28/04/2014 08:14 GMT+7

Trở lại Long Đại

THẾ ANH
THẾ ANH

TT - Quá khứ và hiện tại. Chiến tranh và hòa bình. Bom đạn và thơ, hoa... Những điều tưởng chừng như không thể sánh cùng nhau lại hiển hiện ở vùng đất anh hùng hôm nay. Đó là bến phà Long Đại năm xưa, một tọa độ máu nơi tuyến đầu của đường Trường Sơn huyền thoại.

t7iSfqUv.jpgPhóng to
Cầu Long Đại ngày nay - Ảnh: Thế Anh

Ngồi ngắm con chim cu đang cất tiếng gáy chào bình minh trong khu vườn căn nhà cấp bốn tại thôn Xuân Dục, xã Xuân Ninh (huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình) là cựu xạ thủ của đại đội 4, súng máy cao xạ 12,7 li, thuộc đường dây 559 bộ đội Trường Sơn. Cựu binh Lê Hữu Thuyên đã cùng đồng đội bảo vệ vùng trời và bến phà huyết mạch Long Đại trong những năm ác liệt nhất của chiến tranh. Đơn vị của ông đã được hai lần phong anh hùng vì những chiến tích.

Ký ức của những xạ thủ

Khi những cây súng cao xạ 12,7 li ngày ấy đã nằm yên trong những bảo tàng, ông lại trở về với cuộc sống đời thường. Lại làm thơ, trồng cây, nuôi cá trên chính mảnh đất mình đã hiến dâng cả thời trai trẻ. Những lúc nhớ đồng đội, nhớ những cô thanh niên xung phong một thời, ông lại ra buông cần trên cái ao được cải tạo từ ba hố bom trên mảnh vườn nhà mình. Giữa ba cái hố bom - ao cá ấy, ông đặt một bát nhang trên một thân cây được ốp lan rừng. Khói nhang nghi ngút, lan rừng đong đưa trước gió, cựu xạ thủ trầm ngâm: “Khi cải tạo cái hố bom này, tôi đã phát hiện nhiều hài cốt của thanh niên xung phong vô danh, có lẽ họ đã hi sinh khi đang làm nhiệm vụ thông đường. Thương họ, nhớ họ, tôi đã ốp vào bên bát nhang một cây lan rừng mang từ chiến trường về để tưởng nhớ họ. Phong lan cũng là món quà bình dị mà đám lính trẻ chúng tôi vẫn thường mang tặng các o mở đường mỗi khi từ rừng trở về...”.

2KAHRqnn.jpgPhóng to Cựu xạ thủ Lê Hữu Thuyên - Ảnh: Thế Anh

"Ngày xưa nhờ những củ khoai chuối của dân trồng mà chúng tôi cầm cự qua cuộc chiến. Bây giờ thời bình, tôi trồng nó như để tạ ơn đời, tạ ơn cây cỏ Trường Sơn đã nuôi dưỡng chúng tôi một thời...!"

Mảnh đất trên vườn nhà ông đã hồi sinh, cá đã bơi lội dưới hố bom, phong lan đã nở bên bàn thờ những nữ thanh niên xung phong. Nay người cựu chiến binh tóc đã bạc, răng đã yếu, không còn ăn được củ khoai chuối nhưng ông vẫn dành một khoảnh đất nhỏ ngay lối ra vào để trồng. Ông chăm những bụi khoai chuối như chăm chút những kỷ niệm của một thời lửa đạn. Ông chăm nó bởi ông không muốn trên mảnh đất bom đạn này thiếu màu xanh, thiếu sự sống...

Là tiểu đội trưởng của một tiểu đội súng cao xạ 12,7 li, xạ thủ Nguyễn Văn Độ là người thấm thía nhất cái giá của sự yên bình hôm nay ở Long Đại. Nhiều lúc người cựu chiến binh tuổi ngoài thất thập này cũng tự hỏi mình sức ở đâu ra mà ông có thể vượt qua nhiều nỗi đau đến thế? Gia đình ông có ba anh em trai thì một đã hi sinh tại chiến trường, một ở lại quê nhà cũng trúng bom mà chết khi tuổi đời còn rất trẻ. Làng mạc, xóm giềng, đồng đội... nhiều người đã chết trên tay ông. Chết chưa kịp thấy hòa bình!

Bây giờ, trong tâm niệm của ông, những ngày còn lại cuối đời ông sẽ sống cho những người đã nằm xuống, sống cho mảnh đất này được hồi sinh. Đó là lý do ông vẫn cố gắng phủ xanh đồng ruộng bằng ngô khoai, bằng tương lai giản dị của người nông dân...

Khác với hai đồng đội của mình, cựu quân y Đinh Văn Sum không phải người quê Long Đại. Ông chọn mảnh đất này lập nghiệp để được gần hơn với những đồng đội đã ngã xuống nơi bến phà khốc liệt năm xưa... Xếp lại bộ quân phục, gói lại những kỷ niệm đau thương, ông ở lại mảnh đất này sau ngày thống nhất chỉ với mong muốn chữa bệnh cho những người con Long Đại vốn đã chịu nhiều thiệt thòi trong chiến tranh.

Nhưng đôi khi nỗi ám ảnh của chiến tranh vẫn trỗi dậy trong ký ức người lính già. Khi nhắc lại những đồng đội xưa, ông đã bật khóc: “Là quân y, tôi là người cuối cùng đưa tiễn nhiều đồng đội về thế giới bên kia. Nhiều người chẳng kịp nói gì. Có người chỉ kịp đưa tấm hình của người yêu rồi dặn dò trong tiếng thở hắt: Báo với gia đình, tôi đã hi sinh!”.

Những khi nhớ đồng đội, những cựu chiến binh ở hai bờ nam - bắc phà Long Đại năm xưa lại rủ nhau cùng rảo bước trên chiếc cầu hôm nay. Những kỷ niệm xưa, những niềm vui trong hòa bình cứ đan xen trong nhang khói và cảnh vật... Cũng có khi họ trầm ngâm bên bến sông xưa nhìn ngắm những con chuồn chuồn nhỏ mà tưởng như hồn của đồng đội trở về... Những lúc như thế, họ muốn nói với những người nằm xuống rằng Long Đại nay đã đơm hoa, vết thương đã lành da sau nhiều năm bom đạn cày xới.

Bến phà máu... đã hồi sinh!

Cảnh bom đạn xưa nay đã nhường chỗ cho sự yên bình dọc bến sông Long Đại. Cây cổ thụ cuối làng từng là chứng nhân cho cuộc chiến nay lại hiền hòa soi bóng bên sông cho những cựu chiến binh tập thể dục. Những đôi chân đã trúng đạn, những cánh tay mở đường nay lại tìm về với những đường quyền dưỡng sinh. Có lẽ hơn ai hết, họ là những người thấm thía nhất cái giá của hòa bình.

Trên những hố bom xưa nay đã là những ngôi nhà khang trang. Ít ai biết rằng Long Đại từng là một trong những nơi khởi đầu cho phong trào “xe chưa qua, nhà không tiếc...”. Hàng trăm ngôi nhà đã được dỡ xuống để làm cầu, thông phà... Từ đổ nát, hoang tàn, người con Long Đại đã làm hồi sinh mảnh đất chết! Long Đại ngày nay không còn tiếng máy bay gầm rú, tiếng bom đạn xé trời... Thay vào đó là tiếng cười của con trẻ, là vẻ đẹp trời ban: núi cao, sông sâu và tình người nghĩa nặng!

Ngày xưa Long Đại oằn mình cho những chuyến phà giữa đêm Trường Sơn, ngày nay Long Đại lại mang trên mình những trọng trách mới. Đó là đường dây 500 kV vượt dòng Đại Giang đưa điện vào Nam. Đó là những đoàn tàu xuôi ngược giữa hai miền Tổ quốc...

Tọa độ máu

Từ năm 1965-1972, bến phà Long Đại được xem là tọa độ máu nơi tuyến đầu của đường Trường Sơn huyền thoại. Bờ bắc phà Long Đại thuộc địa phận thôn Long Đại, xã Hiền Ninh; bờ nam thuộc thôn Xuân Dục, xã Xuân Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình.

Bến phà Long Đại nằm trên trục đường chiến lược 15, là cung đường quan trọng để vận chuyển hàng hóa, vũ khí, nhân lực vượt dòng Đại Giang tiếp tế cho chiến trường. Tại khu vực Long Đại, chiến đấu thường trực được triển khai có khi lên đến vài ngàn người với pháo cao xạ, pháo tầm cao, tên lửa, công binh, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến... Bom địch giội trắng khắp khu rừng hai bên bờ sông, trong vòng bán kính 12km là đồi trọc. Ban ngày, máy bay trinh sát theo dõi sát sao từng di chuyển, biến động dưới mặt đất, nếu có bất cứ sự di động nào đều được ghi nhận, lập tức máy bay từ các tàu chiến ngoài biển bay vào giội bom. Hàng ngàn trận B52 rải thảm vào đây nhằm cắt bằng được bến phà cực kỳ quan trọng của con đường chiến lược 15 đưa nhân tài, vật lực vào Nam.

Ngày 16-6-1972, tại bến phà Long Đại, 15 thanh niên xung phong quê Nghệ An đang tập hợp chào cờ trước lúc ra trận địa làm đường thông xe thì một trận bom của không quân Mỹ giội xuống làm cả 15 thanh niên xung phong hi sinh. Ba tháng sau, 16 chàng trai, cô gái thuộc lực lượng thanh niên xung phong Thái Bình đang tiếp sức cho phà Long Đại cũng hi sinh sau một trận bom ác liệt.

THẾ ANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên