Ngày 5-12, nhà lãnh đạo Đài Loan Lại Thanh Đức xác nhận ông đã nói chuyện với Chủ tịch Hạ viện Mỹ Mike Johnson trong chuyến công du Thái Bình Dương.
Ngoài ra, ông cũng điện đàm với các lãnh đạo của Đảng Dân chủ trong Quốc hội Mỹ gồm cựu chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi, lãnh đạo phe thiểu số Hạ viện Hakeem Jeffries và thượng nghị sĩ Roger Wicker, thành viên Đảng Cộng hòa cấp cao nhất trong Ủy ban Quân lực Mỹ.
Văn phòng của ông Lại cho biết họ "truyền đạt sự ủng hộ mạnh mẽ của lưỡng đảng Mỹ trong việc hỗ trợ Đài Loan bảo vệ nền dân chủ và tự do".
"Đài Loan biết ơn sự ủng hộ của lưỡng đảng trong Quốc hội Mỹ khi chúng ta thúc đẩy hòa bình và thịnh vượng ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương", ông Lại viết trên mạng xã hội X.
Trung Quốc trước đó đã chỉ trích Mỹ vì cho phép ông Lại dừng chân ở cả bang Hawaii và vùng lãnh thổ Guam trong chuyến thăm Thái Bình Dương.
Khi được hỏi về cuộc gọi giữa ông Lại và ông Johnson, người phát ngôn Lâm Kiếm của Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết Bắc Kinh đã nêu rõ lập trường của mình về chuyến đi của ông Lại.
"Tôi muốn nhấn mạnh một lần nữa rằng vấn đề Đài Loan là cốt lõi trong các lợi ích cốt lõi của Trung Quốc và là ranh giới đỏ đầu tiên không được vượt qua trong quan hệ Trung - Mỹ", Hãng tin Reuters dẫn lời ông Lâm Kiếm nói.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc kêu gọi Mỹ ngừng can thiệp vào công việc nội bộ của Bắc Kinh và ngừng gửi tín hiệu sai lệch đến các lực lượng đòi ly khai và độc lập cho Đài Loan. "Trung Quốc sẽ thực hiện các biện pháp kiên quyết và mạnh mẽ để bảo vệ vững chắc chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ của mình", người phát ngôn Trung Quốc nhấn mạnh.
Trung Quốc coi Đài Loan là phần lãnh thổ không thể tách rời và không loại trừ khả năng dùng vũ lực để thống nhất hòn đảo.
Reuters dẫn các nguồn tin cho rằng Trung Quốc có thể tổ chức đợt tập trận mới để phản ứng chuyến công du của ông Lại. Năm 2022, Bắc Kinh cũng từng tập trận rầm rộ khi bà Pelosi ghé thăm Đài Loan.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận