01/04/2021 17:30 GMT+7

Trung Quốc ca ngợi phi công thiệt mạng sau va chạm với máy bay do thám Mỹ 20 năm trước

BẢO DUY
BẢO DUY

TTO - Đúng ngày 1-4 cách đây 20 năm, một tiêm kích đánh chặn J-8 của Trung Quốc va chạm với máy bay do thám EP-3 của Mỹ. Vụ va chạm khiến phi công Trung Quốc thiệt mạng, toàn bộ phi hành đoàn Mỹ bị bắt khi hạ cánh xuống đảo Hải Nam.

Trung Quốc ca ngợi phi công thiệt mạng sau va chạm với máy bay do thám Mỹ 20 năm trước - Ảnh 1.

Tiêm kích J-8 số hiệu 81192 của phi công Wang Wei trước vụ va chạm cách đảo Hải Nam khoảng 104km - Ảnh chụp màn hình

Trong một bài viết trên Twitter chính thức ngày 1-4, Nhân Dân Nhật Báo nhấn mạnh "sự hi sinh anh dũng" của phi công Wang Wei "khi bảo vệ vùng trời Tổ quốc" sẽ mãi được nhớ đến.

Tờ báo của chính quyền Bắc Kinh khẳng định sau vụ va chạm, phi công Wang đã thoát được khỏi tiêm kích và bấm nút bung dù. Tuy nhiên, dù của phi công 33 tuổi không bật nên anh rơi xuống biển và tử nạn ngay sau đó.

Sau vụ va chạm, máy bay do thám của Mỹ cũng bị hư hỏng nặng và xin hạ cánh khẩn cấp xuống đảo Hải Nam. Toàn bộ phi hành đoàn gồm 24 người bị Trung Quốc bắt ngay lập tức.

Bình luận về sự cố cách đây 20 năm, "Sáng kiến theo dõi tình hình chiến lược Biển Đông" (SCSPI) của Trung Quốc cho rằng "nguy cơ va chạm vẫn tồn tại mọi lúc mọi nơi" ngay trong thời điểm hiện tại.

Hu Bo, người đứng đầu SCSPI, lập luận nguy cơ va chạm ngày càng tăng do "hoạt động do thám áp sát của Mỹ đối với Trung Quốc ngày càng thường xuyên".

Trong bài viết được đăng tải trên trang web của SCSPI, ông Hu đưa ra một thống kê cho thấy máy bay Mỹ do thám Trung Quốc khoảng 2.000 lần trong năm 2020.

Theo ông Hu, dẫn chứng gần đây nhất là ngày 22-3-2021, một máy bay trinh sát RC-135U của Mỹ áp sát Trung Quốc đại lục, có lúc chỉ cách đất liền chưa đầy 50km. Trước đó, ngày 25-8-2020, một máy bay do thám U-2 của Mỹ cũng bay vào khu vực cấm bay, nơi quân đội Trung Quốc tập trận trên biển.

Đáng chú ý, vị này cáo buộc máy bay quân sự Mỹ nhiều lần "ngụy trang" thành máy bay dân sự của một số nước trong khu vực để áp sát Trung Quốc. Quân đội Mỹ luôn bác bỏ những cáo buộc trên.

Truyền thông Nhà nước Trung Quốc xem sự kiện ngày 1-4-2001 là thời khắc châm ngòi cho các nỗ lực hiện đại hóa không quân và hải quân của nước này.

Các báo cáo gần đây của Bộ Quốc phòng Mỹ cho thấy Trung Quốc đã xây dựng chiến lược "chống xâm nhập/tiếp cận" với mục đích đẩy các lực lượng quân sự Mỹ ra xa Trung Quốc đại lục.

Trong vụ va chạm năm 2001, phía Mỹ đã chuyển một lá thư "lấy làm tiếc" vì sự việc, đồng thời mong muốn được đón phi hành đoàn về nước.

Trung Quốc sau đó trả người và máy bay EP-3, đòi bồi thường thiệt hại do mất tiêm kích và phi công nhưng không được đáp ứng. Theo báo Washington Post, Mỹ chỉ đồng ý trả Trung Quốc hơn 34.000 USD khoản tiền cung cấp thức ăn cho phi hành đoàn trong 11 ngày họ bị bắt.

Máy bay săn ngầm Mỹ 2 lần áp sát căn cứ tàu ngầm lớn nhất của Trung Quốc Máy bay săn ngầm Mỹ 2 lần áp sát căn cứ tàu ngầm lớn nhất của Trung Quốc

TTO - Giới theo dõi máy bay quân sự thế giới bất ngờ phát hiện máy bay săn ngầm P-8A Poseidon của Mỹ áp sát căn cứ tàu ngầm Du Lâm trên đảo Hải Nam của Trung Quốc ngày 15-5. Đó dường như là một thông điệp tới Bắc Kinh.

BẢO DUY
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên