Thứ 6, ngày 20 tháng 5 năm 2022
Trung Quốc 'thử lửa' eo biển Đài Loan
TTO - Nhà nghiên cứu tại Trường nghiên cứu quốc tế S. Rajaratnam ở Singapore Collin Koh đánh giá hoạt động của quân đội Trung Quốc có thể không chỉ nhằm phản ứng với sự hiện diện hải quân Mỹ và Nhật Bản trong khu vực mà còn vì một mục đích khác.

Máy bay tác chiến điện tử Shenyang J-16D được trưng bày tại Triển lãm hàng không năm 2021 ở TP Chu Hải, tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc). Hôm 24-1, lần đầu tiên Đài Loan phát hiện máy bay này trong ADIZ của hòn đảo - Ảnh: Global Times
Hôm 23-1, Đài Loan cho biết Trung Quốc đã điều 39 máy bay quân sự vào vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) của lãnh thổ này. Đây là số máy bay quân sự lớn nhất mà đại lục triển khai áp sát Đài Loan từ đầu năm 2022 đến nay.
Số máy bay này gồm 24 chiến đấu cơ J-16, 10 chiến đấu cơ J-10, 2 máy bay vận tải Y-9, 2 máy bay săn ngầm Y-8 và 1 máy bay ném bom H-6. Một ngày sau đó, Bắc Kinh triển khai tiếp 13 máy bay, trong đó có sự xuất hiện lần đầu tiên của 2 máy bay tác chiến điện tử Shenyang J-16D, phiên bản mới nhất của chiến đấu cơ J-16.
Bắc Kinh muốn gì?
Phía Đài Loan đã phản ứng với động thái của Trung Quốc vào hôm 23-1 bằng cách phát cảnh báo vô tuyến và triển khai các hệ thống tên lửa phòng không để giám sát máy bay Trung Quốc.
Hoạt động của quân đội Trung Quốc diễn ra chỉ một ngày sau khi Hải quân Mỹ và Lực lượng phòng vệ biển Nhật Bản cùng phô trương sức mạnh ở biển Philippines, với sự tham gia của đội tàu chiến gồm 2 tàu sân bay USS Carl Vinson và USS Abraham Lincoln của Mỹ, 1 khu trục hạm trực thăng của Nhật Bản và nhiều tàu khác.
Biển Philippines là khu vực thuộc Thái Bình Dương ở phía đông đảo Đài Loan. Vùng biển này nằm giữa Đài Loan và các vùng lãnh thổ của Mỹ là Guam và quần đảo Bắc Mariana.
Hải quân Mỹ không thông tin đội tàu nói trên hoạt động cách đảo Đài Loan bao xa. Tuy nhiên, Hải quân Mỹ cho biết các tàu này lúc đó "tham gia huấn luyện để duy trì và bảo vệ khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở".
Ông Collin Koh, nhà nghiên cứu tại Trường nghiên cứu quốc tế S. Rajaratnam ở Singapore, đánh giá hoạt động của quân đội Trung Quốc vào hôm 23-1 có thể không chỉ nhằm phản ứng với sự hiện diện hải quân Mỹ và Nhật Bản trong khu vực mà còn vì một mục đích khác.
"Đây chắc chắn là một phần trong chiến dịch lớn hơn của Bắc Kinh nhằm làm xói mòn ý chí và khả năng tiếp tục kháng cự của Đài Loan" - ônh Collin Koh bình luận.
Trong khi đó, Thời báo Hoàn Cầu của Trung Quốc viết: "Các đường bay của máy bay quân sự Trung Quốc giống như thòng lọng siết chặt cổ những kẻ ly khai ở Đài Loan, khiến họ cảm thấy khó thở. Nếu những kẻ ly khai ngoan cố này tiếp tục thách thức nguyên tắc "Một Trung Quốc", chiếc thòng lọng sẽ siết chặt hơn".

Nguồn: Cơ quan phòng vệ Đài Loan - Dữ liệu: Bảo Anh - Đồ họa: T.ĐẠT
Biểu dương sức mạnh
Chuyên gia quốc phòng Lâm Dĩnh Hựu tại Đài Loan nhận định Trung Quốc điều số lượng lớn máy bay quân sự áp sát Đài Loan nhằm biểu dương sức mạnh quân sự của Bắc Kinh với hai cường quốc là Mỹ và Nhật Bản. Học giả Yết Trọng tại Đài Bắc cũng có quan điểm tương tự.
Ngoài hoạt động trên không, Trung Quốc cũng điều tàu chiến vào vùng biển khu vực. Hôm 24-1, báo Financial Times dẫn thông tin từ các quan chức Mỹ, Nhật Bản và Đài Loan cho biết Trung Quốc đã thiết lập sự hiện diện thường trực của ít nhất 1 tàu chiến ở vùng biển nằm giữa Đài Loan và các đảo phía nam của Nhật Bản trong 6 tháng qua.
Đây là lần đầu tiên Hải quân Trung Quốc triển khai tàu chiến liên tục bên ngoài chuỗi đảo từ Nhật Bản (ở phía bắc) đến Philippines (ở phía nam) - chuỗi đảo vốn ngăn cách Trung Quốc với Thái Bình Dương.
Theo Financial Times, giới chuyên gia quốc phòng Nhật Bản và Đài Loan cho biết các hoạt động của Hải quân Trung Quốc trong vùng biển khu vực rõ ràng cho thấy Bắc Kinh đang tập trận đối phó những tình huống có thể đóng vai trò then chốt trong một cuộc chiến liên quan vấn đề Đài Loan trong tương lai.
Các tình huống này bao gồm tấn công những căn cứ không quân ở bờ biển phía đông của đảo Đài Loan và cắt đứt đường tiếp cận của các lực lượng Mỹ vốn được triển khai từ Nhật Bản và đảo Guam đến hỗ trợ Đài Loan.
Đài Loan đóng tàu ngầm phòng thủ
Đầu tuần này, truyền thông Đài Loan tường thuật lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn đã quyết định bổ sung một quỹ đặc biệt để đóng các tàu ngầm nội địa. Đài Loan lên kế hoạch đóng 8 tàu ngầm trong khuôn khổ Chương trình tàu ngầm phòng thủ nội địa.
Công ty đóng tàu CSBC của Đài Loan, nhà thầu chính của chương trình này, bắt đầu đóng vào năm 2020 và dự kiến bàn giao chiếc tàu ngầm đầu tiên trước năm 2025.
Tuy nhiên, truyền thông Đài Loan cho biết nguyên mẫu tàu ngầm sản xuất nội địa đầu tiên của hòn đảo này có thể sẽ được hạ thủy sớm vào tháng 9-2023.
-
TTO - Tối 20-5, rất đông người hâm mộ đã đổ về SVĐ Cẩm Phả (Quảng Ninh) sẵn sàng xếp hàng xuyên đêm chờ đến giờ phát vé trận chung kết bóng đá nữ Việt Nam - Thái Lan sáng 21-5.
-
TTO - Một số phụ huynh ở TP.HCM lo lắng khi biết con tiêm vắc xin COVID-19 đã hết hạn. Tuy nhiên, theo Bộ Y tế, với vắc xin hết hạn trên nhãn nhưng được cập nhật hạn dùng sẽ không thay đổi chất lượng, an toàn, hiệu quả của vắc xin.
-
TTO - Ngày 20-5, tuyển Việt Nam đã giành vé vào chung kết bóng chuyền nam SEA Games 31 sau chiến thắng nghẹt thở 3-2 trước Thái Lan ở bán kết.
-
TTO - Tính từ 16h ngày 19-5 đến 16h ngày 20-5, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 ghi nhận 1.587 ca nhiễm mới trong nước (giảm 128 ca so với ngày trước đó) tại 51 tỉnh, thành phố (có 1.380 ca trong cộng đồng).
-
TTO - Đặt chỉ tiêu 140 HCV tại SEA Games 31 nhưng tính đến 20h45 ngày 20-5, đoàn thể thao Việt Nam đã giành đến 163 HCV, vượt chỉ tiêu 23 HCV.
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận
Xem thêm bình luận