Hiện nay nắng nóng tại Hà Nội vẫn chưa có dấu hiệu giảm nhiệt. Nhiều sinh viên đang tìm mọi cách để vượt qua mùa hè mà vẫn kiểm soát được hóa đơn tiền điện.
Muôn vàn cách sống chung với nắng nóng
Bạn Mai Tuấn Kiệt (19 tuổi) - trọ Cổ Nhuế, Bắc Từ Liêm, Hà Nội - bày tỏ: "Mình rất vất vả khi chi trả hóa đơn tiền điện. Hiện chỗ mình thu 3.800 đồng/số. Năm ngoái, mỗi tháng hết gần 200 số điện, tầm 600.000 - 800.000 đồng/tháng vì dùng điều hòa, tủ lạnh hoạt động hết công suất".
Kiệt chia sẻ thường cùng bạn học đến các cửa hàng tiện lợi, thư viện trường để học thay vì ở nhà để tránh tiêu thụ nhiều điện. Nam sinh viên này tính toán với 15.000 - 20.000 đồng/cốc cà phê, mọi người có thể ngồi được vài tiếng đồng hồ để làm xong công việc.
"Nếu ngồi lâu, một người trong nhóm sẽ chủ động gọi thêm đồ uống tại quán nhưng tính ra vẫn rẻ hơn nếu dùng điện ở nhà", Kiệt chia sẻ.
Tuy nhiên, không phải lúc nào Kiệt cũng tìm được chỗ ngồi ưng ý vì nhiều người khác cũng có suy nghĩ tương tự.
Phải đi thuê trọ với mức 4.000 đồng/số điện, bạn Phạm Thị Quỳnh Như - 21 tuổi, trọ ở Bắc Từ Liêm, Hà Nội - tâm sự chi tiêu sinh hoạt phí phải chi li hơn, từ ngay chính bữa ăn. Ví dụ, Như sẽ nấu cơm tại nhà nhiều hơn thay vì chọn đi ăn tiệm, nhà hàng.
"Khi ở phòng trọ, mình hiếm khi bật điều hòa khi trời chưa quá nóng. Gần đây mình đăng ký tăng ca làm thêm để tiết kiệm điện cũng như có thêm thu nhập", Như nói.
Theo ghi nhận của Tuổi Trẻ Online, để tiết kiệm điện trong những ngày nắng nóng, nhiều sinh viên tìm đến các nơi có điều hòa như thư viện, siêu thị, cửa hàng tiện lợi, quán cà phê...
Tiêu chí được bạn trẻ lựa chọn là có điều hòa, giá sử dụng dịch vụ rẻ, có thể ngồi làm việc lâu. Nếu phải về nhà, một số sinh viên còn đặt ra quy tắc tắt - bật thiết bị điện tử trong giờ cao điểm.
Bạn Nguyễn Thị Ngọc Sáng - (20 tuổi), trú Nam Từ Liêm, Hà Nội - cho hay cả nhà trọ chỉ bật điều hòa trong 3-4 tiếng rồi tắt đi. Trong giờ cao điểm như trưa hoặc chiều tối, nếu chưa nắng gắt, ngộp thở, các bạn sẽ tận dụng nguồn sáng, nguồn gió tự nhiên.
"Tôi đã áp dụng những cách đó triệt để, tiền điện giảm gần 200.000 đồng", Sáng quả quyết.
Tiền điện tăng, chủ trọ "bình chân như vại"
Tại Hà Nội, Tuổi Trẻ Online ghi nhận nhiều nhà trọ tính giá bán lẻ tiền điện cho sinh viên cao hơn quy định của ngành điện. Dù mỗi nhà trọ có một giá riêng nhưng trung bình khoảng 4.000 đồng/số.
"Khi chúng mình thắc mắc giá điện cao hơn quy định, các chủ trọ đều trả lời đó là tiền bù lỗ chênh lệch giữa đồng hồ chính và các đồng hồ phụ" - Nguyễn Thị Yên (22 tuổi), trú Bắc Từ Liêm, tâm sự.
Người đi thuê trọ lo lắng, bất an là vậy, song đối với một số chủ nhà cho thuê phòng, họ lại "bình chân như vại". Vốn dĩ ngay từ đầu, khoản thu của họ đã cao hơn so với giá điện theo quy định, kể cả khi tăng 3%.
Chị Hiền - chủ một nhà trọ tại Bắc Từ Liêm - chia sẻ: "Khi giá điện tăng, tôi không thấy bị ảnh hưởng nhiều vì số tiền đang thu đã gần bằng với số tiền tăng lên gần đây.
Nhà tôi là 4.000 đồng/số. Hầu hết người cho thuê ở khu vực này đều lấy giá đó cả. Khi tôi báo giá, người thuê cũng đồng thuận, ký giấy tờ đàng hoàng".
Một chủ trọ khác đề nghị không nêu tên cho hay rất ít sinh viên tìm hiểu quy định giá điện nên cứ hét 4.000 đồng/số. Nếu người thuê không chấp nhận, chủ phòng trọ sẽ lấy cớ đó là giá chung khi cho thuê. Nhiều người trẻ vì ngại tìm chỗ ở mới, ngại đi xa nên chấp nhận những giá điện phi lý trên.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận