Đó là thông tin được đưa ra tại hội thảo về trẻ đường phố đồng tính, song giới và chuyển giới do Viện Nghiên cứu xã hội, kinh tế và môi trường (iSee) tổ chức ngày 31-5.
Theo kết quả nghiên cứu, các em đồng tính nữ thường cố tình tảng lờ vấn đề sức khỏe, còn các em đồng tính nam, do nhiều em hành nghề mại dâm và có can thiệp hỗ trợ từ một số dự án nên có kiến thức tương đối tốt về HIV/AIDS và các bệnh lây lan qua đường tình dục cũng như đi khám bệnh thường xuyên.
Tồi tệ nhất là các trẻ chuyển giới kiếm sống từ mại dâm, hầu như không muốn đi khám vì sợ bị kỳ thị do thể hiện giới tính của mình.
TS Nguyễn Thu Nam, một trong những tác giả chính của nghiên cứu đầu tiên do Tổ chức Cứu trợ trẻ em ủy thác thực hiện về đối tượng trẻ em này, cho biết nhiều em rơi vào tình trạng suy sụp thần kinh, cô đơn, tìm đến thuốc lá, rượu, cần sa để giải tỏa, thậm chí tìm cách tự làm đau thân thể của mình như châm điếu thuốc lá cháy vào tay, rạch tay, tự tử.
“Quyền của các em chỉ tồn tại trên lý thuyết” - bà Nam chua xót nói.
Theo ông Lê Quang Bình - viện trưởng iSee, người đồng tính, song tính và chuyển giới thường nhận ra giới tính của mình ở tuổi dậy thì.
“Thông thường đây là lứa tuổi rất phức tạp về tâm sinh lý, cộng với sự bối rối về giới tính của mình, các em thường rơi vào khủng hoảng. Việc gia đình ruồng bỏ và không thừa nhận bản dạng giới tính của các em đã đẩy các em ra hè phố, công viên” - ông Bình nói.
Theo ông Risa - đại sứ Na Uy tại VN, nhà tài trợ dự án nghiên cứu, việc bảo vệ quyền lợi của trẻ em lang thang đồng tính, song tính và chuyển giới cần được nhìn nhận ở khía cạnh bảo vệ quyền con người.
“Việt Nam là nước đầu tiên ở châu Á và là nước thứ hai trên thế giới phê chuẩn công ước quốc tế về quyền trẻ em, nhưng làm thế nào để bảo vệ quyền lợi của những nhóm trẻ em dễ bị tổn thương nhất, đó là câu hỏi quan trọng cần giải quyết” - ông Risa nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận