Các đầu tàu điện cao tốc trong một cơ sở bảo dưỡng tàu điện cao tốc ở Vũ Hán. Chính quyền Trung Quốc muốn tăng cường các ngành công nghệ cao, trong đó có vận tải hiện đại - Ảnh: Reuters |
Theo Tân Hoa xã, Quốc vụ viện Trung Quốc đề ra chín ưu tiên để đưa nước này thành “cường quốc sản xuất của thế giới”, bao gồm tăng cường đổi mới, tích hợp công nghệ thông tin với sản xuất, quảng bá nhãn hiệu Trung Quốc, khuyến khích sản xuất xanh, tái cơ cấu các ngành sản xuất, quốc tế hóa sản xuất…
Chính phủ Trung Quốc cam kết tăng cường đầu tư để phát triển 10 ngành công nghệ cao như chế tạo người máy, thiết bị hàng không không gian, xe hơi sử dụng năng lượng mới, vận tải công nghệ cao, tàu và thiết bị hàng hải công nghệ cao, y dược sinh học…
Bắc Kinh sẽ tăng chi phí nghiên cứu phát triển từ 0,88% doanh số sản xuất trong năm 2013 lên 1,68% vào năm 2025. |
Chính quyền Trung Quốc cũng sẽ thành lập một trung tâm đổi mới sản xuất để phục vụ kế hoạch đầy tham vọng này.
Bắc Kinh công bố chiến lược “Made in China 2025” trong thời điểm các nhà máy nước này đang gặp nhiều khó khăn vì nhu cầu giảm, nền kinh tế trong nước tăng trưởng chậm lại và sự cạnh tranh ngày càng gay gắt của các nền kinh tế đang phát triển trong khu vực.
Quốc vụ viện Trung Quốc thừa nhận ngành công nghiệp sản xuất nước này phải đối mặt với nhiều thách thức lớn như môi trường suy thoái, nguồn tài nguyên sụt giảm, chi phí lao động tăng, đầu tư và xuất khẩu đều đang chậm lại đáng kể.
Chi phí tăng cao là nguyên nhân chính cản trở đầu tư nước ngoài vào ngành sản xuất Trung Quốc và ảnh hưởng đến nhu cầu tiêu thụ ở nước ngoài đối với các sản phẩm làm ra tại Trung Quốc. Mức lương trung bình hằng tháng của công nhân nhà máy ở Trung Quốc tăng 11,6% lên 2.832 NDT (457 USD) trong năm 2014.
Nhu cầu mua hàng Trung Quốc đang giảm đi trông thấy. Xuất khẩu của Trung Quốc chỉ tăng 6,1% trong năm 2014, chậm đi nhiều so với mức tăng trưởng 7,9% của năm 2013.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận