![Trục lợi bằng hình ảnh đau bệnh ngặt nghèo: Cần có biện pháp mạnh, xử lý tới nơi - Ảnh 1.](https://cdn.tuoitre.vn/thumb_w/730/471584752817336320/2025/2/13/bv-mao-danh-bac-si-read-only-17394120936621117914664.jpg)
Hình ảnh mạo danh bác sĩ, sinh viên thực tập tại Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình TP.HCM để trục lợi từ người bệnh - Ảnh: Bệnh viện cung cấp
Lợi dụng mạng xã hội, bằng các mánh khóe và chiêu trò ngày càng tinh vi, nhiều người thậm chí mạo danh luôn bác sĩ đăng tải hoàn cảnh bệnh tật bằng thông tin tình cảnh bi thương nhằm trục lợi từ sự thương cảm của người đời.
Đây cũng là vấn đề hết sức "đau đầu" với nhiều bệnh viện hiện nay. Việc này đã được cảnh báo bằng nhiều cách nhưng vẫn thường xuyên có những "nạn nhân" mới.
"Cảm động ảo" nhưng chuyển tiền thật
Mới đây, mạng xã hội phát tán một đoạn clip dài hơn một phút có nội dung người phụ nữ ôm theo đứa trẻ đứng trước cổng Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP.HCM) khóc nức nở.
Trong clip, người phụ nữ nói mình bị hai người lạ dàn cảnh móc túi trước cổng Bệnh viện Nhi đồng 2 lấy hết số tiền 9,5 triệu đồng dành dụm điều trị cho con. Khi bị lấy hết tiền, cả hai mẹ con không có tiền thăm khám, phải nhờ đến cộng đồng mạng hỗ trợ, dưới bài viết kèm theo tên và số tài khoản ngân hàng.
Đoạn video nhanh chóng được lan truyền khắp các trang mạng xã hội, nhận được sự đồng cảm của nhiều người. Thế nhưng, qua xác minh lãnh đạo Bệnh viện Nhi đồng 2 và Công an phường Bến Nghé (quận 1) khẳng định dữ liệu trích xuất từ camera cho thấy nội dung sự việc là giả, không có việc bị dàn cảnh móc túi trước bệnh viện.
Lúc này nhiều người mới tá hỏa, chia sẻ trên mạng xã hội cho hay mình đã chuyển khoản vì đã tin tưởng.
Công an phường Bến Nghé đang xác minh vụ dàn dựng clip "bị dàn cảnh móc túi trước cổng Bệnh viện Nhi đồng 2".
Đây không phải là trường hợp đầu tiên xảy ra tại các bệnh viện. Trước đó, Bệnh viện Nhi đồng 1, Bệnh viện Nhi đồng 2, Bệnh viện Chợ Rẫy... cũng đã phải liên tục cảnh báo nhiều bài viết kêu gọi hỗ trợ các hoàn cảnh thê lương. Thế nhưng qua xác minh của bệnh viện, những bệnh nhân này đều đã được xuất viện, không hề có chuyện đang điều trị tại bệnh viện.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, thạc sĩ Lê Minh Hiển, trưởng phòng công tác xã hội Bệnh viện Chợ Rẫy, rất bức xúc trước vấn đề trục lợi quá dễ dàng từ người bệnh bằng cách trên.
Những năm gần đây, bệnh viện đã phải phát đi nhiều cảnh báo để người dân không "mắc bẫy" chuyển tiền đến các tài khoản đăng kèm hình ảnh và thông tin hoàn cảnh đáng thương đang điều trị tại bệnh viện nhưng không đúng sự thật.
Ông Hiển kể vụ việc điển hình là mới đây ngày 10-2, một bài viết được đăng tải trên một trang mạng về một bệnh nhân nam tên D. bị vỡ mạch máu nặng, được chuyển đến Bệnh viện Chợ Rẫy điều trị. Theo bài viết, chi phí điều trị cho người bệnh khoảng 70 triệu đồng, mỗi ngày bệnh nhân phải điều trị lọc máu, chạy thận với chi phí 10 triệu đồng và hiện ông D. vẫn còn hôn mê, lọc máu liên tục.
Dưới bài viết kèm theo hoàn cảnh khó khăn, cần sự hỗ trợ của nhà hảo tâm cùng số tài khoản ngân hàng của người nhận chuyển tiền. Thế nhưng qua kiểm tra cho thấy đây là trường hợp bệnh nhân bị bệnh rất nặng và gia đình đã xin về nhà vào ngày 10-2. Không có việc bệnh nhân đang hôn mê, lọc máu tại bệnh viện với chi phí lớn.
Cận Tết Nguyên đán, Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình TP.HCM cũng cảnh báo nhiều tài khoản tự nhận mình là bác sĩ và sinh viên đi thực tập kêu gọi tình thương để giúp đỡ bệnh nhân kèm số tài khoản ngân hàng. Tuy nhiên qua xác minh, bệnh viện không có bệnh nhân có tình trạng nặng như bài viết đăng tải.
![Trục lợi bằng hình ảnh đau bệnh ngặt nghèo: Cần có biện pháp mạnh, xử lý tới nơi - Ảnh 2.](https://cdn.tuoitre.vn/thumb_w/730/471584752817336320/2025/2/13/bvndd2-truc-loi-nguoi-benh-read-only-1739412093667842307385.jpg)
Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP.HCM) phát đi cảnh báo về thông tin kêu gọi hỗ trợ bệnh nhi đang điều trị tại bệnh viện để trục lợi - Ảnh: Bệnh viện cung cấp
Đủ chiêu trò mánh khóe để xin tiền
Bà Nguyễn Thị Thúy, phó trưởng phòng công tác xã hội Bệnh viện Nhi đồng 2, chia sẻ bệnh viện thường xuyên gặp phải trường hợp giả nghèo khổ, đăng bài lên mạng xã hội để lấy tiền từ nhà hảo tâm. Đây là cách kiếm tiền dễ nên nhiều người tìm đủ mọi cách để có được thông tin và đăng tải lên mạng xã hội.
Những người này dùng các chiêu trò như khai đủ thứ bệnh để được nhập viện, sau đó "diễn" hoàn cảnh thảm thương, chụp ảnh đăng lên mạng. Lại có những người lẻn vô tận các khoa, phòng người bệnh lấy thông tin đăng hình đủ thứ bệnh như sắp chết... Nhiều trường hợp các bác sĩ, điều dưỡng bắt gặp, nhắc nhở, cảnh báo thì họ gọi điện đến đường dây nóng phản ảnh thái độ của nhân viên y tế.
"Những sự việc như trên cứ lặp đi lặp lại, bệnh viện cũng chỉ biết cảnh báo người dân không được nhẹ dạ cả tin chuyển tiền khi chưa xác thực thông tin. Với những trường hợp này cần phải xử lý nghiêm để mang tính răn đe", bà Thúy nhấn mạnh.
Theo các chuyên gia pháp lý, những vụ việc lợi dụng lòng tin như trên không chỉ trái với đạo đức mà còn có dấu hiệu vi phạm pháp luật. Từ vụ người phụ nữ nói mình bị dàn cảnh móc túi, theo luật sư Nguyễn Ngô Quang Nhật (Đoàn luật sư TP.HCM), cơ quan chức năng cần xác minh với các bên liên quan, cụ thể là với người phụ nữ nói mình bị dàn cảnh móc túi trước cổng bệnh viện.
"Vì xác minh phải từ nhiều bên để đảm bảo sự khách quan và làm rõ sự thật của vụ việc. Trường hợp nếu đúng như người phụ nữ nói thì cần giúp đỡ người phụ nữ này đồng thời phải điều tra, xử lý các đối tượng móc túi gây ra.
Ngược lại, nếu clip người phụ nữ nói mình bị dàn cảnh móc túi trước cổng bệnh viện nhưng sự thật không phải vậy thì hành vi này là vi phạm pháp luật. Theo đó, hành vi dùng mạng xã hội để cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật hoặc cung cấp, chia sẻ thông tin bịa đặt, gây hoang mang trong nhân dân là một trong những hành vi lợi dụng mạng xã hội vi phạm pháp luật. Tùy thuộc vào tính chất mức độ, động cơ thực hiện, hậu quả gây ra … thì có thể bị phạt vi phạm hành chính hoặc bị xử lý trách nhiệm hình sự", ông Nhật phân tích.
Đồng quan điểm, luật sư Lê Thị Thủy (Đoàn luật sư TP.HCM) cho rằng nếu cơ quan chức năng xác định clip là dàn dựng thì hành vi sử dụng mạng xã hội để đưa các thông tin không đúng sự thật, gây nhiều tác động tiêu cực trong xã hội, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình trật tự xã hội, hình ảnh các cơ quan tổ chức liên quan vụ việc và gây tiền lệ xấu trong xã hội là vi phạm pháp luật.
Đối với trường hợp trên, cơ quan chức năng sẽ làm rõ động cơ, mục đích của hành vi dàn dựng clip và có hay không việc người phụ nữ trong clip nhận được tiền hỗ trợ từ các nhà hảo tâm sau khi đăng tải đoạn clip sai sự thật.
Từ đó tùy tính chất và mức độ hành vi, người phụ nữ trên có thể bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi "cung cấp, chia sẻ thông tin bịa đặt, gây hoang mang trong nhân dân" theo quy định tại nghị định 15/2020/NĐ-CP và nghị định 14/2022/NĐ-CP. Nếu đủ yếu tố cấu thành tội phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Làm sao để nhà hảo tâm yên tâm giúp đỡ người bệnh?
Th.S Lê Minh Hiển, trưởng phòng công tác xã hội Bệnh viện Chợ Rẫy, khuyến cáo hiện nay đa số tại các bệnh viện đều có phòng công tác xã hội.
Do đó khi các nhà hảo tâm muốn giúp đỡ có thể liên hệ phòng công tác xã hội để kiểm tra thông tin bệnh nhân, tình trạng bệnh trước khi chuyển tiền. Điều này đảm bảo việc chuyển tiền cho bệnh nhân là đúng người đúng bệnh, hỗ trợ chi phí điều trị cho người bệnh.
Bên cạnh đó, với những hoàn cảnh người bệnh khó khăn, cần liên hệ với phòng công tác xã hội để được hỗ trợ kịp thời.
Bà Nguyễn Thị Thúy, phó trưởng phòng công tác xã hội Bệnh viện Nhi đồng 2, cũng khẳng định người dân trước khi hỗ trợ một trường hợp nào cần kiểm tra thông tin tại phòng công tác xã hội. Với những trường hợp khó khăn có thể liên hệ phòng công tác xã hội để được hỗ trợ viện phí.
Đừng chia sẻ những thông tin chưa rõ đúng sai
Nhiều người sẵn lòng chuyển tiền đến tài khoản người xa lạ, không chắc tiền của mình được dùng vào việc thiện hay là chiêu lừa móc túi người nhẹ dạ. Không ít người vẫn vô tư chia sẻ những thông tin hình ảnh thương tâm được đăng trên mạng nhưng chính mình cũng không rõ câu chuyện đó có thật hay không.
Những chiêu trò lừa đảo nhờ vậy vẫn sống được và biến tướng thành nhiều kiểu khác dẫn dụ thêm những nạn nhân mới. Vì vậy khi muốn giúp người cũng cần tìm hiểu để lòng hảo tâm đến đúng nơi, đúng người.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận