07/01/2017 17:19 GMT+7

Trở lại vùng đất chết dưới sự kiểm soát của Khmer Đỏ

TIẾN TRÌNH
TIẾN TRÌNH

TTO - Những ngày nằm dưới sự kiểm soát của Khmer Đỏ, nhiều thành thị của Campuchia bị biến thành những “thành phố chết”.

Tượng đài Quân tình nguyện Việt Nam tại cửa ngỏ vào thị xã Kampot
Tượng đài Quân tình nguyện Việt Nam tại cửa ngõ vào thị xã Kampot


Thoát khỏi vòng vây Khmer Đỏ

Ngồi lại với chúng tôi bên băng đá trong buổi chiều ở biên giới, người đàn ông trong trang phục sĩ quan quân đội Campuchia với vẻ điềm đạm thường thấy, sẵn sàng trao đổi nhiều vấn đề với người bạn Việt Nam.

Đại tá Sea Sokha (đội trưởng Đội quan hệ công tác biên giới, biên phòng Campuchia), người con của vùng đất Kampot (tỉnh phía Nam Campuchia, giáp tỉnh Kiên Giang), nói ông đã nếm trải nhiều thăng trầm của vùng đất này, chịu chung những nỗi thống khổ của người dân nên ông quý cái tình, cái nghĩa của những người anh em Việt Nam giúp quê hương, đất nước ông thoát khỏi thảm họa Pol Pot.

Bản thân ông cũng từng được người dân Việt Nam che chở khi chạy khỏi sự truy đuổi của Khmer Đỏ.

“Nếu không chạy sang Việt Nam, tôi bây giờ có lẽ không còn sống”, với khả năng tiếng Việt sành sỏi, vị đại tá bắt đầu kể về những thăng trầm cuộc đời, gắn liền với dải đất phía Nam này.

Sea Sokha nói ông là người sống qua nhiều thời kỳ. Từ khi quân đội Lon Nol đảo chính Quốc vương Shihanouk, rồi quân Khmer Đỏ xóa sổ chế độ Lon Nol, ông đã có một dự cảm không hay về những người lính áo đen (quân Khmer Đỏ).

“Trong các trận đánh, họ không xem tính mạng người dân ra gì. Ngay thời kỳ đánh nhau với Lon Nol, thị xã Kampot bị hứng mưa pháo đạn của quân Khmer Đỏ, dân chúng chết không biết bao nhiêu”, Sea Sokha nhớ lại.

Thấy cảnh người dân vô tội bị tàn sát, ông cùng một vài người bạn lái chiếc sà lan từ cảng Ream (phía nam Campuchia) theo đường biển vào con sông lớn để đến thị xã Kampot.

Nghe người dân nói quân Khmer Đỏ không phân biệt dân với quân gì cả, nếu thấy có người bỏ chạy là họ sẽ giết. Ông Sea Sokha xem chuyến giải cứu thường dân ra khỏi Kampot là việc làm cảm tử. Những người trên tàu biết rằng khi Khmer Đỏ phát hiện, chắc chắn họ sẽ bị bắn.

Và sự thật đúng như thế. Khi tàu của nhóm ông Sea Sokha chở đầy dân ra đến cửa sông Kampot thì mưa đạn từ hai bên bờ túa ra nhắm vào tàu ông. May mắn là trước đó có người hiến kế dùng trâu, bò cột hai bên mạn tàu để làm bia đỡ đạn.

Khi lính Khmer Đỏ khai hỏa vào sà lan, trâu, bò ở hai mạn trúng đạn chết sạch. Một số người dân bị trúng đạn nhưng nhờ núp vào sát trâu, bò mà không bị thiệt mạng.

Sea Sokha nhớ lại: “Khi tàu chúng tôi chạy vào sông Kampot, Khmer Đỏ biết nhưng họ không bắn, đợi khi chúng tôi chở đầy người quay trở ra họ mới xả súng”.

Đại tá Sea Sokha nhớ lại sau chuyến đi thập tử nhất sinh đó, chiếc sà lan cũng thoát được ra biển, chở theo trên 300 dân Kampot. Một số họ theo tàu sang cảng Ream, đến Kampongsom, một số ngược sang Việt Nam để tị nạn.

Hành động được coi là “nghĩa hiệp” của nhóm ông Sea Sokha và những người bạn cũng chỉ cứu thoát được vài trăm dân ra khỏi Kampot, khi thị xã này rơi vào tay Khmer Đỏ. Ông sau đó chạy sang Việt Nam, nương náu trong một ngôi chùa ven biên giới.

Đại tá Sea Sokha (người bắt tay bên phải) trong chuyến tuần tra bảo vệ đường biên cột mốc với Bộ đội Biên phòng Việt Nam
Đại tá Sea Sokha (người bắt tay bên phải) trong chuyến tuần tra bảo vệ đường biên cột mốc với Bộ đội biên phòng Việt Nam

Trở lại vùng đất chết

Đầu năm 1979 khi Phnom Penh thất thủ, quân Khmer Đỏ ở nhiều tỉnh, thành khác cũng sụp đổ. Ở các tỉnh phía Nam, bộ đội tình nguyện Việt Nam cũng có mặt để giải phóng nhiều tỉnh lỵ thoát khỏi quân diệt chủng.

Ông Sea Sokha nói khi đó ông cũng theo đoàn người trở lại Campuchia với một niềm tin rằng cơn bĩ cực của người dân quê ông rồi sẽ qua.

Nhưng khi tiến vào thị xã Kampot, một khung cảnh bày ra thật khó tin trước mắt những người từng sống trong đô thị thơ mộng này. Phố phường không một bóng dân. Nhà cửa hoang tàn.

Ông chạy khắp nơi hỏi tung tích bạn bè, người thân còn kẹt lại, sống những ngày trong vòng vây quân Khmer Đỏ thì mới hay rất nhiều người đã bị sát hại, nhiều người bị đưa đi biệt xứ.

Họ hàng nhà ông cũng bị Khmer Đỏ giết nhiều. Lý do dẫn đến cái chết của họ đôi khi chỉ vì có họ hàng, người thân đào thoát sang lánh nạn ở Việt Nam.

Chúng tôi tìm gặp ông Chuon Seiha (xã Trpung Sanke, huyện Kampot, tỉnh Kampot), người có mặt cùng Bộ đội tình nguyện Việt Nam vào giải phóng Kampot và truy quét tàng quân Khmer Đỏ. Không khó khăn để ông nhớ lại những ngày đặc biệt ấy.

Ông nói ngày 7-1-1979, khi quân đội Việt Nam “mở cửa biên giới” đánh bại các cánh quân của Khmer Đỏ ở mặt trận phía Nam, cũng như nhiều vùng khác, các đô thị hầu như không còn bóng dân.

Lúc bộ đội vào Kampot, thị xã dường như không còn sự sống. Không điện, nước, thậm chí chó, mèo cũng không lảng vảng… Đêm xuống thị xã tối om. Chỉ nghe văng vẳng tiếng súng, tiếng đại bác từ phía rừng vọng về thê lương.

Ông Choun Seiha kể gần một tuần sau khi bộ đội truy quét Khmer Đỏ trên núi Tà Lơn (núi Bokor), lúc đó mới mang được máy phát điện từ casino trên núi xuống để thắp sáng cho một khu vực nhỏ trong thị xã.

Phải gần tháng sau, khi các cánh quân của Việt Nam phối hợp Mặt trận Đoàn kết dân tộc cứu nước Campuchia (UFNSK) đánh sâu vào các vùng chiếm đóng của Khmer Đỏ, trên đường gặp dân, họ mới được thông báo Kampot đã giải phóng để người dân trở về.

Thị xã cổ kính Kampot ngày nay trở thành một trong những trung tâm thu hút khách du lịch của Campuchia
Thị xã cổ kính Kampot ngày nay trở thành một trong những trung tâm thu hút du khách của Campuchia

Tuy vậy, một cảm giác hoài nghi, lo sợ len lỏi trong lòng những người dân vốn đã cạn kiệt hi vọng trong những ngày bị Khmer Đỏ cai trị.

“Quân Khmer Đỏ tuyên truyền rằng người Campuchia bị lọt vào tay quân Việt Nam sẽ bị mổ bụng, nhét cỏ… nên người dân Campuchia không dám về”, ông Seiha nói.

“Nhìn chung, người dân Campuchia lúc đó đói khổ lắm. Không ít lần bộ đội đang ăn để có sức chiến đấu thì gặp dân đang trong tình trạng tội nghiệp, vậy là bộ đội  phải nhường hết phần ăn cho dân”.

Chuon Seiha bảo gần một tháng sau, khi tin tức bộ đội Việt Nam tốt bụng, không xấu như những gì quân Khmer Đỏ tuyên truyền thì người dân lũ lượt kéo về vùng giải phóng. Những ngôi nhà cổ kính bên dòng sông Kampot bắt đầu mở cửa.

Ông Hoàng Đức Hà, có mặt trong hàng ngũ Đoàn chuyên gia quân sự 9904 giúp bạn Campuchia, nói ngày 17-4-1975 người dân Campuchia đã từng ăn mừng chào đón quân Khmer Đỏ khi họ đánh thắng chế độ tham nhũng Lon Nol.

Tuy nhiên chẳng lâu sau đó, họ lại bị chính những người mà họ chào đón xua đuổi, giết chóc nên khi bộ đội Việt Nam có mặt lại bị e ngại cũng là điều có thể giải thích.

Khi bộ đội Việt Nam đánh tàn dư Khmer Đỏ, những dòng người cứ ngược hướng trở lại vùng được giải phóng.

Đại tá Sea Sokha nói sau ngày giải phóng, ông được phân công quản lý chợ Kampot. Nói là chợ nhưng đơn vị trao đổi không phải là tiền mà là… vàng và gạo. Gạo thì được viện trợ từ Việt Nam sang. Nhiều gia đình mang vàng ra để đổi gạo. Muốn mua nhu yếu phẩm thì cứ mang gạo ra chợ mà đổi.

Khmer Đỏ đã đẩy lùi người dân Campuchia về thời nguyên thủy. Nhiều người thầy, người thợ bị coi là “dân mới”, bị đưa về nông thôn, bị giết.

Kampot lúc mới giải phóng đã thiếu thốn trăm bề. Thiếu từ anh thợ điện, thợ xây, đến thợ cắt tóc…

Nhiều người dân Kampot nói rằng Việt Nam không chỉ giúp họ giải phóng khỏi ách diệt chủng Khmer Đỏ mà còn giúp Campuchia tái thiết lại đất nước trong những tháng năm “khủng hoảng con người” trầm trọng.

Đại tá Sea Sokha nói ông có thể nhắc đi nhắc lại công ơn của Việt Nam giúp đất nước Campuchia tái sinh để mọi người không bao giờ quên.

“Không phải Thủ tướng của tôi nói thế rồi tôi nói theo, mà tôi cảm nhận đó là lời thật từ trong lòng ông ấy, của người dân Campuchia” - ông nói.

TIẾN TRÌNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên