23/06/2020 17:38 GMT+7

Tranh cãi về lý do buổi vận động của ông Trump ít người

BẢO DUY
BẢO DUY

TTO - Buổi vận động tranh cử của ông Trump ở thành phố Tulsa gây chú ý vì số người đến ít gấp trăm lần số dự kiến. Thông tin ban đầu nói các fan K-pop hay người dùng TikTok phá rối bằng cách đăng ký ảo. Sự thật ra sao?

Tranh cãi về lý do buổi vận động của ông Trump ít người - Ảnh 1.

Ông Trump trở về Nhà Trắng với dáng vẻ mệt mỏi và chán chường sau cuộc vận động tranh cử ở Tulsa - Ảnh: AFP

Tờ báo đưa ra nhận định "ít người dự vì người ta đã chán nghe ông Trump" là Washington Post, một trong nhiều tờ vốn dĩ không ưa Tổng thống Donald Trump.

Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng fan K-pop và TikTok - vốn gồm phần lớn là những người trẻ tuổi - đủ sức khiến ông Trump thất vọng và họ đang nổi lên như một lực lượng chính trị không thể bỏ qua.

Hôm 11-6, không lâu sau khi chiến dịch tranh cử của ông Trump thông báo về sự kiện ở Tulsa, bang Oklahoma, các fan K-pop bắt đầu lan truyền thông tin trên mạng xã hội. Họ kêu gọi mọi người giả vờ quan tâm tới sự kiện, đăng ký sẽ tham dự nhưng không xuất hiện.

Một ngày sau đó, một nữ TikToker (người xài TikTok, một ứng dụng chia sẻ video) đã đăng một đoạn clip lên trang cá nhân, kêu gọi mọi người "bỏ trống sân vận động 19.000 chỗ và hãy để cho lão ta đứng một mình trên sân khấu", ám chỉ ông Trump.

Hiện đoạn clip này đã nhận được hơn 2 triệu lượt xem. Các TikToker khác nhanh chóng nhập cuộc và truyền đi lời kêu gọi tẩy chay.

Tranh cãi về lý do buổi vận động của ông Trump ít người - Ảnh 2.

Nữ TikToker tên Aleysha Johnson kêu gọi mọi người "troll" ông Trump và điền vào chỗ đăng ký họ tên bằng những từ ngữ không hay ho - Ảnh: REUTERS

Với "sự hưởng ứng" đó, chỉ sau 4 ngày mở đăng ký, theo ông Brad Parscale - giám đốc chiến dịch tranh cử của ông Trump, đã có hơn 1 triệu người đặt vé tham dự sự kiện ở Tulsa. Các quan chức khác và kể cả ông Trump vô cùng hào hứng trước con số nhưng nhanh chóng thất vọng khi đến nơi.

Chỉ có khoảng 6.200 người xuất hiện, ít đến nỗi phải bỏ trống các khán đài tầng trên của sân vận động 19.000 chỗ ở Tulsa tối 19-6. Đó là còn chưa kể việc 6 nhân viên trong chiến dịch tranh cử của ông Trump được xác nhận dương tính với virus corona ngay trước khi ông lên sân khấu.

Vài tiếng sau đó, rạng sáng 20-6, người ta thấy một Tổng thống Trump thất thểu bước xuống trực thăng và gượng cười, vẫy tay chào. Chiếc cà vạt màu đỏ ưa thích đã bị ông tháo ra và treo vắt vẻo trên cổ.

Báo New York Times và Đài CNN - cũng là 2 đơn vị truyền thông lớn bị ông Trump đả kích nhiều lần - liền tung hô "chiến công" của fan K-pop và TikToker, nhấn mạnh đây là câu trả lời của giới trẻ trước cách xử lý dịch COVID-19 của chính quyền và nạn bất bình đẳng chủng tộc.

Hạ nghị sĩ Alexandria Ocasio-Cortez của bang New York thì cảm ơn thế hệ Z (những người sinh từ năm 1997 về sau) vì đã dám lên tiếng "trong cuộc chiến vì công lý".

Tranh cãi về lý do buổi vận động của ông Trump ít người - Ảnh 3.

Tối 19-6, nhiều khán đài tại sân vận động Tulsa chỉ có lèo tèo vài người ủng hộ ông Trump - Ảnh: REUTERS

Chiến dịch tranh cử của ông Trump sau đó vội lên tiếng khẳng định không có chuyện bị những người trẻ dắt mũi và đổ lỗi cho các tờ báo đưa tin đã không liên lạc với họ để nghe câu chuyện từ hai phía.

"Khi đăng ký sự kiện, bạn phải cung cấp thêm số điện thoại. Chúng tôi vẫn thường xuyên xóa những đăng ký xài số điện thoại giả như hàng chục ngàn trường hợp đã bị loại trừ ở Tulsa để ước tính số người tham gia", tuyên bố viết rõ, đồng thời nhấn mạnh chuyện này chẳng có gì đáng để tâm.

Nhưng các fan K-pop và TikTok có đủ sức chọc ghẹo ông Trump? Theo báo South China Morning Post của Hong Kong, chuyện này là hoàn toàn có thể, đặc biệt là với "binh đoàn BTS" - những fan của ban nhạc Hàn Quốc BTS ở Mỹ.

Số thành viên này lên tới hàng chục triệu và phần đông đều đủ tuổi đi bỏ phiếu. Ông Michael Hurt - một nhà nghiên cứu về các hành vi trên mạng - nhận định BTS có ảnh hưởng lớn đến người hâm mộ ở Mỹ và đang khiến họ trở thành một lực lượng chính trị.

Chẳng hạn, gần đây BTS cùng công ty quản lý đã quyên góp 1 triệu USD cho phong trào biểu tình đòi công lý cho người da màu ở Mỹ. Trước đó, bài phát biểu của ban nhạc này tại Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc đã tác động mạnh tới người trẻ tại nhiều nước.

"Những người trẻ đang cho thấy tiếng nói của mình theo một cách mới, khác biệt nhưng thu hút được đám đông. Họ đang làm điều chưa từng có tiền lệ", Tim Fullerton, một cựu quan chức Mỹ, nhận xét với báo Washington Post.

Trước buổi vận động tranh cử ở Tulsa, các fan K-pop tại Mỹ đã có màn "tổng duyệt" và thể hiện quan điểm.

Khi cuộc biểu tình đòi công lý cho một người da màu lên tới đỉnh điểm, cảnh sát thành phố Dallas đã tung ra một ứng dụng để người dân trình báo các hành vi đáng ngờ.

Tuy nhiên, "binh đoàn BTS" nói riêng và fan K-pop nói chung đã thể hiện sự phản đối cảnh sát. Thay vì gởi các đoạn clip có hành vi đáng ngờ, những người này đã "dội" về trụ sở cảnh sát Dallas các video của thần tượng.

Ông Trump từng đề nghị chở ông Kim từ Hà Nội về Triều Tiên? Ông Trump từng đề nghị chở ông Kim từ Hà Nội về Triều Tiên?

TTO - "Trump đã đề nghị chở Kim về Triều Tiên và hủy lịch trình buổi tối. Nhưng Kim đã cười và từ chối, nói rằng không thể làm như vậy được", Cựu cố vấn an ninh quốc gia Mỹ John Bolton tiết lộ trong hồi ký xuất bản ngày 23-6.

BẢO DUY
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên