Món tré Bình Định ai ăn một lần là nhớ mãi
Chị sống trên đất Mỹ, xa nhà ngót nghét mười năm, cái ngày chị lên máy bay theo chồng, tôi nghĩ rằng chắc còn lâu lắm chị em chúng tôi mới gặp lại. Nửa vòng trái đất ít gì đâu, có gặp chăng thì trên không gian ảo, trên mạng.
Nhưng may sao, chồng của chị, tức anh rể tôi, là người Mỹ mang tâm hồn Á đông, anh không mặn mà với Tết Tây bằng Tết Việt, nên hằng năm, cứ đến dịp Tết là anh lại rủ chị về Việt Nam.
Năm nào cũng vậy. Nhưng đến năm nay, đã là năm thứ mười, Tết nay anh chị không thể về, vì dịch COVID-19.
Anh bèn nhắn tôi: "Em nhớ làm món tré cho anh chị ăn với!".
Tự dưng, đọc câu nhắn ngắn gọn của anh tôi lại thấy nhoi nhói, cái cảm giác thời đại đã trôi dạt về một phía xa nào đó. Giả sử như trước đây hai mươi, ba mươi năm, việc người ta lên tàu đi ra nước ngoài cũng đồng nghĩa với một trùng dương cách trở đã bày ra trước mắt.
Thế rồi sau đó, mọi thứ lại thu ngắn lại, không gian của quốc gia cũng chỉ còn ngắn tày lũy tre làng. Nghĩa là ngày xưa làng này gọi qua làng kia thì phải nhắn gửi những người đi chợ, những ông đi cày, còn bây giờ, muốn gặp nhau thì ngồi vào máy tính, qua điện thoại tuy không ngồi bên nhưng vẫn có thể chia sẻ mọi niềm vui, nỗi buồn.
Nhưng đó là chuyện ngày thường, còn với Tết, phải ngồi lại với nhau bằng con người thật để tận hưởng cảm giác ấm áp khi thưởng thức hương vị ngày Tết và không khí gia đình
Thế nhưng, năm 2020 là một năm đặc biệt, một năm mà mọi thứ, nếu không nhờ vào internet, con người sẽ trơ trọi trong ốc đảo cô đơn của mình. Rồi đến năm 2021, Tết về, con người lại một lần nữa nhờ vào internet, từ quà biếu, lời chúc tết, nhắn nhủ, cho đến cả việc khui mâm cỗ Tết, cùng hoàn toàn dựa vào mạng và công nghệ.
Năm nay anh chị không về được, nước Mỹ vẫn còn đắm chìm trong dịch COVID-19, chúng tôi cũng nhắn nhủ, động viên anh chị cố gắng vượt qua mọi gian khó thời dịch bệnh, và dặn anh chị tuyệt đối không gửi tiền lì xì cho chúng tôi. Bởi gởi tiền lì xì là làm khó cho anh chị và cho cả chúng tôi, bởi chúng tôi đã lớn, đã kiếm được tiền và đã có thể mua một món quà nào đó dành cho anh chị khi anh chị về quê.
Chúng tôi nhắc đi nhắc lại là bên Việt Nam không gặp khó khăn nhiều, vẫn có thể sống ổn định, anh chị nhớ giữ sức khỏe.
Nghe chúng tôi dặn, anh rể ứa nước mắt, nói với tôi đúng một câu: "Em nhớ làm món tré tai mui cho anh ăn với!".
Tré Bình Định bán ở Sài Gòn - Ảnh: NGUYỄN TRÍ
Câu nói của anh làm tôi ứa nước mắt nhớ lại thưở bà còn sống, Tết về với mâm cơm gia đình ấm áp, một ít bánh tét, một chiếc bánh chưng, một bát canh khoai môn rắc vài cọng ngò thơm, một dĩa gà xé trộn rau răm muối tiêu chanh, một bát cơm nóng với một dĩa cá vượt kho dưa cải, thịt heo luộc, thịt gà rô ti, thịt heo rim đường và đương nhiên, hồn cốt của bữa ăn lại nằm ở dĩa tré tai mui của bà làm hôm sau cúng tất niên.
Hồi đó, cứ sau bữa cơm tất niên, bà lại lấy tai mui heo, riềng, tiêu, ớt và bánh tráng nướng để làm tré.
Tai mui xắt thật mỏng, củ riềng xắt nhỏ, bằm nhuyễn, bánh tráng nướng giã dập, tiêu để nguyên hạt, một chút muối bột. Bà xắt tai mui thật thật mỏng, sau đó cho riềng, bột bánh tráng, muối bột, tiêu vào và trộn đều, nhẹ tay.
Sau đó để món tai mui trộn ở nơi thoáng mát, sạch sẽ chừng nửa giờ, bà dùng lá chuối gói thành từng bánh tré. Bánh tré gói xong treo giàn bếp, chừng một tuần có thể mở ra ăn.
Anh rể tôi mê món bánh tré của bà như điếu đổ. Chỉ cần gắp một chút bánh tré, nhâm nhi, nhấp thêm một ngụm rượu hoặc ngụm bia, cả cái Tết đang hội tụ nơi này.
Năm nay anh chị không về được, bà cũng đã đi xa, chắc bà xã tôi cũng sẽ gói bánh tré, vì nàng đã kịp học và thụ giáo hồn cốt trong món bánh tré của bà.
Thế nhưng, thế sự đã có nhiều thay đổi, năm nay mâm cơm đón giao thừa sẽ là mâm cơm online cùng anh chị, mâm cơm online kết nối với bà nơi cõi xa xôi nào đó bằng làn khói nhang và chút lòng thơm thảo của cháu con.
Thời gian, có cái mất đi, có người vắng đi, nhưng tháng Chạp nơi lòng người, bữa cơm tết và mùi vị ấm áp thì ở lại!
Diễn đàn "Mâm Tết nhà tôi" bao gồm các bài viết, bài dự thi của bạn đọc chia sẻ những khoảnh khắc gia đình sum vầy, giây phút thiêng liêng của lễ đoàn viên, sự nồng ấm của các thành viên gia đình, bè bạn bên mâm cỗ Tết, các món ăn "tủ" của gia đình, món ăn đặc sản quê hương... có thể không bên cạnh nhau nhưng nhờ sự kết nối công nghệ, mình có thể cùng nhau chia sẻ những giây phút ấy.
Diễn đàn do báo Tuổi Trẻ tổ chức với mong muốn lan tỏa một cái Tết đoàn viên, dù rằng ở bất kỳ nơi đâu, với sự kết nối bằng công nghệ thì "những mâm Tết xa vẫn trọn tình nhà".
Các bài viết diễn đàn vui lòng gửi về địa chỉ mamtet@tuoitre.com.vn từ nay đến hết ngày 20-2, mỗi bài tối đa 1.000 chữ có kèm theo hình ảnh (và video nếu có).
Các bài viết chưa tham gia bất cứ cuộc thi nào, chưa đăng ở các báo phương tiện truyền thông khác.
Bạn đọc vui lòng ghi rõ thông tin liên lạc, số tài khoản ngân hàng, số CMND để tòa soạn trả nhuận bút.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận