Giữa thung lũng rộng lớn ở bang Colorado thuộc miền trung nước Mỹ, thiết bị bay không người lái (drone) có tên Hera cất cánh chao lượn trên bầu trời, phô diễn sức mạnh của một chiếc drone đa dụng.

Hera có thể chở đến 15kg, có vẻ cồng kềnh nhưng lại được lấy ra từ ba lô cá nhân nhỏ gọn, lắp ráp trong vòng một phút khiến người chứng kiến trầm trồ.

Trực tiếp giới thiệu chiếc Hera là "cha đẻ" - TS Lương Việt Quốc, nhà sáng lập kiêm giám đốc điều hành của RealTime Robotics Inc (RtR) đến từ Việt Nam.

Trí tuệ Việt bay trên cánh drone - Ảnh 1.

Đứng bên cạnh chiếc Hera, ông Quốc giới thiệu những ưu điểm vượt trội khi đây là thiết bị bay không người lái nhỏ gọn song có thể nâng tải nặng, lại bay được gần một giờ.

"Quá xuất sắc, quá xuất sắc", ông VonLunen - giám đốc điều hành Công ty RMUS (Mỹ) - thốt lên. Khi Hera khởi động, bốn cánh quạt quay vù vù thổi bay cát bụi và hướng thẳng lên trời dũng mãnh như một con đại bàng.

Dõi theo Hera, ông Von Lunen công nhận chiếc drone rất đặc biệt khi "ra lò" tại Việt Nam, tải trọng lớn và có tính cơ động cao.

Trí tuệ Việt bay trên cánh drone - Ảnh 2.

Trước đây, RMUS đã từng đặt hàng doanh nghiệp của ông Quốc chế tạo phần cứng lẫn phần mềm chiếc camera chuyên dụng để kiểm tra rò rỉ dầu khí. Khi đơn hàng hoàn tất, RMUS rất bất ngờ khi được biết RtR đang chuẩn bị chào hàng chiếc drone với nhiều tính năng đặc biệt nên nóng lòng được thấy Hera cất cánh.

Ngay sau buổi trình diễn tại Mỹ, ông Quốc cùng các cộng sự nhận được quả ngọt sau ròng rã sáu năm trời "đốt" cả trăm tỉ đồng vào dự án. Đối tác gật đầu đặt đơn hàng đầu tiên với giá trị gần nửa triệu USD.

Đặc biệt hơn, đối tác sẽ phân phối Hera trên thị trường Mỹ với giá khởi điểm của mỗi chiếc lên đến 58.000 USD, tương đương 1,4 tỉ đồng.

Những ngày cuối năm 2022, những sản phẩm mang tính thương mại đầu tiên xuất ngoại, cắm cột mốc với RtR: Hera bắt đầu "quạt" ra tiền.

Trí tuệ Việt bay trên cánh drone - Ảnh 3.

Sau khi sang châu Âu giới thiệu sản phẩm, chuyến bay đêm vừa hạ cánh, sáng hôm sau giám đốc Lương Việt Quốc đã lên công ty, cùng các kỹ sư tiếp tục vật lộn để hoàn thiện các tính năng của Hera.

Một căn nhà kế bên Khu công nghệ cao TP.HCM được Công ty RtR đặt làm "đại bản doanh" với mỗi tầng là một bộ phận gồm cả nghiên cứu và phát triển (R&D), sáng chế, cơ khí, AI (trí tuệ nhân tạo)… với gần 60 kỹ sư, nhân viên. Ngay tầng trệt, các sản phẩm, máy móc chật kín từ sân vào nhà, chẳng khác một xưởng cơ khí.

Đứng kiểm tra chiếc drone vừa mang triển lãm về, Phí Duy Quang - kỹ sư trưởng phụ trách cơ khí của RtR - cho biết phần lớn các chi tiết cơ khí đều được các kỹ sư trẻ của công ty mày mò chế tạo để mang lại tính ưu việt cho Hera.

Trí tuệ Việt bay trên cánh drone - Ảnh 4.

Để Hera có được hình hài và tính năng vượt trội như bây giờ là cả một chặng đường dài ròng rã với bao nhiêu bản vẽ bị xé bỏ, hàng tá sản phẩm mẫu bị cho ra rìa.

Bộ phận nguồn điện cho drone hoàn toàn có thể mua các loại pin có sẵn trên thị trường, nhưng với mục tiêu đạt được thời gian bay dài hơn nên các kỹ sư Việt phải nỗ lực để sản xuất được bộ nguồn vừa có dung lượng tối đa vừa có hình dáng tối ưu.

Trí tuệ Việt bay trên cánh drone - Ảnh 5.

Tập trung hoàn thiện sản phẩm theo đơn đặt hàng là ưu tiên của RtR Ảnh: CT

Ông Quốc rất hài lòng khi chỉ cần một thao tác đơn giản, người dùng có thể lắp pin vào và Hera có thể bay xa 15 cây số, "cõng" được vật nặng.

Để chiếc drone thông minh hơn, bộ phận AI của công ty đã lập trình, phát triển phần mềm để chiếc máy vô tri vô giác biết "nghe lời" người điều khiển.

Trí tuệ Việt bay trên cánh drone - Ảnh 6.

Chiếc drone Hera có tính năng rất cơ động, có thể đảm nhiệm cả tá công việc trong các lĩnh vực địa lý, an ninh quốc phòng, nông nghiệp… và đặc biệt là cứu hộ cứu nạn. Dẫn chứng, ông Quốc nhắc đến vụ tàu Vietship 01 mắc cạn trên biển Cửa Việt (Quảng Trị) vào năm 2020 khiến cả thuyền viên lẫn lực lượng cứu hộ kẹt lại trên tàu giữa sóng dữ là một tình huống rất cần đến drone. Hera có thể bay dưới trời mưa với sức gió cấp 7, chở theo áo phao, nước uống, thức ăn từ đất liền trực chỉ chiếc tàu gặp nạn rồi hạ độ cao thả xuống tàu.

Đặc biệt trên thân drone được lắp thêm loa phóng thanh, đèn pha vào ban đêm để người gặp nạn nghe, biết được kế hoạch giải cứu, và người trong bờ cũng thấy được tình hình sức khỏe của người gặp nạn.

"Khi lắp camera nhiệt vào, drone lại có thể hỗ trợ trong quân sự, an ninh khi có thể phát hiện, theo dõi các vật thể di chuyển bên dưới", ông Quốc nói.

Nhìn lại chặng đường gian truân, có lúc khó khăn như đứng trước bờ vực, ông cũng từng phải tự vấn "đi tiếp hay dừng lại" trên con đường khởi nghiệp.

Trí tuệ Việt bay trên cánh drone - Ảnh 7.
Trí tuệ Việt bay trên cánh drone - Ảnh 8.

Với phần lớn các công ty khởi nghiệp, những rào cản với sự duy trì doanh nghiệp là tài chính, nhân sự, sản phẩm và đầu ra. Hàng loạt công ty khởi nghiệp trên thế giới phá sản ngay cả khi đã có sản phẩm thương mại hóa.

Công ty 3D Robotics tại Mỹ "đốt" 100 triệu USD làm drone cũng đã ngậm ngùi phá sản bởi tính năng không đủ nổi trội để cạnh tranh trên thị trường.

Trí tuệ Việt bay trên cánh drone - Ảnh 9.

Ông Quốc còn phải gọi vốn thêm từ người thân, bạn bè bằng uy tín cá nhân và niềm tin rằng RtR sẽ làm "ra ngô ra khoai" một sản phẩm công nghệ Việt. Tài chính là một chuyện, gầy dựng đội ngũ 60 kỹ sư trẻ đầy đam mê sáng tạo lại càng không dễ.

Trí tuệ Việt bay trên cánh drone - Ảnh 10.

Ông Quốc nói ông rất tự hào vì các nhà đầu tư không chỉ rót vốn cho sản phẩm mà còn dốc sức hỗ trợ cho các kỹ sư trẻ thông minh và đầy khao khát chứng minh năng lực. Khi công ty "đủ lông đủ cánh", ông sẽ tiếp tục gọi vốn từ các quỹ đầu tư, các "cá mập" để có thêm nguồn lực "bay" cao hơn trên thị trường thế giới.

Ông Quốc bật laptop mở cho chúng tôi xem bản đồ các quốc gia sản xuất drone trên toàn cầu, rất nhiều quốc gia hàng đầu về công nghệ lại không có tên. Ông đinh ninh nói: "Năm 2023 người Việt có thể tự hào khi RtR sẽ cắm lá cờ đỏ sao vàng đầu tiên lên tấm bản đồ drone thế giới".

Trí tuệ Việt bay trên cánh drone - Ảnh 11.
Trí tuệ Việt bay trên cánh drone - Ảnh 12.

Những ngày cuối năm 2022, RtR nhận thêm niềm vui sau khi giám đốc Lương Việt Quốc trực tiếp mang Hera sang châu Âu trình diễn với một công ty chuyên về quân sự do các cựu phi công quân đội Israel vận hành.

Doanh nghiệp này đang tìm những chiếc drone thực hiện nhiệm vụ trinh sát, tấn công và cứu hộ để trang bị cho các lực lượng đặc biệt.

Sau khi tìm hiểu, đối tác ngỏ ý hợp tác phân phối độc quyền Hera tại EU, đồng thời cũng mong muốn đầu tư vào RtR với những yêu cầu khắt khe để Hera hoạt động được trong điều kiện chiến tranh điện tử, vượt hệ thống phòng không của đối phương.

"Chúng tôi sẽ tiếp tục nghiên cứu để cho ra những chiếc Hera tối ưu hơn nữa, đáp ứng từng yêu cầu đặc biệt của khách hàng", ông Quốc nói.

RtR cũng đã giới thiệu sản phẩm tại Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2022 lần đầu tiên được tổ chức ở Hà Nội, hướng tới thị trường Việt trong lĩnh vực an ninh quốc phòng, nông nghiệp.

Có sản phẩm nội, Việt Nam có thể trang bị những drone vượt trội và quan trọng hơn là chủ động nguồn cung cũng như đảm bảo hơn về an ninh.

Trí tuệ Việt bay trên cánh drone - Ảnh 13.
Trí tuệ Việt bay trên cánh drone - Ảnh 14.
NGỌC HIỂN
VÕ TÂN


Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0