Từng dòng người ở xã Tân Tiến, huyện Đầm Dơi gói ghém đồ đạc, đưa con cháu quay về nhà - Ảnh: HẠNH NGUYỄN
Tại trụ sở UBND xã Tân Tiến, huyện Đầm Dơi, Cà Mau, hàng trăm người dân di tản tránh bão mấy ngày qua đã thở phào nhẹ nhõm, bắt đầu gói ghém đồ đạc trở về nhà. Trẻ em được cho ăn bữa sáng cuối cùng ở nơi tránh bão để sau đó về nhà tiếp tục công việc mưu sinh bám biển.
Cuộc sống người dân trong vùng bắt đầu trở lại như ngày thường.
"Ở đây nhà dân toàn dựng bằng cây và mái tôn, nghe bão vô ai cũng lo vì gần tết mà mất nhà cửa thì cực lắm. Sáng nay, thức dậy thấy trời quang mây tạnh tôi rất mừng, nếu không thì hàng trăm ngôi nhà của bà con đã bị đánh sập" - ông Nguyễn Văn Tân, ngụ xã Tân Tiến, hớn hở nói.
Hiện Ban chỉ huy phòng chống lụt bão, thiên tai tỉnh Cà Mau bắt đầu có lệnh cho người dân quay trở về nơi cư ngụ để dọn dẹp nhà cửa sau những cơn mưa lớn do bị ảnh hưởng bão đêm qua.
Trước đó, để ứng phó với cơn bão Tembin, UBND huyện Đầm Dơi vận động, kêu gọi gần 300 tàu đánh cá của người dân địa phương vào bờ an toàn. Đồng thời di dời 11.000 người dân đến các trụ sở ấp, xã trú ngụ, chèn và gia cố trên 8.500 căn nhà.
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Hồ Trung Việt - trưởng Ban tuyên giáo Tỉnh ủy Cà Mau, thành viên Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão thiên tai tỉnh Cà Mau - cũng vui mừng khi bão Tembin không đổ bộ địa bàn như dự báo.
Ông Việt cho biết thêm thời tiết trên toàn địa bàn cơ bản yên ắng, các địa phương ven biển cũng được lệnh để người dân quay về nhà sớm trở lại cuộc sống bình thường.
Đến sáng nay trên địa bàn chưa ghi nhận trường hợp nào mất mát tài sản cũng như người.
Người dân tay xách nách mang quay về nhà - Ảnh: HẠNH NGUYỄN
Người dân xã Tân Tiến, huyện Đầm Dơi quay về nhà bằng xuồng - Ảnh: HẠNH NGUYỄN
Bão tan, sáng 26-12 đã có một đám cưới đưa rước dâu bằng xuồng ở huyện Đầm Dơi, Cà Mau - Ảnh: HẠNH NGUYỄN
Từ sáng sớm người dân Bạc Liêu đã bắt đầu trở về nhà. Ai cũng vui vẻ, thở phào vì bão không quét qua.
Theo kế hoạch, bắt đầu từ 10h sẽ có xe đưa người dân trở về nhà. Một số người có phương tiện và nhà gần đã chủ động về nhà.
Trong khuôn viên Trường đại học Bạc Liêu, bà Lý Thị Ten (67 tuổi, ở phường Nhà Mát, TP Bạc Liêu) di tản từ sáng sớm hôm qua cười móm mém cho biết cả đêm bà lo lắng ngủ không được. Đến sáng nay mới trút được gánh nặng và vui vẻ trở lại.
"Mấy chú kêu đi là tui đi liền. Tánh mạng vẫn quan trọng hơn. Bão không vô là mừng quýnh hết trơn" - bà Ten nói.
Gia đình 12 người của chị Thạch Thị Thi (xã Vĩnh Trạch Đông, TP Bạc Liêu) cũng khăn gói đến điểm an toàn từ hôm qua. Do có đến 3 bé nhỏ nên đồ đạc khá lỉnh kỉnh.
"Nhà gần nên lát người nhà tui tự về luôn. Để xe cho mấy cụ, cô bác ở xa về" - chị Thi chia sẻ.
Sáng sớm, một số sinh viên Trường đại học Bạc Liêu đã hùn tiền mua một ít sữa tặng cho các em nhỏ và người già. Đồng thời phân công nhau tổ chức giúp người dân quét dọn, thu gom rác.
Trong lúc chờ xe đưa về nhà, nhiều trẻ em vui vẻ nô đùa cùng nhau - Ảnh: NGỌC TÀI
Gia đình chị Thạch Thị Thi chuẩn bị về nhà với tâm trạng vui vẻ - Ảnh: NGỌC TÀI
Có phương tiện sẵn người dân về nhà sớm với nụ cười tươi rói - Ảnh: NGỌC TÀI
Sinh viên Trường đại học Bạc Liêu hùn tiền mua sữa làm quà cho trẻ em và người già - Ảnh: NGỌC TÀI
Sinh viên Trường đại học Bạc Liêu quét dọn khuôn viên trường sau những ngày đón dân trú bão - Ảnh: NGỌC TÀI
Tại Tiền Giang, từ sáng sớm, hàng ngàn người dân di tản tránh trú bão ở huyện Tân Phú Đông, Gò Công Đông, Gò Công Tây và thị xã Gò Công cũng đã bắt đầu về nhà. Không khí sốt sắng hiện rõ trên nhiều khuôn mặt.
Theo Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Tiền Giang, toàn tỉnh đã di tản khoảng 36.000 dân, trong đó dân tự di tản hơn 20.000 người, ngành chức năng hỗ trợ di tản hơn 11.000 người.
Người dân trú bão tại Trường tiểu học huyện Tân Phú Đông, Tiền Giang lũ lượt ra về - Ảnh: HOÀI THƯƠNG
Người dân đi trú bão tại huyện Gò Công Tây, Tiền Giang được ăn sáng ở nơi tránh trú trước khi về nhà - Ảnh: HOÀI THƯƠNG
Đến trưa 26-12, toàn bộ người dân thị trấn ven biển Gành Hào (huyện Đông Hải, Bạc Liêu) đã được các lực lượng chức năng huyện đưa về nhà sau một ngày đêm tránh bão tại các điểm trường thị xã Giá Rai.
Một lãnh đạo Ban chỉ huy Tìm kiếm cứu nạn và phòng chống thiên tai huyện Đông Hải cho biết huyện đã huy động hơn 40 phương tiện đưa đón người dân trở về.
Hay tin được về nhà, ai cũng vui mừng. Những người không chờ đợi được xe buýt do huyện bố trí đã chủ động đi xe ôm mong sớm về nhà, bắt đầu lại cuộc sống sau thời gian "nín thở" với bão.
Theo UBND tỉnh Bạc Liêu, tỉnh đã di dời khoảng 125.000 người vào nơi tránh trú an toàn.
Bà Lê Thị Huệ, một người dân thị trấn Gành Hào trú bão tại điểm Trường tiểu học Giá Rai B, hớn hở chờ xe buýt đưa về nhà. Bà Huệ cho biết gia đình bà có 4 người, trong đó có em bé 2 tuổi đến trú bão, dù cực nhưng được đưa đón và ăn uống miễn phí nên rất vui. Chỉ mong sớm về nhà lo cho 7 con heo bị bỏ đói qua nay - Ảnh: CHÍ QUỐC
Nhiều người không đợi xe đón miễn phí, tự thuê xe ôm với mong muốn sớm về đến nhà - Ảnh: CHÍ QUỐC
Người dân Gành Hào lên xe buýt được chính quyền bố trí về nhà sau thời gian tránh trú bão - Ảnh: CHÍ QUỐC
Người dân càng vui hơn khi về đến thị trấn Gành Hào, người già, trẻ em và những ai khó khăn lại được lực lượng quân sự, công an của huyện chở đến tận nhà. Ai cũng vui khi được chính quyền "phục vụ" rất chu đáo - Ảnh: CHÍ QUỐC
Trưa 26-12, sau khi trở về đến nhà, anh Trương Văn Công (thị trấn Gành Hào) vá lại tấm lưới để chuẩn bị ra khơi khi biển yên gió lặng - Ảnh: CHÍ QUỐC
Cảm ơn bà con "rất hợp tác, tuân thủ lệnh sơ tán"
Ông Lâm Văn Mẫn - phó bí thư Tỉnh ủy, chủ tịch HĐND tỉnh Sóc Trăng - cho biết từ 6h sáng, tỉnh đã thống nhất cho người dân tại các điểm sơ tán được phép về nhà và yêu cầu các địa phương tổ chức nấu bữa sáng, tàu xe đưa bà con trở về.
Cũng theo ông Mẫn, bão không vào đất liền là một may mắn không chỉ cho Sóc Trăng nói riêng mà cả các tỉnh miền Tây nói chung.
"Tâm lý bà con rất chủ quan, mình lại chưa có kinh nghiệm đối phó với bão. Nhà cửa, công trình hạ tầng chưa kiên cố… nên một khi bão vào, thiệt hại rất lớn. Chúng tôi cám ơn bà con rất hợp tác, tuân thủ lệnh sơ tán của chính quyền" - ông Mẫn chia sẻ.
Để chủ động ứng phó bão 16, Sóc Trăng đã sơ tán gần 139.000 dân sống ven biển, ven sông đến các điểm trường, chùa và trụ sở làm việc của xã.
KHẮC TÂM
Người dân bồng bế trở về nhà sau những ngày trú bão tại xã đảo Thạnh An, Cần Giờ, TP.HCM - Ảnh: QUANG KHẢI
Sáng 26-12, Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện Cần Giờ, TP.HCM đã cho người dân di tản tại các điểm tránh trú bão về nhà.
Do gần nhà nên nhiều người dân đã tự túc trở về, trường hợp người già yếu được các lực lượng hỗ trợ, chở bằng xe máy.
Nhịp sống trên xã đảo duy nhất tại TP.HCM dần trở lại bình thường. Tuy nhiên đến 9h30, lệnh cấm tàu thuyền hoạt động, không được ra khơi vẫn được duy trì.
Lực lượng chức năng hỗ trợ, đưa người già yếu về nhà - Ảnh: QUANG KHẢI
Trước đó, để đối phó với bão Tembin, huyện Cần Giờ đã di dời khoảng 5.000 dân sống tại xả đảo Thạnh An và các khu vực ven cửa sông, cửa biển.
QUANG KHẢI
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận