10/09/2013 06:03 GMT+7

Tránh họp phụ huynh kiểu hình thức

TRỊNH MINH GIANG (TP.HCM)
TRỊNH MINH GIANG (TP.HCM)

TT - Bắt đầu năm học, bao giờ cũng có họp phụ huynh học sinh. Về lý thuyết, họp phụ huynh là để nhà trường thông báo chương trình học tập, lưu ý với phụ huynh về chương trình học, động viên phụ huynh chuẩn bị để trẻ có thể học tập tốt, giải đáp những thắc mắc của gia đình về việc học của trẻ; phụ huynh lưu ý với giáo viên về những đặc điểm của trẻ, phụ huynh trao đổi nhau về cách hợp tác với nhà trường trong việc giáo dục trẻ...

Bên cạnh đó, sau buổi họp, phụ huynh và giáo viên chủ nhiệm có thể trao đổi thêm một số thông tin về bản thân giáo viên, bản thân trẻ để đôi bên có thể hợp tác hiệu quả hơn.

Cũng là một phụ huynh có con đang học tiểu học, tôi mong các cuộc họp đầu năm có được những nội dung đó. Tuy nhiên, trên thực tế, do học sinh chưa học được bao nhiêu nên các cuộc họp đầu năm thường sa vào việc bàn về những khoản đóng góp. Từ năm học 2012 - 2013, ở TP.HCM, Sở Giáo dục - đào tạo yêu cầu các trường tuyệt đối không được vận động phụ huynh đóng góp ngoài các khoản thu theo quy định, nhưng việc chấp hành ở các nơi không giống nhau.

Thậm chí, thông qua ban đại diện phụ huynh học sinh, nhà trường vẫn có những khoản thu ngoài quy định mang tính hỗ trợ, dưới danh nghĩa tự nguyện và về hình thức thì nhà trường “vô can”, bởi chỉ do ban đại diện phụ huynh vận động trong các cuộc họp phụ huynh. Do đó, các cuộc họp phụ huynh gần như không còn nhiều ý nghĩa thắt chặt mối quan hệ giữa gia đình và nhà trường (thậm chí phụ huynh không cần dự họp, miễn sao đóng đầy đủ các khoản vận động là được!).

Nếu cuộc họp phụ huynh chưa đạt được kết quả như mong muốn thì các biện pháp còn lại đã được triển khai thế nào? Khi xem thêm sổ liên lạc, mọi người rất dễ nhận thấy sự trao đổi thông tin giữa hai phía còn hạn chế. Trong sổ thường chỉ có điểm số các môn học, vài nhận xét ít ỏi, đại loại “môn x còn hạn chế, cần nỗ lực hơn”, “trong giờ học còn thụ động, cần tích cực phát biểu hơn”.

Phía gia đình sau khi đọc xong cũng thường chỉ ký tên để chứng tỏ là có đọc chứ cũng không góp ý nhiều. Coi như giữa đôi bên chỉ dừng lại việc có ghi/xem sổ liên lạc. Với sổ liên lạc điện tử cũng vậy, dù có nhiều khoảng trống để ghi ý kiến nhưng ít có giáo viên hay phụ huynh nào dành nhiều thời gian viết cho đầy đủ thông tin. Trong quá trình dạy học, chỉ khi trẻ có vấn đề gì nổi bật thì giáo viên mới cho phụ huynh biết một số (chỉ những nét cơ bản) đặc điểm của trẻ. Như vậy, đang có một khoảng trống trong sự quan tâm giữa nhà trường và gia đình đối với trẻ. Khoảng trống đó có thể phát sinh những vấn đề bất ngờ, khó lường trước và thường là không tích cực...

Do đó, cần thắt chặt quan hệ giữa nhà trường với gia đình, cụ thể là giữa giáo viên chủ nhiệm với phụ huynh. Bên cạnh trao đổi thông tin trực tiếp thì trao đổi thông tin qua các cuộc họp phụ huynh rất cần thiết. Phải tránh tâm lý đi họp phụ huynh là để đóng tiền trong các bậc cha mẹ, cũng tránh tâm lý họp phụ huynh cho có của giáo viên chủ nhiệm.

TRỊNH MINH GIANG (TP.HCM)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên