TS Phạm Đức Hùng hiện là dược sĩ khoa dược nội trú Bệnh viện nhi Cincinnati (Hoa Kỳ). Ông Hùng cho biết mình bắt đầu giúp đỡ các sinh viên, học viên người Việt săn học bổng du học từ 2009, tới giờ là chừng 15 năm.
Mỗi năm có từ 10 - 20 học trò nhận được học bổng cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ. Số tiền học bổng toàn phần hằng năm dao động từ 5 - 8 triệu đô la (từ 125 - 200 tỉ đồng).
Riêng năm 2023 - 2024 có 19 học trò đậu 40 học bổng, giá trị 205,6 tỉ đồng. Đến nay, với sự hỗ trợ của TS Hùng, có khoảng 225 người nhận được học bổng.
* Vì sao ông dành thời gian để hỗ trợ học viên người Việt ứng tuyển học bổng của các trường đại học uy tín?
- Từ nhỏ tôi đã có mong ước đi du học, nhưng do điều kiện gia đình nên tôi không thể du học bậc đại học. Đến bậc sau đại học, tôi đậu học bổng thạc sĩ tại Hà Lan, sau đó học bổng tiến sĩ và các học bổng khác cứ nối tiếp nhau. Tôi rất vui khi nhận học bổng và cũng vui khi thấy các bạn học trò mình hướng dẫn đậu học bổng.
Tôi còn nhớ một bạn học trò đã dạy hơn 10 năm trước, em tên Hoàng. Cha em bị mất vì ung thư, Hoàng quyết tâm học tốt để nghiên cứu dụng cụ giúp thăm dò và chẩn đoán ung thư nhanh hơn, sớm hơn và trị bệnh.
Tôi đã hỗ trợ và Hoàng đậu liền học bổng 100% tiến sĩ tại bốn trường đại học lớn tại Mỹ. Ngày tiễn Hoàng ra sân bay, nhìn em rất hạnh phúc. Niềm vui trên khuôn mặt em làm tôi nhận thấy công việc mình có ý nghĩa, đó là lý do tôi thường dành thời gian để giúp các thế hệ sau.
* Đã hỗ trợ thành công nhiều người nhận học bổng, theo ông, đâu là những trở ngại khi ứng viên người Việt ứng tuyển học bổng?
- Có hai khó khăn thường gặp nhất là khả năng tiếng Anh và khả năng giao tiếp. Về tiếng Anh, các bạn hay gặp phải lỗi sử dụng các bài học trong bài thi viết IELTS vào bộ hồ sơ của mình. Ví dụ các bạn rất thích dùng tính từ "nóng" như nổi trội, xuất sắc, tuyệt hảo... để mô tả về bản thân, dẫn đến một lỗi là tự tâng bốc bản thân thái quá.
Trong khi để làm cho bài luận của mình nổi bật, các bạn cần nghiên cứu thật kỹ yêu cầu của chương trình và viết luận thể hiện khả năng của mình phù hợp với chương trình đề ra, có những tố chất mà chương trình đang tìm kiếm. Những điều này các bạn hoặc là chưa quen với việc đọc đề của bài luận hoặc chưa quen cách thể hiện nên hay bị bỏ qua.
Về khả năng giao tiếp, người Việt thường hay rất khiêm tốn, điều này là tốt, tuy nhiên trong một buổi phỏng vấn quyết định học bổng các bạn cần phải tự tin hơn, thể hiện bản thân rõ ràng hơn. Thời gian một buổi phỏng vấn thường chỉ kéo dài từ 20 - 45 phút, chúng ta sẽ không có cơ hội thứ hai để gây ấn tượng với hội đồng.
* Ông đã hỗ trợ họ những gì?
- Ngoài hướng dẫn các bạn viết hồ sơ cá nhân nổi bật, tôi còn hỗ trợ các bạn sửa bài luận để giúp cho bài luận thật thu hút và thể hiện hết tố chất của các bạn.
Tôi cũng làm các buổi phỏng vấn thử, mình đưa ra câu hỏi và nhận xét câu trả lời cũng như đưa ra các gợi ý về cách trả lời để giúp các bạn tự tin và có câu trả lời hay nhất và thuyết phục nhất.
* Lâu nay nhiều ý kiến cho rằng du học sinh Việt Nam du học bằng học bổng thường không trở về. Phải chăng việc hỗ trợ học viên người Việt ứng tuyển học bổng là một cách "trở về" của ông?
- Về hay ở lại khi đi du học là một câu hỏi rất khó giải đáp, và nó sẽ xảy ra với hầu hết các bạn du học sinh. Kết quả quyết định về hay ở phụ thuộc rất nhiều vào điều kiện cá nhân, gia đình, bản chất công việc, hoàn cảnh của mỗi người.
Tuy nhiên theo tôi, với sự phát triển của công nghệ thông tin, Internet, các nền tảng online..., một người dù ở đâu cũng có thể đóng góp cho quê hương mình.
Từ điểm 0 đến giải nhất học sinh giỏi quốc gia môn hóa
* Nghe nói trước đây khi học phổ thông, ông từng có thời gian học không tốt, vì sao và ông đã vượt qua thế nào để thành học sinh giỏi quốc gia được tuyển thẳng vào Trường ĐH Y Dược TP.HCM?
- Lúc mới bước vào phổ thông, năm lớp 10, Trường THPT chuyên Lý Tự Trọng, Cần Thơ, tôi bị sốc vì phong cách tự học của trường chuyên. Hầu hết các bạn mình đều được tự học ở mức độ nào đó hồi cấp II nên họ thích ứng nhanh. Trong khi bản thân mình thì chưa nên trong học kỳ 1 tôi liên tiếp nhận 1 điểm, thậm chí là 0 điểm!
Tôi vẫn nhớ vào hè lên 11, lúc đó là tháng 9 vào sinh nhật mình, mẹ đã tặng tôi 10 cuốn sách hóa nhân dịp sinh nhật. Tôi cặm cụi đọc sách, mẹ cũng giới thiệu cho tôi đi học thêm một lớp của cô giáo là bạn mẹ đang dạy hóa tại Trường ĐH Cần Thơ.
Dần dần, tôi biết được cách tự học và càng học càng có hứng thú. Từ đó, điểm số và thành tích được cải thiện và cuối cùng tôi đoạt giải nhất quốc gia môn hóa và tuyển thẳng vào Trường ĐH Y Dược TP.HCM.
Tiến sĩ - dược sĩ Phạm Đức Hùng học cấp I, II, III tại Cần Thơ, được tuyển thẳng vào ngành dược Trường ĐH Y Dược TP.HCM. Ông tốt nghiệp thủ khoa đầu ra, nhận được học bổng thạc sĩ toàn phần quỹ học bổng Erik Bleumink ĐH Groningen. Tiếp đó ông đạt hai học bổng trao đổi nghiên cứu của ĐH Cambridge (Anh) và ĐH Harvard (Mỹ). Ông chọn đi Mỹ.
Ông tiếp tục được học bổng tiến sĩ của ĐH KU Leuven (Bỉ), ĐH Nanyang Technical University (Singapore), ĐH British Columbia và ĐH Laval (Canada). Cuối cùng, ông chọn làm tiến sĩ tại ĐH KU Leuven.
Sau khi bảo vệ luận án tiến sĩ, ông làm việc tại Bệnh viên Nhi Cincinnati với vị trí Senior Scientist (nhà khoa học cao cấp). Năm 2021, ông đậu kỳ thi FPGEE (kỳ thi tương đương bằng Doctor of Pharmacy ở Mỹ) theo định dạng mới.
Sau thời gian một năm đi thực tập cho đủ giờ và có chứng chỉ hành nghề, ông được khoa dược nội trú Bệnh viện Nhi Cincinnati mời làm việc.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận