Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un giám sát vụ thử vũ khí chiến lược mới - Ảnh: AFP
Hãng tin Reuters ngày 18-11 dẫn lời các chuyên gia cho rằng vụ thử nghiệm trên là một phần trong sáng kiến của ông Kim nhằm chuyển đổi sức mạnh vũ khí thông thường của gần 1,3 triệu binh sĩ sang vũ khí công nghệ cao.
"Chuyện này giống như một phiên bản cải cách quân sự của Triều Tiên. Nếu chúng ta muốn tìm thông điệp ẩn từ cuộc thử nghiệm vũ khí của Bình Nhưỡng thì điều đó có thể là 'Đừng xem thường chúng tôi, chúng tôi cũng đang hiện đại hóa'" - ông Choi Kang, phó chủ tịch Viện Nghiên cứu Chính sách Asan tại Seoul (Hàn Quốc), đưa ra nhận định.
Theo Reuters, vũ khí chiến lược mới trên thậm chí còn đóng vai trò quan trọng hơn nữa một khi Triều Tiên buộc phải từ bỏ một số kho vũ khí hạt nhân trong tương lai theo sau các cuộc đàm phán với Mỹ và Hàn Quốc.
Hãng thông tấn nhà nước Triều Tiên KCNA vào tuần trước đưa tin lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un đã theo dõi cuộc thử nghiệm vũ khí chiến lược mới.
KCNA cho biết vũ khí này có thể đóng vai trò "bức tường thép" nhưng không cung cấp thêm thông tin chi tiết về loại vũ khí này.
Theo Reuters, tuyên bố về vụ thử vũ khí chiến lược mới của Bình Nhưỡng có thể làm phức tạp hóa các cuộc đàm phán giải trừ hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên bất chấp việc Washington và Seoul cố gắng tránh khả năng không thể tiếp diễn đàm phán.
Dù chịu trừng phạt quốc tế nặng nề trong nhiều năm qua nhưng quân đội Triều Tiên với kho vũ khí gồm súng và nhiều hệ thống pháo phản lực bắn loạt (MLRS) vẫn đặt ra những mối đe dọa không nhỏ cho các đồng minh của Mỹ trong khu vực.
Điều tra của Bộ Quốc phòng Hàn Quốc năm 2016 cho biết quân đội Triều Tiên sở hữu gần 5.500 dàn MLRS, 4.300 xe tăng, 2.500 xe bọc thép, 810 máy bay chiến đấu, 430 tàu chiến và 70 tàu ngầm.
Kể từ khi lên nắm quyền gần cuối năm 2011, lãnh đạo Kim đã không ngừng đẩy mạnh khâu hiện đại hóa dây chuyền sản xuất tại các nhà máy chế tạo vũ khí và thay thế vũ khí và công nghệ cũ.
"Ngành công nghiệp quốc phòng nên phát triển và sản xuất các vũ khí chiến lược và vũ khí quân sự mạnh theo phong cách của chúng ta, hiện đại hóa dây chuyền sản xuất trên cơ sở khoa học và công nghệ tiên tiến" - ông Kim từng phát biểu trong bài diễn văn mừng năm mới 2018.
Hồi tháng 9, lãnh đạo Triều Tiên và Hàn Quốc đã đồng ý thực hiện một loạt các biện pháp nhằm giảm căng thẳng biên giới, bao gồm việc phá hủy các chốt biên phòng và phi vũ trang binh lính ở chốt gác duy nhất trong khu phi quân sự chung giữa hai miền.
Tuy nhiên thỏa thuận trên đã không bao gồm việc di dời hệ thống pháo MLRS vốn đã được triển khai ở tiền tuyến từ trước. Một số bệ phóng tên lửa và dàn pháo của Triều Tiên ở tiền tuyến có thể bắn đến Seoul của Hàn Quốc.
Mặt khác, hãng tin Yonhap dẫn nguồn tin thân cận với tình báo Hàn Quốc đưa tin vụ thử nghiệm vũ khí mới hồi tuần trước của Triều Tiên là một mẫu mới của hệ thống MLRS trong khi một số chuyên gia cho rằng đó có thể là một tên lửa tầm ngắn mới.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận