Một năm rời giảng đường, ngược xuôi làm shipper và vào nhà máy làm công nhân, Quyền rắn rỏi hơn cái tuổi của mình. Vậy mà hôm cầm giấy báo trúng tuyển Trường ĐH Thể dục thể thao TP.HCM, anh chàng 19 tuổi ấy bật khóc ngon lành.
Ngược xuôi mưu sinh
Năm ngoái, Quyền đỗ vào ngành công nghệ thông tin, là ngành học bạn thích và khao khát theo đuổi. Gia đình Quyền cũng tự hào lắm. Với người dân Khmer ở xã nghèo biên giới Hòa Hiệp, huyện Tân Biên (Tây Ninh) quê bạn, đó cũng là kết quả rất đặc biệt.
Cũng hăm hở đăng ký nhập học, nhưng ngày vui qua mau. Học kỳ hai còn chưa kịp bắt đầu, Quyền đã phải rời trường vì không kiếm đâu ra tiền đóng học phí. Số tiền hơn 17 triệu đồng khi ấy quá sức với bạn, cũng là nỗi bất lực của ông Sóc Khoan và bà Bô Xà Bon - ba mẹ Quyền.
Căn bệnh xuất huyết bao tử, loét dạ dày thường xuyên làm khổ ba Quyền. Mẹ cũng không khá hơn khi sống chung với bệnh xương khớp kinh niên, không làm được gì ngoài loanh quanh nhà. May mắn có ai thuê bà đan lát, làm đất vào bầu cho cây còn có tí đồng ra đồng vào.
Trên Quyền còn người chị đang thất nghiệp nuôi con nhỏ và một chị kế đang học ngành điều dưỡng năm thứ hai tại TP.HCM.
Rời giảng đường, Quyền được người trong xóm chỉ về xin vào một xí nghiệp giày da ở Đồng Nai. Sau bốn tháng đời công nhân, bạn quyết định nghỉ việc.
May sao tìm được công việc khác ở một cửa hàng máy tính tại huyện Hóc Môn (TP.HCM), tạm coi như có chút liên quan đam mê trước đó. Ban ngày làm ở cửa hàng, theo các anh học quay dựng phim, chiều Quyền lại chạy bàn cho một quán ốc trong vùng.
Cửa hàng máy tính trả lương 4 triệu đồng, quán ốc được hơn 2 triệu đồng. Nhưng hầu như bạn không có một ngày nghỉ ngơi khi bắt đầu mỗi ngày từ tờ mờ sáng và chỉ kết thúc khi đường phố vắng lặng bóng người xe.
Thương cậu nhân viên vất vả, giám đốc cửa hàng máy tính gọi vào nói chuyện, giao luôn công việc shipper của cửa hàng cho Quyền.
Vậy là thu nhập cũng ổn định hơn. Quyền bắt đầu dành dụm, để lại ít phòng thân, còn phần lớn gửi về cho mẹ. Quyền trích vài trăm mỗi tháng để nuôi giấc mơ quay lại trường đại học.
Phải đi học
Những tháng ngày vất vả ngược xuôi mưu sinh, Quyền càng quyết tâm phải trở lại giảng đường. Cậu đủ lớn để nhìn được hành trình phía trước không hề bằng phẳng với mình và cũng chẳng thể trông chờ vào ai ngoài nỗ lực của chính mình. Nhưng khát khao thì luôn đủ lớn!
Vì đã một lần đứt gánh chuyện học nên chàng trai thận trọng hơn khi tính toán cho ngày trở lại. Nỗi ám ảnh không có tiền đóng học phí vẫn còn đó. Suy tính kỹ càng, anh chàng chọn trường có mức học phí thấp, tiếp đến mới là thế mạnh của bản thân.
Với điều kiện hiện tại, Quyền khó lòng theo tiếp ngành công nghệ thông tin như đam mê. Thay vào đó, bạn nộp hồ sơ thi vào ngành huấn luyện thể thao (môn cầu lông), khoa huấn luyện thể thao Trường ĐH Thể dục thể thao TP.HCM.
Với mức học phí khoảng trên dưới 20 triệu đồng/năm học cũng không phải là nhỏ nhưng bạn tin sẽ có cách. Quyền đã được nhận vào làm trợ giảng tại một sân tập cầu lông ở quận Tân Bình.
Kế hoạch của cậu tân sinh viên lần hai ấy thế này: ngoài giờ học, đến phòng tập sẽ mượn xe máy của một người bạn đi làm shipper, nhập bánh tráng đặc sản quê nhà bán online kiếm thêm. Kênh TikTok dạy kỹ năng cầu lông của Quyền mới lập nhưng có hàng chục ngàn tương tác, nhiều clip lên xu hướng.
Ngoài kết quả 12 năm liền học sinh giỏi, cầu lông vốn là môn thể thao mang lại cho bạn kha khá bộ sưu tập huy chương tại nhiều giải đấu ở Tây Ninh, TP.HCM và cả giải của hội thao quốc phòng năm 2022. Nhưng cuộc vất vả mưu sinh khiến anh chàng phải tạm gác lại niềm vui ấy.
"Vất vả vậy sao cứ phải nhất quyết đi học?", câu hỏi bất chợt như vô tình cứa vào nỗi đau. Quyền ngước mắt nhìn trời xanh, nhẹ cười rồi mãi hồi sau mới dám mở lời.
Nhưng chính những ngày lăn lộn kiếm sống khắp nơi, từ làm công nhân, phục vụ quán ăn, rồi shipper... giúp Quyền nhận ra rõ hơn nếu không học, cuộc sống cũng sẽ mãi luẩn quẩn như thế này.
Thắp lên hy vọng
Dân thể thao, nước da bánh mật, Mai Công Quyền khá rắn rỏi. Cộng với nỗi cơ cực vào đời sớm, bươn chải kiếm sống nên cậu nhìn chững chạc hơn nhiều so với các bạn đồng trang lứa.
Hành trình tìm đường quay lại trường học của Quyền tưởng chừng đã phải dở dang thêm lần nữa. Khi đó Quyền còn đang lưỡng lự việc có nên thi lại hay không thì cha đổ bệnh phải đi cấp cứu.
Gánh nặng tiền nong như muốn nuốt chửng giấc mơ và con đường bạn vốn tự vẽ cho mình trước đó. Phải ưu tiên cứu cha, Quyền ngậm ngùi chọn gác lại khát khao đi học.
Thế rồi cô bạn Hồng Nhung - sinh viên Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, cùng quê Tây Ninh - chính là người đánh thức Quyền tỉnh lại với giấc mơ trở lại trường học. Hồng Nhung từng là tân sinh viên được nhận học bổng Tiếp sức đến trường của báo Tuổi Trẻ năm 2022.
"Hồng Nhung là người đã giới thiệu cho mình biết đến học bổng Tiếp sức đến trường, truyền cho mình động lực, thắp lên khát khao để mình phải tiếp tục, không được bỏ cuộc", Quyền bày tỏ.
Bạn đọc ủng hộ học bổng cho tân sinh viên vui lòng chuyển vào tài khoản báo Tuổi Trẻ: 113000006100 Ngân hàng Công thương (VietinBank), chi nhánh 3 TP.HCM.
Nội dung: Ủng hộ "Tiếp sức đến trường" cho tân sinh viên hoặc ghi cụ thể tỉnh/thành mà bạn đọc muốn hỗ trợ.
Bạn đọc, quý doanh nghiệp ở nước ngoài có thể chuyển khoản về báo Tuổi Trẻ: Tài khoản USD 007.137.0195.845 Ngân hàng Ngoại thương TP.HCM; Tài khoản EUR 007.114.0373.054 Ngân hàng Ngoại thương TP.HCM với Swift code BFTVVNVX007.
Nội dung: Ủng hộ "Tiếp sức đến trường" cho tân sinh viên hoặc ghi cụ thể Tỉnh/Thành mà bạn đọc muốn hỗ trợ.
Ngoài tài trợ kinh phí học bổng, bạn đọc có thể ủng hộ thiết bị học tập, chỗ ở, việc làm... cho tân sinh viên.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận