Người phát ngôn Bộ ngoại giao Trung Quốc, bà Hoa Xuân Oánh - Ảnh: AFP |
Hãng thông tấn Tân Hoa xã của Trung Quốc ngày 4-6 dẫn lời người phát ngôn Bộ Ngoại giao Hoa Xuân Oánh cho biết Bắc Kinh "rất không hài lòng" và "phản đối mạnh mẽ" bài phát biểu của hai quan chức quốc phòng Mỹ và Nhật Bản về vấn đề Biển Đông và Đài Loan.
Bà Hoa nhấn mạnh Bắc Kinh phản đối các quốc gia lợi dụng danh nghĩa "tự do hàng hải và hàng không" để tiến hành các hoạt động đe dọa đến an ninh và chủ quyền của Trung Quốc. Đại diện Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngang nhiên tuyên bố "không có bất cứ thứ gì gọi là quân sự hóa" các thực thể thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam mà Trung Quốc đang chiếm đóng trái phép.
Bà này còn lớn tiếng khẳng định "những công trình của Trung Quốc ở Trường Sa chỉ nhằm cải thiện điều kiện sống và sinh hoạt của các nhân viên". Bà Hoa cũng ngang ngược tái khẳng định chủ quyền vô lý của Bắc Kinh ở Trường Sa để biện minh cho các công trình quân sự trái phép của Trung Quốc là nhằm "tự vệ và phòng thủ".
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc tiếp tục lặp lại quan điểm cũ của Bắc Kinh, cảnh báo các bên liên quan nên tôn trọng các nỗ lực của các quốc gia trong khu vực và "đóng vai trò mang tính xây dựng cho hòa bình, ổn định trên Biển Đông".
Về vấn đề Đài Loan, bà Hoa nhấn mạnh quan điểm của Trung Quốc về vấn đề này "rõ ràng và nhất quán" đồng thời kêu gọi Mỹ ngừng hợp tác với vùng lãnh thổ Đài Loan.
Trước đó, một đại biểu của đoàn Trung Quốc đã phản đối ý kiến của Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis khi ông đề cập đến việc tăng cường hợp tác giữa Mỹ và Đài Loan để đảm bảo an ninh cho hai bờ eo biển trong bài phát biểu tại SLD lần thứ 16 tổ chức ở Singapore ngày 3-6.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis phát biểu tại Đối thoại Shangri-La ngày 3-6 - Ảnh: Reuters |
Trung Quốc "chơi cha" ở Biển Đông
Người đứng đầu Lầu Năm Góc khi đó cũng đã lên tiếng phản đối bất kỳ hành động quân sự hóa đảo nhân tạo trên Biển Đông.
"Chúng tôi không thể và sẽ không chấp nhận các hành động đơn phương, cưỡng ép làm thay đổi hiện trạng", ông Mattis nhấn mạnh.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ cáo buộc "quy mô và những ảnh hưởng từ các hoạt động tôn tạo của Trung Quốc trên Biển Đông khác với tất cả các quốc gia khác". Đặc biệt là ở bốn điểm: "bản chất quân sự hóa, coi thường luật pháp quốc tế, khinh miệt lợi ích của các nước khác, và nỗ lực ngăn cản cách giải quyết vấn đề theo cách không gây mâu thuẫn".
Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Tomomi Inada trong bài phát biểu cùng ngày cũng nhấn mạnh bất chấp phán quyết của Tòa trọng tài tại The Hague vào tháng 7-2016 về vụ Philippines kiện Trung Quốc chiếm biển ngang ngược, "các hoạt động xây dựng các tiền đồn phục vụ cho mục đích quân sự vẫn đang tiếp tục".
Bà Inada tuyên bố ủng hộ việc Mỹ tiếp tục các chiến dịch tuần tra đảm bảo tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông như Bộ trưởng Mattis đã tuyên bố trước đó.
Chính quyền Bắc Kinh bấy lâu nay luôn khẳng định không quân sự hóa Biển Đông. Tuy nhiên, đằng sau những lời hoa mỹ và cố gắng thể hiện trách nhiệm đó, Bắc Kinh vẫn tiếp tục mạnh mẽ tiến hành cải tạo và xây dựng đảo nhân tạo trên các thực thể chiếm đóng phi pháp thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Các hình ảnh vệ tinh thu được cho thấy Trung Quốc đã xây dựng trái phép các đường băng, nhà chứa máy bay và công trình phòng sự trên các thực thể chiếm đóng phi pháp này.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận