Ông Kiều Minh Hùng, một chủ ghe ở thị trấn Sông Đốc, trắng đêm canh tàu
1h sáng, chúng tôi theo chân một đoàn tuần tra ra xóm dân cư nằm thoi loi nơi cửa biển, thuộc tổ 12, khóm 1, thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời, Cà Mau.
Trên con đường chật hẹp nối từ UBND thị trấn ra đến đồn Biên phòng, ngày thường đông đúc nhưng đêm nay thẳng tắp, không một chướng ngại.
Thượng úy Phạm Hoàng Lũy, cảnh sát khu vực dẫn đầu đoàn tuần tra bão, cho biết không phải đến khi bão sắp vào công an mới cử lực lượng thường xuyên đến đây. Bởi trong số 32 hộ dân nằm phía cửa biển, còn 9 ngôi nhà nằm trên vùng đất bị sạt lở nghiêm trọng, có thể bị sóng biển cuốn trôi bất cứ lúc nào.
Các hộ dân này đã di dời đến nơi an toàn ngay khi có tin bão có thể vào.
Một xóm nhà tại thị trấn Sông Đốc vắng tanh
Hai dải nhà ven cửa biển Sông Đốc sáng trưng đèn canh bão
Lực lượng chức năng trắng đêm bảo vệ tài sản cho bà con
Gần đó, tuy nhà không ở trong khu vực sạt lở, nhưng ông Trương Văn Mừng (54 tuổi) nói ông lo lắng không ngủ được. Phải thức canh các bản tin dự báo coi bao giờ "bão tới nhà mình".
"Không chỉ tôi thức mà nhiều nhà quanh đây cũng thức. Hễ ai nghe bản tin thời tiết có gì mới là gọi náo. Ngoài biển có động tĩnh gì cũng gọi báo cho nhau" - ông Mừng nói.
Ông Mừng mới về Sông Đốc ở nhưng đã làm nghề chạy đò gần 20 năm. Ông nói tuy không chứng kiến những cảnh mất mát của cơn bão Linda năm 1997, nhưng những "bận" giông lốc qua thị trấn cũng gây không ít thiệt hại, đủ nhắc người dân nơi đây phải cảnh giác với bão dữ.
Hôm trước nghe có bão, ông Mừng đưa vợ con về quê lánh. "Cả ngàn con người ta cũng bỏ nhà cửa đi lánh bão, nhà mình xá gì. Tôi không đợi bão vào mới ân hận. Tôi đưa vợ con đi trước, còn mình thức canh bão, liệu tình hình có gì thì báo cho bà con để biết để tránh" - ông Mừng chia sẻ.
Vợ con di tản hết, ông Mừng ở một mình canh nhà
Tại thị trấn Sông Đốc, chính quyền địa phương đã di dời hàng ngàn người đến doanh trại quân đội, trụ sở cơ quan, chùa chiền và một số nhà dân kiên cố.
Ngoài ra, lực lượng chức năng đã chia ra các tổ trực để kịp thời ứng phó, giúp dân khi có sự cố, bảo vệ tài sản của dân tránh kẻ gian tranh thủ cơ hội hôi của.
Một cuộc điều động quy mô hàng ngàn tàu cá, hàng ngàn hộ dân đã được thực hiện suôn sẻ ở thị trấn cửa biển được mô tả "viễn tây" của ngư trường. Người dân tản cư tránh bão đã có một đêm yên giấc.
Theo tin báo của chính quyền Sông Đốc, không có sự cố đáng tiếc nào xảy ra.
Trung tá Lê Văn Dữ - trưởng công an thị trấn Sông Đốc - cho hay một tin vui: "Đêm qua, một sản phụ ở khu vực "xóm đảo" (khóm 6B, thị trấn Sông Đốc) đã nhờ ca nô của đồn Biên Phòng 692 đưa đi bệnh viện sanh nở. Một đoàn viên nói vui 'nếu nó là con trai thì nên đặt nó tên Bão'".
Công an thị trấn Sông Đốc thăm hỏi tình hình người dân
Kiểm tra một điểm sạt lở trong đêm đón bão
Lực lượng chức năng kiểm tra một đoạn sạt lở cạnh nhà dân ở Sông Đốc
Sạt lở tấn công nhà dân
Cửa biển Sông Đốc. Quá nửa khuya. Cơn gió lạnh vuốt qua mang theo từng giọt mưa mà tự nó không đủ thấm ướt thân người cứ nhẹ nhàng đẫm lên người đàn ông bó vào đội bàn tay, trên chiếc vỏ lãi chông chênh nơi bến cảng.
Mùa con nước ghe tàu vào bờ đều trở nên chật chội, bởi hàng ngàn chiếc đậu chen chúc nhau nối dài từ vàm sông đến Rạch Ruộng, Trùm Thuật… Thế nhưng trong đợt kêu gọi tàu vào tránh bão Tembin, đoạn sông chứa gần 1.500 tàu cá vẫn thông thoáng khác thường.
Ngư dân Lê Tân Cui nói nhiều chủ tàu không cần chính quyền nhắc nhở, chủ động đưa tàu của mình vào xa phía cửa sông, neo đậu xếp hàng trật tự. Từ những ám ảnh của bão dữ, nề nếp trên sông đã được thiết lập.
Tờ mờ sáng, nhiều người dân vỡ òa nhận tin vui bão không vào. Vậy là họ được trở về nhà, trở về với cuộc sống ngày thường, thoát qua những ám ảnh của bão dữ. Những người thức trắng đêm canh bão, họ cũng có một đêm không vô nghĩa.
Bão không vào, nhưng những chuẩn bị ứng phó với bão đã không hề vô nghĩa.
Tàu thuyền neo đậu an toàn trong đêm đón bão
Các bà mẹ và con nhỏ trong giấc ngủ yên ở nơi trú bão
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận