17/08/2016 09:54 GMT+7

Trung Quốc phải tuân thủ
 luật pháp quốc tế 

QUỲNH TRUNG
QUỲNH TRUNG

TTO - Đó là khẳng định của nhiều đại biểu bên lề cuộc họp báo chiều 16-8 về hội thảo quốc tế “Quy chế pháp lý của đảo, đá trong luật quốc tế”.

PGS.TS Phạm Đăng Phước, hiệu trưởng Trường ĐH Phạm Văn Đồng (giữa), phát biểu tại cuộc họp báo - Ảnh: Q.T.
PGS.TS Phạm Đăng Phước, hiệu trưởng Trường ĐH Phạm Văn Đồng (giữa), phát biểu tại cuộc họp báo - Ảnh: Q.T.

Hội thảo do Trường ĐH Nha Trang và Trường ĐH Phạm Văn Đồng phối hợp tổ chức.

PGS.TS Trang Sĩ Trung, hiệu trưởng Trường ĐH Nha Trang, cho biết diễn ra sau khi Tòa trọng tài ra phán quyết vụ Philippines kiện Trung Quốc, hội thảo sẽ tập trung thảo luận cơ sở pháp lý về các đảo đá theo luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật biển 1982 (UNCLOS), nội dung phán quyết của Tòa trọng tài và tác động của phán quyết đối với khu vực.

“Chúng tôi hi vọng các nhà nghiên cứu chính trị và luật pháp quốc tế sẽ thảo luận sâu sắc về kết quả phán quyết của Tòa trọng tài vụ Philippines kiện Trung Quốc” - PGS.TS Trang Sĩ Trung nói với Tuổi Trẻ sau buổi họp báo.

Trao đổi với Tuổi Trẻ bên lề về kết quả phán quyết của Tòa trọng tài, ông Shekhar Dutt, cựu phó cố vấn an ninh quốc gia của Ấn Độ, cho biết Trung Quốc phải tôn trọng luật pháp quốc tế và họ phải ứng xử phù hợp với lợi ích của cộng đồng quốc tế.

“Thế giới ngày nay có sự liên hệ với nhau, trong đó các nước phải tuân thủ luật pháp quốc tế, pháp quyền. Không ai có quyền thay đổi môi trường tự nhiên trên biển. Hành vi không tuân thủ luật pháp quốc tế sẽ gây nguy hại cho thế giới” - ông Shekhar Dutt nhấn mạnh.

Trong khi đó GS Ngô Vĩnh Long, Trường ĐH Maine (Hoa Kỳ), tiết lộ trong bài phát biểu sắp tới, ông muốn truyền đi thông điệp rằng các nước có lợi ích trực tiếp ở Biển Đông như Việt Nam và Philippines cần hợp tác chung một số vấn đề, cùng nhau bảo vệ vùng đặc quyền kinh tế của nhau.

Các nước có lợi ích trực tiếp và tranh chấp tại Biển Đông ở ASEAN phải dừng tranh cãi những vấn đề không dựa trên pháp lý, thay vào đó cùng nhau hợp tác, chẳng hạn như lập một vùng bảo vệ sinh thái chung. “Vì nếu các nước gây tranh cãi sẽ tạo cơ hội cho Trung Quốc chi phối” - GS Long nói.

Hội thảo chính thức khai mạc sáng nay (17-8) và kéo dài tới trưa 18-8.

Trong một diễn biến khác, tại cuộc họp với các nhà ngoại giao cấp cao ASEAN về Biển Đông ở Nội Mông (Trung Quốc) ngày 16-8, Thứ trưởng ngoại giao Trung Quốc Lưu Chấn Dân đã cảnh báo Singapore không nên can dự vào tranh chấp ở vùng biển này.

“Do Singapore không phải là một bên có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông, chúng tôi hi vọng Chính phủ Singapore không can thiệp vào các vấn đề Biển Đông và thúc đẩy hợp tác giữa Trung Quốc và ASEAN” - tờ South China Morning Post dẫn lời ông Lưu đáp trả tuyên bố của đảo quốc sư tử mới đây kêu gọi các nước tôn trọng phán quyết của Tòa trọng tài.

Tại cuộc họp này, ông Lưu cũng cho biết Trung Quốc và ASEAN đã thống nhất về nguyên tắc việc thành lập đường dây nóng xử lý các tình huống hàng hải khẩn cấp trên Biển Đông. Thỏa thuận dự kiến được đưa ra để các lãnh đạo thông qua tại hội nghị khu vực ở Lào vào tháng sau.

Không đưa Biển Đông vào chương trình nghị sự G20

Trung Quốc vừa tuyên bố sẽ giữ hội nghị nhóm các nền kinh tế lớn G20 tập trung vào các vấn đề phát triển thay vì bàn về tranh chấp ở Biển Đông. “Hội nghị nên tập trung vào các vấn đề kinh tế. Đó là điều mọi người muốn thảo luận nhất ở hội nghị” - Thứ trưởng ngoại giao Trung Quốc Lý Bảo Đông ngày 15-8 nhấn mạnh.

Tuy nhiên, giới ngoại giao cho rằng Bắc Kinh sẽ khó tránh né về vấn đề này trong các cuộc gặp với lãnh đạo Mỹ, Nhật, Úc, Hàn Quốc. Hội nghị G20 sẽ diễn ra tại TP Hàng Châu, tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc từ ngày 4 đến 5-9.

Tờ South China Morning Post mới đây dẫn các nguồn tin cho rằng để thuyết phục hội nghị G20 không nói về Biển Đông, Bắc Kinh sẽ kiềm chế việc bồi đắp phi pháp trong thời gian tới.

Nhưng điều này cũng có nghĩa Trung Quốc có khả năng đẩy mạnh các hoạt động khiêu khích từ giữa tháng 9 đến đầu tháng 11-2016 nhằm lợi dụng thời điểm bầu cử của Mỹ.

TRẦN PHƯƠNG

QUỲNH TRUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên