Tại Hội nghị công tác kinh tế trung ương vào tháng 12-2023, Trung Quốc đã xác định "nền kinh tế độ cao thấp" là "ngành công nghiệp mới nổi chiến lược".
Triển vọng tươi sáng
Cuối tháng 3 vừa qua, Trung Quốc đã lần đầu tiên cấp giấy phép sản xuất máy bay cất và hạ cánh thẳng đứng chạy bằng điện (eVTOL). Điều này cho thấy Bắc Kinh đang tiếp tục củng cố vị thế trong cuộc đua vận hành thương mại và giành thị phần trong lĩnh vực công nghệ mới nổi này trên toàn cầu.
"Nền kinh tế độ cao thấp" đề cập đến vùng trời có độ cao từ 1.000 - 4.000m so với mặt đất - khu vực hoạt động của các phương tiện bay dân dụng và không người lái.
Các hoạt động trong vùng này bao gồm việc vận chuyển hàng hóa hay thực phẩm, quá cảnh và du lịch, cũng như các hoạt động tìm kiếm và cứu hộ trong thảm họa.
Theo đó, chiếc eVTOL EH216-S không người lái của nhà sản xuất EHang, với khả năng vận chuyển hành khách, đã được Cục Hàng không dân dụng Trung Quốc (CAAC) cấp phép sản xuất. CAAC cũng đã cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện bay trước đó cho sản phẩm EH216-S.
Đài ABC News cho biết eVTOL là sự kết hợp giữa xe hơi điện và thiết bị bay không người lái (drone). Thêm một điểm cộng là loại phương tiện này có thể chạy được bằng năng lượng tái tạo.
Bên cạnh đó, eVTOL không cần đường băng và khi vận hành cũng yên tĩnh hơn trực thăng truyền thống. Vì vậy, phương tiện này có thể được sử dụng tốt ở khu vực thành thị.
Các sản phẩm trong mảng công nghệ mới này tại Trung Quốc cũng đang được mở rộng phạm vi ứng dụng. Khí cầu dân sự AS700 cũng vừa hoàn thành chuyến bay chuyển giao đầu tiên và dự kiến sẽ có đợt giao hàng lần đầu vào cuối năm 2024.
Khí cầu này ban đầu sẽ được triển khai sử dụng trong hoạt động du lịch và được kỳ vọng sẽ được mở rộng phạm vi ứng dụng qua các lĩnh vực khác như cứu hộ khẩn cấp hay các dịch vụ công cộng.
Cùng lúc đó, các dịch vụ giao đồ ăn bằng drone hay taxi trực thăng cũng đã có mặt ở thành phố Thâm Quyến. Nhiều tuyến taxi bay cũng được giới thiệu tại thành phố Thâm Quyến, nhằm thu hút người dân sử dụng loại hình dịch vụ hàng không này.
Ngoài các hỗ trợ về chính sách và tài chính của chính quyền trung ương, khoảng 20 tỉnh tại Trung Quốc được báo cáo đã đưa các biện pháp hỗ trợ riêng cho nền kinh tế "độ cao thấp" này vào kế hoạch cho năm 2024.
Về câu chuyện hạ tầng giao thông, Hồ Nam là tỉnh đầu tiên xác định đường bay cho 97 tuyến bay tầm thấp, đặt kỳ vọng sẽ có những ứng dụng công nghiệp cho vùng không phận này.
"Thiết bị bay không người lái dân dụng ở Trung Quốc đi tiên phong trong việc được ứng dụng rộng rãi trong các lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, chăn nuôi, thủy sản và chụp ảnh trên không", quan chức Luo Hongjiang của CAAC trả lời báo giới hồi cuối tháng 3.
"Các dịch vụ hậu cần của thiết bị bay không người lái hiện đang mở rộng đến khu vực thương mại tại các đô thị và cộng đồng.
Quá trình chứng nhận đủ điều kiện bay cho máy bay eVTOL đang tiến bộ đều đặn, và triển vọng trong tương lai của các ứng dụng cho drone rất tươi sáng", người này nói thêm.
Ngành công nghiệp trăm tỉ USD
Theo báo cáo của đơn vị nghiên cứu thị trường CCID thuộc Bộ Công nghiệp và Công nghệ thông tin Trung Quốc (MIIT), quy mô thị trường của nền kinh tế "độ cao thấp" của Trung Quốc đạt 505,95 tỉ nhân dân tệ (69,9 tỉ USD) vào năm 2023, tăng 33,8% so với cùng kỳ năm ngoái và dự kiến sẽ vượt 1.000 tỉ nhân dân tệ (khoảng 138,2 tỉ USD) vào năm 2026.
Doanh thu từ lĩnh vực eVTOL cũng tăng 77,3% so với cùng kỳ lên 980 triệu nhân dân tệ (135,5 triệu USD) vào năm ngoái. Phân khúc này dự kiến sẽ có ứng dụng thương mại rộng rãi hơn trong các lĩnh vực như du lịch và tham quan trên không vào năm 2024.
Nhờ động lực từ việc các cơ quan chức năng nhanh cấp các giấy chứng nhận đủ điều kiện bay, báo cáo của CCID ước tính mảng eVTOL của Trung Quốc sẽ duy trì tốc độ tăng trưởng nhanh trong vài năm tới, đạt quy mô thị trường 9,5 tỉ nhân dân tệ (1,3 tỉ USD) vào năm 2026.
Bên cạnh đó, doanh thu từ lĩnh vực drone dân dụng của Trung Quốc cũng đã tăng 32%, đạt mức 117,4 tỉ nhân dân tệ (16,2 tỉ USD) trong năm 2023.
Theo trang phân tích The Interpreter của Viện Lowy (Úc), Trung Quốc nhận định cơ hội với "nền kinh tế độ cao thấp" nhằm thúc đẩy các việc làm tạo giá trị cao, tăng cường sự đổi mới trong khoa học công nghệ và tạo ra một số động lực cần thiết cho nền kinh tế quốc gia.
Một hướng dẫn do MIIT phối hợp cùng nhiều cơ quan khác ban hành, cho thấy Bắc Kinh đặt mục tiêu đẩy nhanh cung cấp và tiến hành đổi mới các thiết bị hàng không nói chung vào năm 2027, cùng các ứng dụng thương mại trong các lĩnh vực như vận tải hàng không đô thị, hậu cần và cứu hộ khẩn cấp.
"Đến năm 2030, một mô hình phát triển mới cho ngành hàng không chung, đặc trưng bởi các tính năng cao cấp, thông minh và xanh, sẽ được thiết lập", báo China Daily dẫn hướng dẫn của MIIT.
"Các trang bị hàng không sẽ được tích hợp đầy đủ vào sản xuất và đời sống, đồng thời trở thành động lực mạnh mẽ cho tăng trưởng kinh tế" - hướng dẫn nêu thêm.
Cần có cơ chế giám sát
Theo CAAC, số lượng drone được đăng ký ở Trung Quốc đạt 1,27 triệu vào cuối năm 2023, tăng 32% so với cùng kỳ năm ngoái.
Bên cạnh đó, Trung Quốc ghi nhận các thiết bị bay không người lái dân sự đã bay tổng cộng 23,11 triệu giờ ở nước này vào năm 2023, tăng 11,8% so với một năm trước đó.
Giám đốc Hiệp hội Công nghiệp máy bay không người lái Thâm Quyến Yang Jincai nhận định khi còn ở giai đoạn đầu phát triển, Trung Quốc vẫn còn thiếu cơ chế giám sát và ứng phó hiệu quả đối với các hoạt động bay ở tầm cao thấp, điều này cũng gây khó khăn cho việc quản lý không phận ở khu vực này tại các đô thị.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận