Ngập nước do triều cường tại đường Mễ Cốc, quận 8 - Ảnh: CHÂU TUẤN
Đỉnh triều liên tục lập những mốc mới
Đại diện Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ cho hay theo quy luật thông thường, triều cường tăng cao đột biến là thời điểm gió mùa đông bắc hoạt động mạnh. Gió mùa này góp phần đẩy nước biển vào các cửa sông, rạch góp phần làm triều cường cao thêm.
Tuy nhiên ghi nhận những ngày qua, gió mùa đông bắc không mạnh nhưng triều cường lại đạt mốc kỷ lục mới.
Năm 2013 khi đỉnh triều 1,68m (xảy ra tháng 10) nhiều người đã "giật mình" vì lập kỷ lục mới. Liên tiếp những năm sau, đỉnh triều cường theo xu hướng ngày một cao hơn. Năm 2014, cũng vào tháng 10 đỉnh triều 1,68m lặp lại.
Đến năm 2017, triều cường vọt lên 1,71m (vào tháng 12). Năm 2018, đỉnh triều 1,71m tiếp tục lặp lại ở tháng 2.
Liên tục mấy ngày qua, đỉnh triều lại vọt lên 1,73m rồi đến 1,77m vào ngày 30-9.
Chuyên gia dự báo thời tiết Lê Thị Xuân Lan cho rằng ngoài gió đông bắc, gió đông đông nam hay đông đông bắc (hay còn gọi là gió chướng - PV) cũng tác động làm triều cao.
"Chính trường gió này liên tục kéo dài tạo thành những đà sóng lớn, mạnh lan mạnh vào các cửa sông làm triều cường cao thêm", bà Lan nhận định.
Không chỉ TP.HCM, triều cường tại các tỉnh miền Tây Nam Bộ cũng lập những kỷ lục mới. Theo ông Nguyễn Kiệt - trưởng phòng dự báo Đài khí tượng thủy văn Nam Bộ, hiện nay diễn biến triều cường rất phức tạp, gây khó khăn cho công tác dự báo.
"Tại Cần Thơ vào năm 2017, sau 40 năm kể từ năm 1977 thì triều cường mới vượt qua kỷ lục trước đó. Nhưng từ năm 2017 đến nay, mỗi năm triều cường lại lập một kỷ lục mới", ông Kiệt đưa ra ví dụ.
Do tự nhiên và con người
Nhận định về nguyên nhân triều cường liên tục dâng cao, ông Kiệt cho rằng ngoài yếu tố tự nhiên do tình trạng biến đổi khí hậu thì còn do yếu tố con người tác động.
Cụ thể đó là tình trạng bồi lắng các dòng sông, kênh rạch và lún sụt mặt đất đang diễn ra tại các đô thị.
Tại TP.HCM, minh chứng dễ nhận thấy là tại nhiều nơi, trong đó có khu vực Thanh Đa dọc theo sông Sài Gòn đã được xây tường chắn ngăn bị ngập nước bởi triều cường. Những đợt triều trước đây cao lắm cũng mấp mé bờ tường. Nhưng đợt triều những ngày qua, nước đã tràn qua tường chắn biến khu vực bên trong mênh mông nước.
Nói về tình trạng lún, tại cuộc họp về chống ngập gần đây, Phó chủ tịch UBND TP Võ Văn Hoan cũng đưa ra cảnh báo tình trạng lún nền đất ở TP.HCM trung bình 40mm/năm, có nơi nặng nhất 67mm/năm.
Theo các chuyên gia, ngoài nguyên nhân do khai thác nước ngầm, còn có sự gia tải trên nền đất yếu. Rất nhiều khu vực trước đây là đầm lầy, ao vườn nhưng hiện nay biến thành những tuyến đường lớn mà hàng loạt tòa nhà cao tầng xung quanh, điển hình nhất là đường Nguyễn Hữu Cảnh. Tuyến đường này từng được ghi nhận tình trạng lún mặt đường hơn 1,2m.
Tại nhiều tỉnh miền Tây, tình trạng lún mặt đất, nước biển dâng ngày càng có những dấu hiệu rõ nét hơn.
Để chống ngập do triều cường, tại TP.HCM, từ năm 2016, dự án chống ngập do triều khu vực TP.HCM có xét tới yếu tố biến đổi khí hậu do giai đoạn 1 do Tập đoàn Trung Nam triển khai. Dự án có vốn đầu tư gần 10.000 tỉ đồng, bao gồm xây dựng 6 cống kiểm soát triều (Bến Nghé, Tân Thuận, Phú Xuân, Mương Chuối, Cây Khô, Phú Định) và khoảng 8km đê bao, chống ngập cho khoảng 6,5 triệu người. Tuy nhiên vì nhiều lý do dự án này bị trễ hẹn. Trong cuộc họp tháng 7-2019, các cơ quan chức năng cho biết khoảng tháng 6-2020 dự án này mới hoàn thành.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận