Một ngày lặn mò vẹm đất trên đầm Thủy Triêu thường bắt đầu từ 17h tối đến 4h sáng hôm sau - Ảnh: ĐÌNH CƯƠNG
Cách TP Nha Trang hơn 30km về phía nam, đầm Thủy Triều dài như một tấm lụa mềm bao bọc phần lớn phía tây bán đảo Cam Ranh.
Đầm có diện tích rộng đến 12.000ha, có sò huyết ngon nổi tiếng, là một trong 6 đặc sản nức tiếng vùng biển Nha Trang - Khánh Hòa, được dân gian ghi lại: "Yến sào hòn Nội, vịt lội Ninh Hòa, tôm hùm Bình Ba, nai khô Diên Khánh, cá tràu Võ Cạnh, sò huyết Thủy Triều".
Người dân quanh đầm bao đời nay sống với nghề nuôi trồng và đánh bắt thủy sản nước lợ. Gần đây phát sinh thêm nghề mới: lặn bắt vẹm đất làm thức ăn cho tôm.
Anh Nguyễn Trung Quốc (30 tuổi, xã Cam Tân, huyện Cam Lâm) cho biết trước đây vẹm ở đầm rất nhiều. Chúng bám đầy cả lên ven bờ đầm nhưng không ai bắt vì giá trị kinh tế không cao. Khoảng 1 năm trở lại đây, một số người nuôi tôm hùm, tôm càng xanh đặt mua vẹm về làm thức ăn cho tôm khiến nghề mới này rộ lên.
Theo anh Quốc, những lúc cao điểm có hàng trăm người cùng đổ về đầm Thủy Triều ngụp lặn mò vẹm. Hiện tại mỗi xã quanh đầm có 5-6 điểm thu mua vẹm. Mỗi điểm một ngày có lúc thu mua đến 4-5 tấn vẹm bán cho các chủ nuôi tôm.
Khi nước bắt đầu rút quá rốn, vợ chồng ông Nguyễn Văn Ne kéo nhau xuống đầm bắt đầu một đêm làm việc của mình - Ảnh: ĐÌNH CƯƠNG
Để mò được vẹm đất, cần phải chờ cho con nước xuống. Những tháng này, người dân thường mò vào ban đêm do nước trên đầm theo thủy triều rút vào thời gian từ chập tối hôm trước đến sáng hôm sau.
Vẹm đất thường kết thành tảng bám ở mặt bùn. Người mò dùng rổ, rá hoặc vợt lưới bắt vào rồi lọc bùn, đất, cát và các chất cặn bã. Sau khoảng 9 tiếng ngụp lặn, trời gần sáng thì dân mò vẹm bắt đầu trở về bán vẹm cho thương lái.
Chị Chín, một thương lái từ tỉnh Đồng Tháp vào thu mua vẹm, cho biết vẹm thu mua được đều được đưa vào TP Cam Ranh để bán cho các hộ nuôi tôm lồng bè.
"Hiện nay, nhu cầu thức ăn tươi cho tôm hùm rất lớn, có bao nhiêu cũng tiêu thụ hết. Không riêng Cam Hòa, Cam Hải Tây mà các xã khác như Cam Hải Đông, Cam Thành Bắc… cũng có nhiều người đi khai thác các loại thủy sản này làm thức ăn cho tôm hùm", chị Chín cho hay.
Cùng đi với vợ chồng ông Ne còn có 7 người khác mang theo thùng xốp để đựng vẹm, cũng như đồ ăn thức uống để mò xuyên đêm - Ảnh: ĐÌNH CƯƠNG
Đa số dân mò vẹm đều cho rằng đây là nghề cực khổ. Ngụp lặn thâu thêm làm chân tay người mò lở loét. Thêm việc ngấm nước lợ cũng làm nhiều người mau xuống sức.
Cực khổ là vậy nhưng người mò vẹm có niềm vui sau một đêm miệt mài ngụp lặn. Mỗi đêm một người có thể mò được 150-300kg vẹm. Giá mỗi kí vẹm là 3.000 đồng, trung bình cho thu nhập 450.000-1,5 triệu đồng.
"Nhờ nghề này, thay vì phải vào Sài Gòn làm thuê, phụ hồ tui ở lại nhà cũng kiếm được tiền nuôi gia đình", anh Nguyễn Văn Ne, một người bắt vẹm đất, chia sẻ.
Ông Ne cho biết: "Khu vực mò vẹm giờ đã cách bờ 3km. Mấy tháng trước chỉ cần mò ven bờ nhưng ngày càng có nhiều người mò nên giờ cả đoàn phải đi ra xa hơn" - Ảnh: ĐÌNH CƯƠNG
Hải, thành viên trẻ nhất trong đoàn, mang theo nước và đồ ăn tiếp sức buổi đêm - Ảnh: ĐÌNH CƯƠNG
Vì vỏ vẹm rất sắc nên dân mò phải mang găng tay dày để tránh rách tay - Ảnh: ĐÌNH CƯƠNG
Hai chị em Hải (phải) và Điền được ba bao vẹm nhờ mò chung một bãi. Hải mò còn Điền dùng rổ lọc đất, cát - Ảnh: ĐÌNH CƯƠNG
Vợ ông Ne là bà Lê Thị Kiều Nương thì đỡ chồng viêc rửa vẹm - Ảnh: ĐÌNH CƯƠNG
Vẹm thường bám thành chùm, trôi trên mặt cát. Để bắt được nhiều vẹm cần phải rửa vẹm sao cho sạch nhưng vẫn đủ nhanh - Ảnh: ĐÌNH CƯƠNG
Vẹm đất loại nhỏ như thế này được thương lái mua 3.000 đồng/kg, còn loại to là 5.000 đồng/kg. Vẹm loại lớn có thể ăn được nhưng thịt ít nên không có nhiều người sử dụng vẹm làm thực phẩm - Ảnh: ĐÌNH CƯƠNG
Sau 9 tiếng ngụp lặn, rạng sáng cả đoàn bắt đầu kéo nhau về, chuyển vẹm về bán cho thương lái trước khi nước rút xuống quá thấp. Vẹm từ thùng xốp được chuyển sang bè phao để vận chuyển nhẹ nhàng hơn - Ảnh: ĐÌNH CƯƠNG
Một đêm một người có thể mò được từ 2-3 tạ vẹm. Thu nhập trung bình 450.000-1,5 triệu đồng - Ảnh: ĐÌNH CƯƠNG
Đầm Thủy Triều rất trù phú về nguồn thủy hải sản. Hiện đầm đang là sinh kế cho rất nhiều người dân huyện Cam Lâm - Ảnh: ĐÌNH CƯƠNG
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận