11/08/2005 06:04 GMT+7

Trở lại miền quê "Cái đêm hôm ấy... đêm gì?"

LÊ ĐỨC DỤC - HÀ ĐỒNG
LÊ ĐỨC DỤC - HÀ ĐỒNG

TT - Bút ký “Cái đêm hôm ấy... đêm gì?” của Phùng Gia Lộc đăng trên báo Văn Nghệ cách nay ngót nghét 20 năm. Đó là câu chuyện truy nộp thuế nông nghiệp ở một làng nhỏ ven sông Chu, xã Phú Yên (Thọ Xuân, Thanh Hóa) trong một đêm mưa rét mùa đông.

RshfkJRT.jpgPhóng to
Những đứa trẻ làng bên sông Chu - Ảnh: L.Đ.D.
TT - Bút ký “Cái đêm hôm ấy... đêm gì?” của Phùng Gia Lộc đăng trên báo Văn Nghệ cách nay ngót nghét 20 năm. Đó là câu chuyện truy nộp thuế nông nghiệp ở một làng nhỏ ven sông Chu, xã Phú Yên (Thọ Xuân, Thanh Hóa) trong một đêm mưa rét mùa đông.

Cái đêm hôm ấy... đêm gì?Đọc “Đêm trước”, nhớ Phùng Gia Lộc

Hơn 20 năm sau khi xảy ra câu chuyện buồn thương “nửa đêm thuế thúc trống dồn...” ấy, chúng tôi trở lại làng quê của nhà văn Phùng Gia Lộc và đã thấy những đổi thay từ cánh đồng, bữa cơm của nông dân đất Thanh Hóa bây giờ dù Phùng Gia Lộc đã ra đi từ lâu!

“Đêm trước của đổi mới”

Từ Thanh Hóa, theo tuyến đường ngược qua Đông Sơn, Triệu Sơn… chúng tôi lại về bến đò bên sông Chu. Những người khách chờ đò sang sông nghe chúng tôi hỏi đường về nhà của Phùng Gia Lộc đều rất nhiệt tình chỉ đường.

Con sông Chu duềnh sóng ngầu đục phù sa. Nhìn chuyến đò sang sông chở đến năm xe máy và ba xe đạp, tôi thầm nghĩ hình ảnh này đã nói lên phần nào đời sống kinh tế của dân trong vùng.

Tìm vào trụ sở UBND xã, không có ai trực, hỏi tên ông bí thư xã, cô gái làm ở ủy ban xã bảo tên ông bí thư là Trịnh Doãn Được. Tôi hỏi lại: “Có phải vợ ông Được tên Hoa không?”. Cô gái tròn mắt nhìn chúng tôi như muốn hỏi: “Sao lại biết rõ ràng như vậy?”.

Thì có gì đâu, trong bút ký của mình, nhân vật đầu tiên xuất hiện lúc nhập nhoạng tối tìm tới nhà Phùng Gia Lộc mua rau cải và ngan, gà về để “phục vụ” các đội viên đội “thu sản”chính là chị Hoa …

“Có tiếng ai hỏi mua rau cải nhà tôi. Cô Hoa vợ chú Được. Chồng cô ấy là đội trưởng sản xuất cũ, nay vừa được rút lên làm trưởng ban định mức rồi phó chủ nhiệm… Vì có chồng ở ban quản trị, cô ấy cũng là loại biết nhiều chuyện bí mật nội bộ.

Hoa thì thò cho vợ tôi biết đêm nay là đêm đồng khởi thu sản, tổng vét cả xã…” (trích “Cái đêm hôm ấy đêm gì…”). Vậy là sau bao nhiêu năm công tác, từ thuở ấy đến nay ông Được đã giữ cương vị bí thư đảng ủy xã. Chúng tôi hỏi đường sang nhà của nhà văn Phùng Gia Lộc.

Ngôi nhà vắng tanh. Giữa nhà là chiếc tủ nhỏ với bàn thờ nhà văn, một bức chân dung khắc bằng đá treo trên tường phía trên bát nhang. Ngôi nhà ấy trong “cái đêm hôm ấy ...” ngập đầy tiếng khóc của ba đứa con, một người vợ héo hon và bà mẹ già đau yếu…

Phùng Gia Lộc vốn là một giáo viên dạy văn nhưng rất tài hoa. Nhiều người dân trong vùng vẫn nhớ những vở kịch của huyện Thọ Xuân trong những hội diễn quần chúng đều do ông viết. Tuy là anh giáo làng nhưng ông là hội viên Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Thanh Hóa.

Và dù ông đã được nhiều người biết đến bởi nhiều tác phẩm khác nhưng chính bút ký “Cái đêm hôm ấy đêm gì...” đã khiến tên Phùng Gia Lộc được biết đến nhiều hơn, và hơn cả giá trị văn chương, tất cả sự thật nhà văn viết ra trong bút ký ấy chính là sự dũng cảm của một người cầm bút, dù sau đó ông chuốc lấy vô vàn hệ lụy.

Hỏi hàng xóm chung quanh, mới hay người con đầu của nhà văn, Phùng Gia Học sau này vào đại học rồi đi sang Nga, Đức gì đấy... nay đang sống ở TP.HCM. Phùng Gia Thức, người con thứ nay công tác ở Ngân hàng huyện Lang Chánh (Thanh Hóa).

Đứa con út, Phùng Gia Văn dạo ấy chưa đầy một tuổi nay cũng đang học đại học. Ngôi nhà lụp xụp khi xưa đã thay bằng một ngôi nhà xây khang trang, với nhiều nhà dân ở xứ này thế cũng đã gọi là sang. Bà mẹ vào thăm mấy người con ở TP.HCM, không có ai ở nhà.

Rốt cuộc chúng tôi cũng hỏi ra ông Được, bí thư, đang ở nhà ông Phùng Gia Khính. Ông Khính cũng là chỗ họ hàng với nhà văn Phùng Gia Lộc. Thật may, rất nhiều nhân vật trong bút ký “Cái đêm hôm ấy đêm gì...” đang ngồi ở nhà ông Khính.

Ông Khính được nhắc đến trong cái đêm hôm ấy bởi ông là một trong số những nông dân nợ thuế, bị tịch thu tài sản để thế vào số thóc thiếu.

Vừa nhắc đến cái chuyện “nửa đêm thuế thúc trống dồn”, ông Được bảo: “Dạo ấy tôi là phó chủ nhiệm mà, cứ chỉ thị trên về thế nào chúng tôi dưới này cứ vậy chấp hành, không thể khác được”.

Cái chuyện thu thuế ấy không chỉ diễn ra trong thời điểm Phùng Gia Lộc viết mà còn dây dưa thêm về sau này mấy năm nữa. Câu chuyện ấy cũng không riêng xã Phú Yên mà của rất nhiều xã ở ven dòng sông Chu...

Tươi rồi, gương mặt làng quê...

jYzO8r6o.jpgPhóng to

Đường thôn trước ngõ nhà của nhà văn Phùng Gia Lộc Ảnh: L.Đ.D.

Ngay trước ngõ ngôi nhà của nhà văn Phùng Gia Lộc, lối đi chạy từ bờ đê sông Chu vào làng đã mọc lên nhiều ngôi nhà lầu khang trang. Những ngõ thôn, ngõ xóm đều đã được đổ bêtông.

Ông Được bảo: xã Phú Yên với hơn 1.100 hộ, 5.000 dân, hầu như tất cả đều có nhà ngói, 95% số hộ có tivi, radio, nhưng hộ nghèo vẫn chiếm 14%. Tuy nhiên so với những gieo neo của 20 năm trước thì còn hơn chuyện trong mơ.

Anh Trịnh Đình Chấn - từng là phó chủ tịch xã, nay là trưởng công an xã, vào cái đận “cái đêm hôm ấy...” là thôn trưởng thôn 9 của xã Phú Yên - bảo dạo ấy cả xã có 350ha lúa mà phải nộp thuế đến 450 tấn, mỗi sào nộp gần tạ rưỡi thóc, năng suất lại thấp, không nhà nào không nợ thuế với HTX .

Bây giờ cũng sào lúa ấy, thuế nông nghiệp đã được miễn, chỉ nộp 5,5kg là chi phí dịch vụ, bảo vệ cộng với 17kg thóc thủy lợi phí, như vậy một sào còn 22kg.

Làng này xưa gọi là làng Láng, dân gian có câu: “Làng Láng sáng hơn đèn” bởi dân vùng này giỏi làm ăn kinh tế bao giờ cũng khá giả, thế mà đã có những ngày tháng gieo neo đến vậy!

Khi chạy xe máy từ thành phố Thanh Hóa lên, đi qua rất nhiều làng quê miệt Đông Sơn, Triệu Sơn, Thọ Xuân chúng tôi đã gặp những cánh đồng mênh mông bát ngát xanh, những ngôi làng đã mang một sinh khí khác không riêng gì xã Phú Yên.

Hệ thống kênh mương cho đồng ruộng Phú Yên đã được kiên cố hóa. Ngôi trường cho con em học được xây từ 1 tỉ đồng tiền đóng góp của dân, 12km đường liên thôn đổ bêtông cũng là dân góp vào, tự nguyện góp chứ không thể “thuế thúc trống dồn” như xưa bởi những gì người dân làm họ biết là làm cho chính cuộc sống mỗi ngày của họ.

Nhà văn hóa, khu vực trung tâm xã, nằm thoáng đãng bên này đê. Nhiều hộ dân ở làng nhưng giàu “bạc tỉ” nhờ buôn bán chè Thái, thuốc lào làm tổng đại lý cho cả vùng.

Trên bờ đê sông Chu lộng gió, đang kỳ nghỉ hè nhưng nhìn đứa trẻ vừa đi tập trung ở trường về, gương mặt rạng rỡ, tôi cứ chạnh nhớ hình ảnh mấy bố con nhà văn Phùng Gia Lộc trong cái đêm hôm ấy bíu ríu vào nhau bên ổ rơm giữa nền nhà lạnh giá.

Cả mấy đứa con ôm chân mấy đội viên thu thuế gào khóc xin để số lúa lại để “làm cỗ cúng ma cho bà cháu”... Chuyện đói nghèo đã qua, nhớ lại vẫn nghe cay khóe mắt! Cuộc sống đã tươi đẹp hơn, trong đó có phần đóng góp từ “tiếng kêu” của một anh giáo làng viết văn Phùng Gia Lộc.

LÊ ĐỨC DỤC - HÀ ĐỒNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên