Cuộc "chạy đua" trên lớp của con khiến cả nhà mất ăn mất ngủ - Ảnh: TRUNG NGHĨA
Vợ chồng tôi cũng stress theo và chủ đề học của con khiến chúng tôi mất ăn mất ngủ. Có lúc vợ tôi trách móc vì đã không đồng ý cho con học trước, để giờ con khổ, con thiệt thòi.
Xuất phát điểm của con chậm hơn các bạn. Cứ như vậy, khi bước vào lớp 1, con luôn cảm thấy hụt hơi và học đuổi theo các bạn. Do chương trình học rất nặng, buổi tối con học có khi đến 10h30 tối mới được đi ngủ.
Suốt học kỳ một của năm lớp 1, con học khá vất vả. Con học, phụ huynh cũng học theo. Con khổ, phụ huynh cũng khổ theo. Mỗi tối, nhà tôi vang lên những tiếng ê a ghép vần, bố đọc trước, con đọc sau.
Cứ như vậy, tôi và vợ thay nhau vào vai những "học sinh lớp 1", cũng ngồi học cộng, trừ cùng con. Con cố gắng viết phải đẹp, phải thẳng hàng thẳng lối và nếu chữ không đẹp, không tròn trịa, con sẽ hậm hực, vội vã dùng bút xóa và ánh mắt sợ hãi nếu bố hoặc mẹ… soi.
Có lần con thú nhận: "Con sợ mắt cô nhìn con nếu lỡ con làm sai". Tôi ôm con vào lòng và không hiểu sao khi đó tôi cảm thấy rất đau.
Nếu như những phụ huynh khác không cho con đi học từ sớm, có lẽ chúng tôi đã không phải chạy đua cùng con, đánh vật cùng chương trình lớp 1 thế này. Nếu như những trẻ khác cũng đi học đúng tuổi như con, thì giờ đây con đâu có phải học đuổi bạn thế này?
Trong cuộc chiến học lớp 1 này, cả con lẫn cha mẹ đều khổ. Tôi chẳng hiểu với một đứa trẻ lớp 1 thì học đến tận khuya để làm gì? Nhưng vì chưa đi học trước lớp 1, lúc nào con cũng cảm thấy hụt hơi, cộng với những lời phàn nàn thường xuyên của cô giáo nên tôi biết con đã trải qua những cảm xúc không dễ chịu.
Tôi phát hoảng tự hỏi mình đã sai ở đâu? Phải chăng vì không cho con đi học trước là cái sai lớn nhất? Tôi nợ con một lời xin lỗi. Đến trường là để con học và khám phá những kiến thức mới mẻ, những điều hay lẽ phải. Vậy vì đâu con trở nên sợ đi học và sợ khi cô giáo nhìn mình?
Từ thực tế trên có thể nói, trẻ em Việt đang lâm vào "bể khổ" vì bị ép học từ quá sớm. Trong khi đó, viết chữ đẹp hay làm toán nhanh, biết nói tiếng Anh từ sớm không đánh giá được sự thành công và năng lực thực sự của một đứa trẻ trong tương lai.
Ở nhiều nước, trẻ không học chữ vào giai đoạn mầm non mà dành nhiều thời gian học kỹ năng và tập sống tự lập. Do kiến thức nhẹ nhàng nên các em ít khi bị khủng hoảng.
Nhưng rõ ràng ở nước ta, trẻ phải học toán và làm bài tập rất nhiều. Nếu trẻ không theo kịp thì phải đi học thêm. Nếu không đi học thêm sẽ tụt hậu so với các bạn trong lớp. Cứ như vậy, phụ huynh dù muốn hay không vẫn phải cho con đi học trước lớp 1.
Thường các bậc phụ huynh sẽ cảm thấy không yên tâm khi con không đi học sớm, không theo kịp bạn bè. Nỗi lo sợ của phụ huynh cứ kéo từ năm này qua năm khác để rồi luôn ép con phải học sớm, học trước từ bé cho đến khi trưởng thành.
Và không ít đứa trẻ đang phải "nạp" vào đầu lượng kiến thức khổng lồ ngay từ khi lên 3. Xuất phát điểm sớm vậy nhưng nhiều trẻ em lại về đích muộn vì yếu và thiếu kỹ năng.
Có lẽ, cha mẹ thường sốt ruột mong muốn con giỏi giang, đứng đầu lớp. Và vì thế, nhà nhà đua nhau cho con đi học từ rất sớm. Giáo dục bị thiên lệch ngay từ khi trẻ còn bé và vì thế từ những quan niệm chưa đúng đắn, cho trẻ khởi đầu từ sớm nhưng kết quả thu về lại bết bát, nói đúng hơn là về đích muộn.
Vậy học nhiều để làm gì khi trẻ lên hai, lên ba đã mướt mồ hôi bên bàn học, ở các lớp học thêm thế nhưng đến khi bước vào tuổi 18, đôi mươi vẫn chưa trưởng thành?
Phải chăng cha mẹ đang tùy tiện cho con học, tùy tiện đánh cắp đi thời gian nghỉ ngơi, vui chơi của con? Để rồi, khi trưởng thành nhiều bạn trẻ vẫn ngây ngô, lúng túng không biết xử lý những tình huống gặp trong cuộc sống?
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận