11/10/2021 10:21 GMT+7

Lo lắng, trầm cảm mùa COVID-19 làm sao thoát?

LAN ANH
LAN ANH

TTO - 'Sau khi dương tính COVID-19, tôi không ngủ được, không ăn được, người gầy sút...' - một người bệnh COVID-19 bị trầm cảm cho biết.

Lo lắng, trầm cảm mùa COVID-19 làm sao thoát? - Ảnh 1.

Đại dịch khiến người dân lo lắng, là một trong những lý do thúc đẩy chứng rối loạn tâm thần ở nhiều người. Trong ảnh: một người dân tập thể dục, tháng 10-2021 - Ảnh: T.T.D.

Không chỉ người bệnh COVID-19 mới có triệu chứng này mà những người bình thường, sống trong lo lắng cũng mắc phải.

Thống kê của Bộ Y tế cho biết có 11% người mắc COVID-19 trong đợt dịch này chuyển nặng, số còn lại không triệu chứng hoặc triệu chứng rất nhẹ. 

Nhưng ngay với những người không triệu chứng, triệu chứng nhẹ, người nhà bệnh nhân, người không mắc bệnh, nhân viên y tế... đều có thể gặp những triệu chứng bất thường như mất ngủ, ăn ít, ít tiếp xúc do lo lắng COVID-19.

Mắc bệnh vì lo

Bác sĩ Nguyễn Thị Vân, trưởng khoa bán cấp tính nữ, Bệnh viện Sức khỏe tâm thần trung ương (Hà Nội), cho hay trong số các bệnh nhân chị đang điều trị, có một cô gái là du học sinh tại Anh (bậc học thạc sĩ), hiện đang có nhiều bất thường về sức khỏe tâm thần.

"Giai đoạn bệnh nhân ở nước ngoài do lo lắng tiếp xúc sẽ lây bệnh nên cô ấy không tiếp xúc với ai, kể cả bạn trai mà chỉ trao đổi qua điện thoại, đến khi về nước thì nỗi lo lắng tăng lên, dần dà cô không nói chuyện điện thoại với người thân mà chỉ nhận tin nhắn. 

Bố cô ấy cho biết đến giờ không thể gọi cho con gái mà chỉ nhắn tin, mỗi khi có việc cần kíp gia đình liên lạc rất khó khăn. 

Vì có học vấn nên cô ấy nghiên cứu kỹ đơn thuốc và mới đây mới sử dụng thuốc, chúng tôi vẫn chưa can thiệp được nhiều cho bệnh nhân" - bác sĩ Vân cho biết.

Một trường hợp mà bác sĩ Cao Thị Vịnh (trưởng khoa tâm thần người cao tuổi, Bệnh viện Sức khỏe tâm thần trung ương) đang điều trị là nam giới 42 tuổi ở Nghệ An, là công nhân. 

Trong thời gian làm việc "3 tại chỗ" tại nhà máy anh này không nhiễm COVID-19, nhưng khi về nhà thì nhiễm bệnh. 

"Bệnh nhân không ăn được, không ngủ được nhiều ngày, người gầy sút, khả năng tập trung kém, khi bệnh nhân có xét nghiệm âm tính thì tìm đến chúng tôi. Qua khảo sát cho thấy bệnh nhân có triệu chứng rối loạn trầm cảm lo âu rõ" - bác sĩ Vịnh cho biết.

Hay một bệnh nhân khác là sinh viên đại học năm cuối ở Hà Nội. Ban đầu khi chuẩn bị tiêm ngừa COVID-19 thì bệnh nhân tìm hiểu nhiều về vắc xin, sau này thấy một số trường hợp có phản ứng nặng sau tiêm bệnh nhân rất lo lắng, phản đối việc đi tiêm ngừa nhưng cha mẹ vẫn yêu cầu đi tiêm. 

Sau mũi 1 bệnh nhân bắt đầu có triệu chứng rối loạn trầm cảm lo âu, đến khi tiêm mũi 2 thì tình trạng này "bùng nổ", bệnh nhân mất ngủ, khóc nhiều, luôn nhắm mắt vì mở mắt là thấy hình ảnh người thân biến dạng, không muốn tắm và vệ sinh cá nhân, ăn kém... 

Bác sĩ đánh giá bệnh nhân bị loạn thần cấp và đã điều trị khoảng 1 tháng nay, kết quả chuyển biến theo hướng tích cực.

Nhân viên y tế, người độc thân... dễ bị tổn thương hơn

Theo thông báo hôm 10-10 của Bệnh viện Sức khỏe tâm thần trung ương 1 nhân Ngày sức khỏe tâm thần thế giới, kết quả phân tích 66 nghiên cứu trên thế giới về tỉ lệ mắc các rối loạn tâm thần trong đại dịch COVID-19 cho thấy tỉ lệ mắc rối loạn trầm cảm là 31,4%, rối loạn lo âu là 31,9%, căng thẳng là 41,9%, rối loạn giấc ngủ là 37,9%. 

Đặc biệt nhóm dễ bị tổn thương là nhân viên y tế, người ở tuyến đầu chống dịch, người có bệnh lý nền, người sống độc thân...

Tuy nhiên những vấn đề sức khỏe tâm thần không chỉ xuất hiện trong dịch mà ngay cả sau dịch, "hậu COVID-19". 

Bác sĩ Vân cho rằng những người hay nghĩ nhiều đến quá khứ và tương lai đều dễ gặp vấn đề hơn trong giai đoạn này. Trong đó, với người nghĩ nhiều đến quá khứ dễ bị trầm cảm, nghĩ quá nhiều đến tương lai dễ bị rối loạn lo âu, gọi chung là chứng khủng hoảng tâm lý do thảm họa.

Lúc này, sự gần gũi của người thân, gia đình, sự hỗ trợ của cộng đồng và địa phương sẽ giúp họ vơi bớt lo lắng. Nên giúp họ bằng các hoạt động họ thích để có nền tảng trị liệu cho họ, như tập thở, đi dạo, nghe nhạc, dọn nhà...

Qua khảo sát nhu cầu hỗ trợ tâm lý - xã hội của Hội Tâm lý trị liệu Việt Nam (thực hiện từ ngày 18-7 đến 3-8), chủ yếu ở TP.HCM và Hà Nội, kết quả có hơn 28% cho rằng họ bình thường, hoàn toàn bình thường, 45,1% cho biết "có phần lo âu, mệt mỏi", 22% căng thẳng, lo âu, mệt mỏi nhiều, số còn lại vô cùng căng thẳng, lo âu, sợ hãi, kiệt sức.

Trong các khó khăn dẫn đến tình trạng rối loạn về sức khỏe tâm thần, nhiều người được hỏi cho biết khó khăn kinh tế (46,3%) là nỗi lo lớn nhất, thứ đến là khó khăn trong công việc (42,7%), lo mắc COVID-19 (32,9%), các lo lắng khi người thân mắc COVID-19, khó khăn trong gia đình... là các lý do kế tiếp.

Ông Võ Văn Bản, chủ tịch Hội Tâm lý trị liệu Việt Nam, cho hay qua khảo sát trực tuyến (tại Việt Nam), có 40% người được hỏi cho biết cần được tư vấn về sức khỏe tâm thần. 

Tỉ lệ này theo ông Bản là tương đương với thế giới, khi khảo sát trên thế giới cho thấy 47% y bác sĩ cũng cần được tư vấn về sức khỏe tâm thần.

Đại dịch COVID-19 làm tăng rối loạn trầm cảm, lo âu, căng thẳng, mất ngủ... Đại dịch COVID-19 làm tăng rối loạn trầm cảm, lo âu, căng thẳng, mất ngủ...

TTO - Đại dịch COVID-19 làm tỉ lệ mắc rối loạn trầm cảm, lo âu, căng thẳng, mất ngủ tăng từ 31,4-41,1% tùy triệu chứng.

LAN ANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên