt nhằm giảm thiểu tối đa bức xạ mặt trời, lắp đặt thêm quạt hút gió các tầng trên cao và các cửa lấy gió tươi các không gian làm việc. Cần thiết phải tổ chức lại lưu thông trên các tuyến đường phố tại khu vực.

Về lâu dài, việc nghĩ đến một TTHC mới cho Đà Nẵng phải tính tới khi đô thị phình to cả về quy mô đất đai, dân số gấp 2-3 lần hiện nay.

TP đang điều chỉnh quy hoạch theo hướng mở rộng đô thị về phía tây, với mục đích mở rộng đô thị để giãn dân, hạn chế mật độ tập trung dân số quá cao tại khu vực trung tâm là chủ trương đúng đắn, phù hợp với quy luật và định hướng phát triển.

KTS Nguyễn Minh Tiến: 

Không khéo đi ngược lại xu thế chung

Xu hướng của thế giới là giảm các TTHC có quy mô lớn tại các đô thị. Lý do là tất cả đều đi theo hướng tinh giảm thủ tục hành chính, thay vào đó là nâng cao các ứng dụng công nghệ trong bộ máy vận hành nhà nước, đặc biệt là chính phủ điện tử.

Theo tư duy cũ, những TTHC, trụ sở công quyền đã và đang được xây dựng khắp nơi, trong khi nhiều chuẩn giá trị chưa được quy định rõ ràng nhưng quy mô xây dựng cứ tăng dần dù nguồn lực có hạn.

Chúng ta có tính đến chuyện mươi năm nữa công nghệ thông tin phủ khắp, người dân có thể ở nhà làm thủ tục hành chính qua mạng thì TTHC quy mô lớn có còn phù hợp?

LÂM HOÀI - V.HÙNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên