Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis phát biểu tại phiên toàn thể thứ nhất chủ đề "Mỹ và An ninh châu Á - Thái Bình Dương" ở Đối thoại Shangri-La lần thứ 16 tại Singapore sáng 3-6 - Ảnh: QUỲNH TRUNG |
Trong bài phát biểu hơn 20 phút, người đứng đầu Lầu Năm Góc đã trình bày các vấn đề nóng của khu vực châu Á - Thái Bình Dương (CA-TBD) như Biển Đông, vấn đề hạt nhân của Triều Tiên và cách tiếp cận của Washington.
Bài phát biểu ngày hôm nay (3-6) của ông Mattis tại Singapore đã được kỳ vọng sẽ làm rõ hơn các chính sách của Mỹ đối với khu vực dưới thời Tổng thống Donald Trump.
Mỹ vẫn sẽ can dự vào khu vực
"Mỹ vẫn sẽ can dự vào khu vực, vì hòa bình và sự thịnh vượng của châu Á với sự tôn trọng dành cho những quốc gia thượng tôn luật pháp quốc tế. Không quốc gia nào là một hòn đảo hay bị cô lập với thế giới, chúng ta sẽ cùng nhau đẩy lủi các thách thức an ninh", ông Mattis đã mở đầu như thế trong bài phát biểu.
"Tôn trọng luật quốc tế và tự do hàng hải, hàng không là cách để xây dựng lòng tin, đảm bảo sự ổn định và thịnh vượng", ông Mattis kêu gọi.
Nhà lãnh đạo Lầu Năm Góc nhấn mạnh cho dù như thế nào, Mỹ vẫn sẽ can dự vào châu Á, 60% lực lượng hải quân Mỹ vẫn sẽ tập trung ở CA-TBD. Cần nhớ, việc bố trí tới 60% lực lượng hải quân ở khu vực này là một phần trong chính sách "tái cân bằng" và xoay trục sang châu Á từng được tổng thống Barack Obama tuyên bố.
Chính quyền tổng thống Donald Trump đã nhiều lần mập mờ về khả năng chấm dứt chính sách trên.
"Nước Mỹ vẫn sẽ ở đây, tôi chắc chắn với quý vị như vậy. Cho dù Tổng thống Trump có nói gì hay làm gì đi chăng nữa", Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ khẳng định.
Trong bối cảnh Tổng thống Trump đang có dấu hiệu xa rời các vấn đề quốc tế như hiện nay, tuyên bố của ông Mattis tại đối thoại an ninh Shangri-La lần này được xem sự một sự trấn an đối với các quốc gia đồng minh tại CA-TBD về các cam kết an ninh của Mỹ.
Không chấp nhận quân sự hóa Biển Đông
"Mỹ không chấp nhận quân sự hóa các đảo nhân tạo trên Biển Đông. Chúng tôi không thể và sẽ không chấp nhận những nỗ lực đơn phương, cưỡng ép nhằm thay đổi hiện trạng của khu vực", Bộ trưởng Quốc phòng Mattis nhấn mạnh.
Người đứng đầu Lầu Năm Góc khẳng định Mỹ vẫn muốn bắt tay hợp tác với Trung Quốc trong vấn đề Triều Tiên, bởi đó là một vấn đề lớn của thế giới. Song, điều đó không có nghĩa Washington sẽ làm ngơ để Bắc Kinh triển khai vũ khí và xây dựng các công trình quân sự khác trên các đảo nhân tạo ở Biển Đông.
"Mỹ hoan nghênh sự phát triển về kinh tế của Trung Quốc nhưng cũng đồng thời đã lường trước được sự ma sát giữa hai nước. Trong khi sự cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc - hai nền kinh tế hàng đầu thế giới là chắc chắn xảy ra, xung đột giữa hai nước cũng khó tránh khỏi", Bộ trưởng Mattis nói thẳng.
Ông Mattis tiếp tục kêu gọi các quốc gia cần thượng tôn luật pháp quốc tế, tôn trọng trật tự khu vực dựa trên quy tắc và đề cập đến phán quyết của Tòa trọng tài thường trực quốc tế The Hague về Biển Đông hồi năm ngoái. Theo ông Mattis, các bên liên quan trong tranh chấp Biển Đông nên xem phán quyết này là xuất phát điểm trong việc quản lý tranh chấp và hướng tới một giải pháp hòa bình.
Chúng tôi có thể làm việc với Trung Quốc, nhưng cam kết vẫn sẽ tiếp tục tiến hành tuần tra đảm bảo tự do hàng hải trong khu vực, đặc biệt là Biển Đông" |
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis |
Trung tướng Hà Lôi (phải), Phó Chủ tịch Viện Khoa học Quân sự Trung Quốc nghe bài phát biểu của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis tại Đối thoại Shangri-La sáng 3-6. Một đại biểu của đoàn Trung Quốc đã phản đối ý kiến của ông Mattis khi ông đề cập đến việc tăng cường hợp tác giữa Mỹ và Đài Loan để đảm bảo an ninh cho hai bờ eo biển. Ngồi cạnh ông Hà Lôi là Thủ tướng Úc Malcolm Turnbull - Ảnh: Reuters |
Gây sức ép lên vấn đề Triều Tiên
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ nhấn mạnh mối đe dọa từ chương trình hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên "là rõ ràng" và rằng Bình Nhưỡng đang tăng tốc để tiến gần hơn tới sở hữu vũ khí hạt nhân.
Ông Mattis thừa nhận chính quyền của Tổng thống Trump tin vào những cam kết của chính quyền Bắc Kinh đối với cộng đồng quốc tế về vấn đề phi hạt nhân hóa.
"Mỹ vẫn sẽ làm việc với Trung Quốc trong vấn đề Triều Tiên. Chúng tôi hi vọng Bắc Kinh sẽ sớm nhìn nhận Triều Tiên là một trách nhiệm chiến lược của quốc gia họ, hơn là một vùng đệm", ông Mattis chỉ rõ.
Mỹ xem Trung Quốc, quốc gia thân cận nhất với Triều Tiên, là chìa khóa trong việc giải quyết chương trình hạt nhân và tên lửa gây tranh cãi của Bình Nhưỡng.
Nhà lãnh đạo Mỹ khẳng định Washington sẽ tiếp tục phối hợp với các quốc gia khác trong khu vực để gây áp lực ngoại giao và kinh tế lên Bình Nhưỡng, buộc Triều Tiên từ bỏ tham vọng hạt nhân.
Liên quan đến chủ nghĩa khủng bố, người đứng đầu Lầu Năm Góc khẳng định "sẽ tiếp tục sát cánh, phối hợp chặt chẽ với các đồng minh trong khu vực vì an ninh và sự ổn định của khu vực, chống lại những mối đe dọa mới".
Ông Mattis khẳng định các nhóm cực đoan phải bị đánh bại không chỉ ở Iraq hay Syria mà còn phải vắng bóng ở Đông Nam Á. Mỹ đang tích cực làm việc với các nước trong khu vực để cai thiện năng lực chia sẻ tình báo, ông cho biết thêm.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận