Công việc của họ tự do, ngày rét quá có thể nghỉ tùy ý, nhưng gánh hàng rong chẳng mấy ai nghỉ. Chị gánh cốm vòng tươi đã lên phố từ sớm vì biết hôm nay ngày lễ sẽ đông khách, cô bán rau thấy trời lạnh sẽ ít người đi chợ nên khách quen đang chờ. Thế là lại lên đường!
Không để khách chờ trông
Trước giờ cao điểm tắc đường, những chiếc xe máy hàng rong đã vội lên phố mặc giá buốt. Tiếp sau đó là xe đạp - lực lượng này đông nhất, chở hoa quả, rau củ từ quê lên hoặc từ chợ đầu mối vào các chợ tạm TP. Chậm chạp hơn nhưng tiện đi vào các ngõ nhỏ, phố nhỏ của Hà Nội là gánh hàng rong kẽo kẹt trên vai gầy.
Bên hồ Hoàn Kiếm, khách du lịch đã quàng khăn ấm ngồi ở quán cà phê ngắm cảnh. Chị hàng cốm vòng đã gánh cốm vào bên bàn cà phê, mời khách thưởng thức đặc sản Hà Nội. Trên con phố kim cương Tràng Tiền, gánh chè, gánh hoa quả dầm đã hạ cánh trên vỉa hè, nơi xe đạp xe máy không được phép đậu.
Trên các phố khác, gánh hành tỏi, gánh khoai sắn ở phố Hàng Bông cũng đã xuất hiện. Gánh nồi, chậu nhôm ở phố Phan Đình Phùng rồi gánh trầu cau, rau củ trên phố Tây Sơn. Gánh bưởi, gánh hoa ở phố Trương Định nặng trĩu trên những đôi vai gầy cũng đã ngược xuôi chào khách. Mỗi khi đặt gánh xuống, dưới vành nón lá, người gánh hàng rong phải kéo khẩu trang rồi thở ra khói trắng vì lạnh.
6h sáng, chị Nguyễn Thị Toàn ở làng cốm vòng đã có mặt bên hồ Gươm: "Hai vợ chồng làm cả đêm được mấy chục cân cốm, ngày lễ sẽ đông hơn ngày thường nên tôi chạy xe lên đây từ lúc trời chưa sáng. Tôi gửi xe máy chỗ nhà thờ đá ở phố Nhà Chung rồi chuyển sang gánh ra hồ bán" - chị Toàn vừa nói vừa bọc tay trong túi bóng để lấy cốm cho khách, túi bóng cũng giúp chị giữ đôi tay bớt lạnh.
Chị mặc chiếc áo khoác gió, đội nón lá, bên trong trùm đầu, bịt hai tai bằng mũ len. Trang bị thêm đôi giày mềm để đi bộ cho đỡ đau và ấm chân. Gánh cốm của chị Toàn được buộc hai bó rơm trên chỏm hai đầu gánh, đó là cách chị quảng cáo cho khách biết cốm được làm từ lúa nếp.
"Hôm nay lạnh mà không mưa như mấy hôm trước, khách hàng đặt cốm để biếu quà Tết đang chờ mình nên nghỉ sao được" - chị Toàn cười khoe có Việt kiều đặt 5kg cốm, chỉ cần gọi trước cho chị một hôm, muốn hút chân không để được lâu thì cứ báo cho chị. Kinh nghiệm bán cốm dạo hơn 10 năm, chị Toàn đã có lượng khách quen không nhỏ. Ngày rét mướt chị vẫn gắng lên phố vì đây là nghề chính mang lại thu nhập cho gia đình chị.
Những đôi chân không biết mỏi
Người gánh hàng phải dùng nhiều sức toàn thân vì hàng hóa nặng trĩu hai vai, dễ mỏi gối phồng chân khi lòng vòng quanh phố. Gió bấc thổi liêu xiêu, bước chân của các bà các chị gánh hàng rong vẫn nhẫn nại bám đường.
"Gánh quen rồi, mệt đâu thì nghỉ đấy, đi xe vừa không tiện vừa... cơ bản là không biết đi", bà Nguyễn Thị Nga cười phân bua. Bà là một trong ba người phụ nữ thường xuyên gánh rau bán ở phố Tây Sơn, quận Đống Đa.
Trong số những gánh hàng rong, nặng nhất có lẽ là gánh hàng rau của các bà, các chị. Có lần tôi thử độ nặng gánh rau của bà Nga, đòn gánh đã uốn cong mà gánh rau vẫn chưa lên khỏi mặt đất. "Đố mà gánh được, để bà đi bán một vòng cho vơi rồi tha hồ gánh", bà Nga chê sức trẻ rồi còng lưng gánh ra ngõ. Gánh rau bà nặng vì toàn rau tươi nhúng nước, lại thêm khoai tây, bầu bí nên càng nặng. Bà Nga còn xách thêm giỏ gà, giỏ trứng một bên tay.
Gánh rau của bà Nga, bà Lành và bà Tình đã quen với người dân khu phố Tây Sơn. Các bà đều đã trên dưới 60 tuổi nhưng đều đặn ngày nào cũng gánh rau lên các ngõ Vĩnh Hồ, Tây Sơn, Đặng Tiến Đông để bán đúng giờ. Các bà cùng ở quê Thường Tín, ngoại thành Hà Nội. Rét mướt nhưng không ai vắng mặt trên phố. Giọng các bà vừa rao, người dân khu phố đã biết đó là gánh rau của bà nào.
Bà Lành và bà Tình là chị em cạnh nhà nhau. Bà Tình gầy yếu nhất, bà đang chịu nhiều chứng bệnh, nặng nhất là đau dạ dày, hở van tim ba lá. Bà cùng các chị em gánh rau lên phố bán đã gần 20 năm. Bà chỉ quen gánh gồng, không biết chạy xe máy.
Hai bà thuê trọ ở quận Thanh Xuân, mỗi lần dưới quê lên phố có người quen đèo xe máy hoặc bà tự bắt xe buýt. Bà nhận hàng đổ buôn từ chợ Vĩnh Hồ, sáng sớm ngồi bán ở chợ cho vơi gánh rau, sau đó gánh vào các ngõ phố của Hà Nội bán. Ở quê bà, nhiều người cũng lên phố bán rau nhưng phần lớn đi xe máy, xe đạp, ít ai còn gánh rong vì sợ đau vai mỏi chân. "Tôi gánh quen rồi, ốm thì nghỉ, lúc nào già yếu không đi được nữa thì về quê nuôi gà", bà Tình cười hiền.
Khách trong ngõ người thì gọi để mua rau, hẹn loại rau muốn ăn, người báo nợ tiền cũng được các bà đồng ý. Những bó rau tươi rói, lạnh cóng nhưng tiếng rao của các bà vẫn vang vọng đều đều. Và đã có những giọt mồ hôi của phận đời quang gánh nhỏ xuống mặt đường giữa cơn gió đông về.
Hai con đang chờ mẹ buông quang gánh, ghé thăm
Bà Trần Thị Hường, 50 tuổi, quê Hà Tây cũ, mỗi sáng chạy xe máy chở rau quả từ quê lên bán. Bà thường ngồi ở chợ sinh viên phố Trần Đại Nghĩa, gần các trường Kinh tế, Bách khoa, Xây dựng. Tới gần trưa thì bà gánh một bên là những quả bưởi quê, một bên là khoai sắn, củ từ đi các ngõ Minh Khai, Trương Định (quận Hai Bà Trưng) để bán.
"Bưởi nhà trồng vừa sạch vừa ngon, năm nay giá rẻ mua nhiều mà ăn" - bà Hường đặt gánh bên vỉa hè cho người mua chọn hàng, ai đi qua bà cũng đon đả mời chào. Gánh của bà được bện bằng dây thừng, khi đặt xuống đất giống như bày hai mẹt hàng trước mặt. Bà Hường mở khăn trùm, chiếc mũi đỏ chảy nước vì lạnh. "Hôm nay chỉ lạnh buổi sáng, trưa ấm hơn, đi bộ nóng phải cởi áo khoác ra bỏ túi bóng. Còn nhiều hàng mà nặng không gánh hết được", bà phân trần.
Gánh hàng bán đã hơn 10 năm, bà Hường có nhà ở quê rộng nên trồng trọt được nhiều loại rau củ quả. Các anh chị em trong gia đình không làm vườn, bà dồn hết lại nên vườn rộng. "Bưởi năm nay ế hàng lắm, mọi năm bán mấy chục ngàn một quả, bán vèo một lúc là hết. Năm nay bán ế, bán rẻ", bà buồn rầu nói.
Khoảng 1h chiều bà Hường nghỉ bán, chạy xe lên Cầu Giấy thăm con gái đang học ở Trường ĐH Thương mại rồi thẳng đường về quê. Con gái mới gọi điện sáng nay cho bà, hỏi khi nào mẹ đem đồ lại cho con. "Bán còn thứ gì thì tôi lại đem cho con bé ăn, còn con trai mới học ra trường đang kiếm việc", bà nói. Gánh rau quả của bà Hường là nguồn thu chính của gia đình, chồng bà làm phụ hồ bữa có việc bữa không.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận