14/05/2014 11:40 GMT+7

Trở lại dòng sông Thị Vải: Sông đã xanh nhưng tôm cá ít dần

QUANG KHẢI - YẾN TRINH
QUANG KHẢI - YẾN TRINH

TT - 3g khuya, hai tay thoăn thoắt kéo những chiếc lọp bắt cá tôm lên giũ sạch rác bám, ông Phạm Văn Nghĩa (49 tuổi, xã Long Thọ, huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai) căng mắt nhìn qua làn ánh sáng tù mù của chiếc đèn pin: nguyên cái lọp lưới dài 9m dính được hai con cua nhỏ hơn lòng bàn tay.

Dùng rừng Cần Giờ xử lý ô nhiễm sông Thị VảiChất lượng nước sông Thị Vải có chuyển biến tích cựcVedan “giết” sông Thị Vải

9gKwW2V6.jpgPhóng to
Hai ngư dân ngược nhánh sông Ông Hợi của dòng Thị Vải để bủa lưới lọp - Ảnh: Yến Trinh

Cả khúc sông tối đen như mực chỉ nghe tiếng thở dài của ông, tiếng khua mái chèo và nụ cười gượng mỗi khi kéo thấy cái lọp trống trơn.

Dòng Thị Vải đã bớt ô nhiễm sáu năm nay nhưng chỉ đem lại cho những ngư dân như ông Nghĩa cá tôm nhỏ giọt. Vì thế trái với suy nghĩ ban đầu, chuyến trở lại dòng sông này của chúng tôi giờ nặng trĩu tâm sự buồn của những thế hệ đã gửi mơ ước đời mình lẫn đời con cháu cho dòng sông.

60 cái lọp được 1kg cua

"Dòng Thị Vải đã trót mang cả một khu công nghiệp bên mình, nên việc hồi sinh và nguy cơ chết đi chỉ cách nhau một lằn ranh mỏng"

Gió đêm quần quật thổi, chiếc xuồng ông Nghĩa chèo đưa chúng tôi đi kéo lọp cứ tròng trành theo những lời kể. “Những năm Vedan chưa xả thải, cá tôm nhiều vô kể, tui đi bủa lưới chút xíu là rổ rổ mang về. Có ngày kiếm 500.000-600.000 đồng là chuyện bình thường” - ông Nghĩa nhớ lại. Sông lúc đó xanh ngút mắt, ngư dân nếu siêng năng tiện tặn cũng xây được cái nhà đàng hoàng từ tiền tôm cá. Khoảng năm 1995, sông bắt đầu ô nhiễm nặng, đen ngòm, nhiều bữa ông với mấy bạn chài đi bủa lưới nhìn cá chết nổi trắng khúc sông mà chỉ biết kêu trời, nghe mùi nước sông tanh ói xộc vào mũi mà mắt ai cũng ầng ậng nước. Yêu nghề nhưng cá tôm còn đâu nữa, thế nên sau khi con trai đầu được 7 tuổi, vợ chồng ông Nghĩa bỏ ghe đi làm công nhân vá lưới. Ông ngậm ngùi: “Phải đành đoạn với cái nghề cha ông truyền cho từ lúc mới 13 tuổi, tui bức bối không sao chịu thấu, thèm sự tự do, niềm vui mỗi khi kéo lưới biết chừng nào. Xóm ấp lúc đó không còn thấy bóng ghe xuồng, ngư dân chỉ còn con đường rũ bỏ lưới chài tìm đến những công ty, xí nghiệp”.

Từ năm 2008, Vedan bị buộc ngừng xả thải, ông Nghĩa nhớ nghề quá lại ngưng làm công nhân, về đóng ghe đi lưới. Ông kể: “Nước sông bắt đầu trong trở lại, cá tôm cũng bắt đầu về. Cái bến sát nhà tui cũng dần đông ghe xuồng, bây giờ ngót nghét 40 chiếc”. Năm 2011, Vedan bồi thường, ông cầm số tiền ít ỏi sắm thêm ngư cụ để đánh bắt. “Nhưng mà... - ông Nghĩa vừa nói vừa nghiêng cái xô đựng cua cá nãy giờ cho chúng tôi xem - Bây giờ mỗi bận 60 cái lọp giăng kín các luồng lạch chỉ được chừng ký cua nhỏ, cá chỉ vài con, có khi trắng tay chẳng dính được con gì. Ngày nào bán được chừng trăm ngàn đồng là mừng lắm rồi”. Ông buồn buồn, chỉ tay mơ hồ qua một cái luồng sông, nói mấy năm trước một người trong xóm cũng đi kéo lọp khuya như vậy bị té xuống nước, vọp bẻ mà chết, bỏ lại vợ con bơ vơ. Nghĩ tới vợ mình cũng đang thức đợi ở nhà, ông chỉ biết vái trời đất cho mình khỏe mạnh mà đi lọp hoài hoài. 49 tuổi mà tóc ông Nghĩa đã bạc trắng và người còm cõi như ông lão, bởi phải lo cho vợ vừa mổ cột sống và hai đứa con. “Cảnh tôm cá đầy sông giờ chỉ còn trong ký ức. Nhiều khi cơ cực quá tui nghĩ những ngày tháng chài lưới êm đềm đó y như một giấc mơ, dân chài tụi tui biết chắc sẽ không bao giờ dòng sông trở lại như xưa nữa” - giọng ông rầu rầu.

5y3wcHtq.jpgPhóng to
Dòng Thị Vải tuy đã trong trở lại nhưng nhiều người vẫn lo ngại tình trạng ô nhiễm - Ảnh: Yến Trinh

Mai này còn ai chài lưới?

Xuôi dòng Thị Vải, bắt gặp những chiếc ghe vừa đi bủa lưới về, chúng tôi hỏi kết quả đánh bắt ra sao thì ai cũng đáp gọn lỏn: “Cũng như mấy ngày trước thôi!”. Tức là cũng loe ngoe vài con cá, con cua, ngày nào may được 100.000-200.000 đồng, rủi thì được mấy con về ăn khỏi đi chợ, rủi hơn thì chỉ có mấy con sam độc bám vô lưới. Bờ bên này sông là những bến neo đậu toàn ghe xuồng cũ kỹ, còn bờ bên kia ngợp ống khói nhà máy và những chiếc tàu chở hàng khổng lồ. Lâu lâu một chiếc ghe chạy ngang khu vực nhà máy, in trên nền sông một chấm nhỏ lẻ loi như thân phận ngư dân hiện tại. Hầu như không còn thấy cảnh giăng lưới đánh cá, ngư dân chỉ còn đặt lọp men bờ sông hoặc thọc hang cua, mò chem chép đổi lấy cái ăn qua ngày.

“Giờ chỉ còn người già đi ghe thôi!” - đó là lời đùa chua chát của ông Nguyễn Văn Tháo (69 tuổi, nhà ở ấp 1A, xã Phước Thái, huyện Long Thành) khi chúng tôi hỏi thanh niên trong ấp còn ai giữ nghề của cha ông. Gia đình ông Tháo ba đời làm ngư dân, mười người con của ông đều theo nghề, nhưng lớp cháu sau này đi làm công nhân hết trọi. Những nhà khác trong xóm cũng chung cảnh. Ông bộc bạch: “Phần vì làm công nhân lương tháng 3-4 triệu đồng ổn định hơn, phần là do bây giờ sắm ngư cụ cũng ít nhất mười mấy triệu đồng. Hơn nữa cá tôm có nhiều như trước nữa đâu, bữa đói bữa no sao tụi nó sống được”. 68 tuổi ông mới nghỉ đi ghe, ở nhà vá lưới, vá lọp để đỡ nhớ nghề. Giọng của người đàn ông gắn bó cả đời với sông nước vẫn bàng bạc tiếc nuối, nỗi niềm với sông với nghề vẫn in đậm trong đáy mắt. Sông là nguồn sống của ngư dân hai bên bờ bao nhiêu thế hệ, vậy mà nay ghe xuồng đìu hiu, ngư dân rặt lại chịu bó mình trong những nhà máy thay vì vùng vẫy nơi sông dài trời rộng hỏi sao không buồn...

Nỗi lo sông chết

Mặc dù người dân sống dọc dòng Thị Vải nhìn nhận môi trường trên sông hiện được cải thiện 60-80% so với thời điểm Vedan xả thải, tôm cá cũng có trở lại, nhưng nỗi lo sông lại ô nhiễm cứ bám lấy tâm trí. Ông Nguyễn Văn Cường (46 tuổi, sống gần khu vực Công ty Vedan) cho biết: “Có nhiều hôm đi bủa lưới, móc cua trên khúc sông này, tụi tui thấy nước sông chuyển màu nâu nâu, bốc mùi hôi, nhất là lúc tối trời hoặc mưa lớn. Biết chắc là có công ty nào đó xả thải ra sông nhưng không có bằng chứng!”. Ông Phùng Văn Đông (xã Phước Thái) kể: “Có hôm tui đi ghe thấy nước đen, cá chết nổi lềnh bềnh trên sông. Bữa đó coi như không đánh bắt gì được, cỡ hơn một tuần sau mới có cá trở lại”.

Chuyện sông ô nhiễm cũng diễn ra ở khu vực hạ nguồn sông Thị Vải, xã Long Thọ, huyện Nhơn Trạch. Ngư dân Nguyễn Văn Út thở dài: “Cứ cách chừng 1-2 tuần, nước thải từ cống Lò Rèn (nối từ Khu công nghiệp Nhơn Trạch qua địa bàn xã) chảy ra nhánh sông lại có màu đen quạch, bốc mùi hôi, nước chảy tới đâu ngày sau cá chết nổi tới đó”. Ông Trần Tiến Nhạn, chủ tịch Hội Nông dân xã Long Thọ, nói sau khi Vedan ngưng xả (năm 2008) các loại cá, cua đã có trở lại nhưng chỉ số lượng nhỏ, cuộc sống người dân có đỡ hơn nhưng vẫn còn bấp bênh. Khu công nghiệp Nhơn Trạch với khoảng 300 công ty hoạt động ngày đêm, vẫn còn hiện tượng xả thải xuống dòng sông nên vẫn là mối lo của người dân nơi này. Ông Nhạn nói ông từng dẫn đoàn kiểm tra của Sở Tài nguyên - môi trường tỉnh kiểm tra một đơn vị trong khu công nghiệp trên địa bàn, phát hiện giữa thời điểm nắng nóng nhưng cống xả nước mưa của doanh nghiệp này xả nước ồ ạt. Đó là chưa kể chuyện khuyến cáo người dân không nên sử dụng nước giếng do ô nhiễm, trong 211ha nuôi trồng thủy sản ở xã này có 45ha bị ảnh hưởng...

Dòng Thị Vải đã trót mang cả một khu công nghiệp bên mình, nên việc hồi sinh và nguy cơ chết đi chỉ cách nhau một lằn ranh mỏng.

Sông vẫn còn ô nhiễm

Theo ông Nguyễn Ngọc Thường (phó giám đốc Sở Tài nguyên - môi trường tỉnh Đồng Nai), chất lượng nước sông Thị Vải đã cải thiện trong các năm gần đây, kết quả quan trắc năm 2013 tại hầu hết vị trí quan trắc đều đạt mục đích bảo tồn đối với động vật thủy sinh. Nhìn chung chất lượng nước qua các năm gần đây ổn định trên toàn lưu vực, nhưng tại một số thời điểm quan trắc mùa khô có xuất hiện ô nhiễm hữu cơ (COD) và dinh dưỡng (NO2-) với hàm lượng cũng như tần suất xuất hiện không cao.

Ngoài ra, hiện chất lượng nước sông Thị Vải chịu ảnh hưởng từ hoạt động công nghiệp của các khu công nghiệp Nhơn Trạch 1, Nhơn Trạch 2, Nhơn Trạch 3, Gò Dầu và nước thải sinh hoạt từ các khu dân cư tại xã Long Thọ, xã Hiệp Phước (huyện Nhơn Trạch), xã Phước Thái (huyện Long Thành). Trong thời gian qua, Sở Tài nguyên - môi trường Đồng Nai đã thực hiện quan trắc nước thải sau xử lý tại các khu công nghiệp nêu trên theo định kỳ một tháng/lần. Bên cạnh đó, tại các khu công nghiệp này đã được lắp đặt trạm quan trắc tự động để đo lưu lượng xả thải và bảy thông số: nhiệt độ, pH, DO, TSS, amoni, nitrat, COD và có hệ thống lấy lưu mẫu tự động khi phát hiện vượt ngưỡng giá trị ô nhiễm cho phép, camera giám sát. Hệ thống quan trắc tự động truyền dữ liệu quan trắc liên tục về sở để giám sát.

Đối với nước thải sinh hoạt từ các khu dân cư tập trung, hiện nay UBND các huyện Nhơn Trạch, Long Thành đang thực hiện nâng cấp tuyến thoát nước song song với đầu tư các tuyến đường giao thông tại các xã. Trên cơ sở đó, tiến đến việc thu gom, xử lý nước thải đô thị và khu dân cư trên địa bàn huyện đảm bảo đạt quy chuẩn môi trường trước khi xả thải ra sông.

QUANG KHẢI - YẾN TRINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên