11/02/2022 14:34 GMT+7

Trầm cảm và những hệ lụy khôn lường: Nhiều người hiểu sai về bệnh, thiếu hụt bác sĩ

DƯƠNG LIỄU - XUÂN MAI
DƯƠNG LIỄU - XUÂN MAI

TTO - Các chuyên gia đầu ngành về tâm lý, tâm thần cho biết bệnh trầm cảm có xu hướng tăng, tuy nhiên người dân vẫn còn hiểu chưa đúng, phiến diện về bệnh này. Trong khi đó các cơ sở y tế thiếu bác sĩ chuyên khoa tâm thần.

Trầm cảm và những hệ lụy khôn lường: Nhiều người hiểu sai về bệnh, thiếu hụt bác sĩ - Ảnh 1.

Bệnh nhân ngồi chờ khám tại Bệnh viện Tâm thần TP.HCM hồi giữa tháng 5-2021 - Ảnh: XUÂN MAI

Mới đây, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đã ký quyết định phê duyệt Kế hoạch quốc gia phòng, chống bệnh không lây nhiễm và rối loạn sức khỏe tâm thần giai đoạn 2022 - 2025.

Một trong những mục tiêu của kế hoạch này là củng cố mạng lưới các bệnh viện, viện và cơ sở đào tạo trong lĩnh vực sức khỏe tâm thần.

Đồng thời thực hiện các chương trình đào tạo chuyên sâu và tập huấn cho các bác sĩ đa khoa tuyến huyện, cán bộ y tế xã, người làm công tác hỗ trợ xã hội… nhằm đẩy mạnh các biện pháp phòng, phát hiện sớm và quản lý điều trị để hạn chế gia tăng tỉ lệ bệnh nhân rối loạn sức khỏe tâm thần.

Tôi cho rằng mọi loại bệnh đều có liên quan đến tâm lý nhưng đến nay tâm lý, tâm thần vẫn chưa được người dân chú ý hay chưa có quan niệm đầy đủ, hiểu sai lệch, mặc cảm về sức khỏe tâm thần. Do đó, người bệnh không dám đến các cơ sở y tế về tâm thần thăm khám, rồi kéo dài thời gian, khiến bệnh càng trầm trọng hơn".

PGS.TS Trần Văn Cường - chủ tịch Hội Tâm thần học Việt Nam

''Sát thủ" vô hình

Tháng 11-2021, chị N.T.A.T. (SN 1987) sống tại block B, chung cư Hoàng Anh Thanh Bình (quận 7, TP.HCM) tử vong sau khi rơi từ tầng 33 xuống giếng trời. Qua khám nghiệm hiện trường, lấy lời khai của nhân chứng, công an xác định chị T. có dấu hiệu trầm cảm.

Trước chị A.T., nữ luật sư N.T.M.T. (SN 1970, TP Thủ Đức, TP.HCM) được người nhà phát hiện bị trầm cảm và đã thuê người đến chăm sóc, tuy nhiên chỉ một phút lơ là, bà M.T. đã nhảy từ căn hộ tầng cao xuống dưới sảnh chung cư và tử vong tại chỗ...

Theo ghi nhận, những vụ tự tử nghi do trầm cảm xảy ra ngày càng nhiều ở nhiều độ tuổi, nhiều ngành nghề. GS.TS Vũ Gia Hiền - giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và ứng dụng văn hóa du lịch, nhận định nguyên nhân chủ yếu là do áp lực của đời sống kinh tế.

Theo ông Hiền, trước kia khi nền kinh tế chưa phát triển mạnh mẽ, mọi người làm việc bình thường, không có nhiều áp lực. Hiện nay khi nền kinh tế phát triển, con người phải nâng cao năng suất lao động, vào guồng máy làm việc khắt khe. Điều này khiến những người chưa chuẩn bị tâm lý bị khủng hoảng, áp lực lâu ngày dẫn đến trầm cảm.

"Tôi từng tư vấn cho một nữ công nhân làm việc tại khu công nghiệp. Ban đầu cô rất vui vẻ bởi từ quê lên thành phố có công việc ổn định, có thu nhập. Nhưng sau một thời gian, cô bị áp lực, nghĩ tới đi làm là tâm trạng nặng nề... Phải mất một thời gian nhờ chuyên gia tư vấn, gỡ rối, cô mới lấy lại cân bằng", ông Hiền nói.

Về những vụ tự tử hay sát hại người thân nghi do trầm cảm thời gian qua, ông Hiền đánh giá: "Đây là hiện tượng xã hội bộc phát trong một tình huống cụ thể và được truyền thông đưa tin. Trên thực tế có rất nhiều người rơi vào trầm cảm nhưng chưa được quan tâm, chỉ đến khi họ có những hành động như tự tử hay sát hại người thân, mọi người mới nhận ra sự nguy hiểm của căn bệnh này".

Trầm cảm và những hệ lụy khôn lường: Nhiều người hiểu sai về bệnh, thiếu hụt bác sĩ - Ảnh 4.

Bác sĩ Bệnh viện Tâm thần TP.HCM thăm khám một trường hợp gặp bất ổn về tâm lý, tâm thần - Ảnh: XUÂN MAI

Thiếu hụt bác sĩ tâm thần

PGS.TS Trần Văn Cường - chủ tịch Hội Tâm thần học Việt Nam - cho biết trầm cảm sau sinh nói riêng và trầm cảm nói chung đã ghi nhận từ lâu và thời gian gần đây có xu hướng tăng. Riêng với phụ nữ trầm cảm sau sinh, thường họ phải chịu đựng một mình nhưng không biết mình đang bị trầm cảm, hoặc biết nhưng chỉ nghĩ ở mức độ nhẹ. Khi họ muốn đi khám cũng không biết khám ở đâu, đi bệnh viện tâm thần thì sợ bị kỳ thị...

GS.TS Vũ Gia Hiền cũng cho rằng tình trạng trầm cảm tại Việt Nam đang đáng báo động. Đặc biệt trong 2 năm vừa qua, các ca trầm cảm tăng lên vì COVID-19. "Tuy nhiên, không phải hoàn toàn do dịch bệnh COVID-19 mà tình trạng này là cả một quá trình dài dồn nén", ông Hiền chia sẻ.

Chuyên gia tâm lý Trung Hòa - nguyên giảng viên khoa tâm lý Đại học Mỹ thuật, cũng nhìn nhận số người bị trầm cảm đang ngày càng gia tăng tại Việt Nam. Riêng ông gặp khá nhiều ca trầm cảm do hôn nhân trục trặc.

"Phổ biến nhất là vợ hoặc chồng ngoại tình khiến người còn lại rơi vào trầm cảm. Có người may mắn vượt qua được và cùng nhau hòa giải, cũng có người tự tử, sát hại người thân... Theo dõi báo đài có thể thấy những năm gần đây xảy ra nhiều vụ vợ giết chồng hay chồng giết vợ vì ngoại tình, đó không phải là hành động bộc phát mà là tình trạng tâm lý bất ổn kéo dài, không được tháo gỡ dẫn đến hành vi tiêu cực", ông Hòa chia sẻ.

Tuy nhiên hiện nay nhiều người dân chưa quan tâm đúng mức đến trầm cảm, cũng ít tìm đến bác sĩ hay chuyên gia tâm lý khi gặp vấn đề về tâm lý. "Mọi người thường nghĩ rằng có thể tự tư vấn cho người thân khi họ gặp vấn đề tâm lý. Kết quả là người nọ tư vấn cho người kia mà không có học thuật, chuyên môn dẫn đến rối loạn trong điều trị tâm lý cho người bệnh", GS.TS Vũ Gia Hiền nêu.

Cạnh đó, chuyên gia tâm lý ở ta được đánh giá là còn non trẻ, khó đáp ứng được với nhu cầu tư vấn tâm lý ngày càng cao. 

Đáng chú ý, theo PGS.TS Trần Văn Cường, ta còn thiếu bác sĩ chuyên khoa tâm thần, nhất là ở các cơ sở y tế tuyến dưới.

Theo kết quả nghiên cứu 'Sức khỏe tâm thần: thực trạng, thách thức và những tiến bộ mới trong chẩn đoán và điều trị' năm 2020 của GS.TS Cao Tiến Đức (Bệnh viện Quân y 103), cả nước có 2 bệnh viện tâm thần tuyến trung ương; 39 bệnh viện tâm thần ở các tỉnh, thành, các tỉnh, thành còn lại có khoa tâm thần trong bệnh viện đa khoa. Số lượng bác sĩ chuyên khoa tâm thần của Việt Nam là 0,32/100.000 dân.

PGS.TS Trần Văn Cường cho rằng để thu hút và có nhiều hơn bác sĩ chuyên khoa tâm thần, Nhà nước cần chú tâm ngay từ khâu đào tạo, có cơ chế lương, chế độ đãi ngộ…

Lưu ý chăm sóc sức khỏe tiền tâm thần

Theo GS.TS Vũ Gia Hiền, nước ta mới chỉ chăm sóc sức khỏe tâm thần; còn quá trình, diễn biến dẫn đến tâm thần thì chưa được quan tâm. Bên cạnh đó, hiện nhiều người vẫn coi những hành vi tâm lý bất thường như buồn rầu, ngại giao tiếp, thậm chí nhốt mình trong phòng… là 'tính nết nó vậy' mà không nghĩ đó là vấn đề tâm lý. Do đó cần trang bị kỹ kiến thức về chăm sóc sức khỏe tiền tâm thần để bệnh nhân đi khám kịp thời.

"Trầm cảm có một đặc điểm là người bệnh thường cảm thấy bị cô đơn, họ co mình lại, chui vào vỏ ốc của họ, không muốn tiếp xúc với ai. Bởi vậy, họ thường sẽ không tự tìm đến bác sĩ hay chuyên gia tư vấn tâm lý để tháo gỡ.

Theo tôi, chính những người thân bên cạnh phải là người khiến họ gỡ được những nút thắt từ khi bắt đầu có triệu chứng của trầm cảm. Không nên để tình trạng cảm xúc bất thường kéo dài dẫn đến hệ lụy", chuyên gia tâm lý Trung Hòa nói.

Trầm cảm và những hệ lụy khôn lường: Làm gì khi bị trầm cảm? Trầm cảm và những hệ lụy khôn lường: Làm gì khi bị trầm cảm?

TTO - Buồn phiền, thu mình, không muốn giao tiếp với ai…, tưởng chừng đó chỉ là cảm xúc nhất thời. Thế nhưng những cảm xúc ấy nếu kéo dài có thể dẫn đến trầm cảm và gây ra nhiều hệ lụy.

DƯƠNG LIỄU - XUÂN MAI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên