07/09/2015 16:04 GMT+7

ĐBSCL: “Vắng bóng” bác sĩ trị tâm thần

THÁI LŨY (lamthuy@tuoitre.com.vn)
THÁI LŨY (lamthuy@tuoitre.com.vn)

TT - Một vấn đề đáng báo động khi khu vực ĐBSCL có số bệnh nhân tâm thần ngày càng tăng, trong khi số bác sĩ chuyên khoa tâm thần ngày càng khan hiếm.

Một bệnh nhân tâm thần bị kích động vừa nhập viện tại Bệnh viện Tâm thần Cần Thơ - Ảnh: T.Lũy

Khoa khám bệnh của Bệnh viện Tâm thần Cần Thơ luôn quá tải. Bác sĩ Thiều Quang Hùng - phó giám đốc Bệnh viện Tâm thần Cần Thơ - lo lắng việc khám phát hiện bệnh nhân tâm thần rất quan trọng, khi khám phát hiện được phải quản lý điều trị bệnh nhân ở cộng đồng cho tốt.

Nhưng việc này đang rất nan giải vì chương trình quản lý bệnh nhân tâm thần ở cộng đồng đang rất thiếu và yếu.

“Đối với năm chuyên ngành hiếm (lao, phong, tâm thần, pháp y, giải phẫu bệnh), theo tôi, nên ưu tiên đào tạo bác sĩ chuyên khoa tâm thần vì áp lực chăm sóc sức khỏe tâm thần trong cộng đồng rất lớn.

Cả tỉnh Long An hiện chỉ có ba bác sĩ chuyên khoa, trong khi phải quản lý khoảng 6.000 người bệnh tâm thần, chưa kể việc khám chữa bệnh hằng ngày tại bệnh viện và số người có vấn đề tâm thần đang tiềm ẩn ngoài xã hội

Bác sĩ Lê Thanh Liêm (giám đốc Sở Y tế Long An)

Chỉ khám ở bệnh viện đã “đuối”

Từ đầu năm đến nay, bình quân mỗi tháng Bệnh viện Tâm thần Cần Thơ khám từ 1.500 đến trên 2.000 lượt bệnh nhân có các vấn đề bệnh lý về tâm thần.

Trong đó nhiều nhất là bệnh nhân bị bệnh tâm thần phân liệt - hoang tưởng, rối loạn tâm thần và hành vi, rối loạn liên quan đến stress, rối loạn khí sắc - trầm cảm, động kinh...

Theo tâm lý chung, đa số người bệnh và gia đình rất e dè khi đến khám bệnh ở bệnh viện tâm thần, vì vậy chỉ khi bệnh có dấu hiệu nặng, có các hành vi kích động hay suy sụp, họ mới đến bệnh viện.

Ở Bệnh viện Tâm thần Cần Thơ, trò chuyện với bà N.T.H. (ở xã Thạnh Xuân, huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang), bà kể: “Tui có thằng con trai sau thời gian làm ăn thất bại nó đâm ra rượu chè liên miên, tính tình thay đổi hẳn.

Suốt ngày nó rượu vào là la mắng, chửi bới mọi người rồi hăm chém chết tui với mấy người xung quanh. Cả nhà chịu đựng nó rất lâu, giờ nghe người quen kêu đi khám mới biết nó bị loạn thần do lạm dụng rượu”.

Cũng có trường hợp các cô gái lấy chồng nước ngoài, bị ngược đãi hoặc sống trong môi trường tù túng, ít giao tiếp kéo dài dẫn đến trầm uất phát bệnh. Nếu không được chia sẻ, thông cảm dễ bị rối loạn tâm thần cấp, thêm tình trạng ngược đãi thì khả năng bị tâm thần phân liệt là điều dễ hiểu.

Bà L.T.T. (ở Thốt Nốt, TP Cần Thơ) có con gái đang điều trị ở Bệnh viện Tâm thần Cần Thơ kể: “Lúc mới vào bệnh viện nó quậy phá, la hét dữ lắm nên mấy bác sĩ phải xích trên giường, cho uống thuốc mấy ngày nay đã tỉnh táo, đỡ hơn rồi.

Mấy năm trước gia đình khó khăn, gả nó đi lấy chồng ở Đài Loan. Ai ngờ mấy năm sau nhà chồng trả nó về với tấm thân tàn tạ, rồi nó ngơ ngác và hay lảm nhảm nói chuyện một mình. Càng lúc càng nặng thêm, la hét, đập phá, bỏ nhà đi. Lúc tìm được con, tui liền đưa lên đây chữa bệnh”.

Với nỗi lo không thể phát hiện hết các bệnh nhân tâm thần ngoài cộng đồng, bác sĩ Huỳnh Văn Điện - trưởng khoa tâm thần Bệnh viện Đa khoa An Giang - cho biết: “Việc phát hiện bệnh nhân tâm thần mới chủ yếu do người dân tự đến, mỗi năm khoa của chúng tôi khám trên 22.000 lượt bệnh nhân có vấn đề về tâm thần.

Việc phát hiện và quản lý điều trị bệnh tâm thần tại cộng đồng là vô cùng cấp thiết, vì tình trạng bệnh nhân có vấn đề về tâm thần ngày càng gia tăng, số lượng người tâm thần gây án liên tiếp xảy ra gây bất an trong cộng đồng”.

Đồ họa: Việt Anh

Khó tìm người

Tại An Giang, khoa tâm thần của bệnh viện đa khoa đang quản lý điều trị tại cộng đồng trên 2.400 bệnh nhân (tâm thần phân liệt, động kinh). Tỉnh An Giang mới chỉ có ba bác sĩ chuyên khoa tâm thần đang công tác tại khoa tâm thần Bệnh viện Đa khoa An Giang, vì vậy việc khám, điều trị cho bệnh nhân tại bệnh viện, phân loại bệnh để đưa về địa phương quản lý là công việc chủ yếu. Theo bác sĩ Điện, “còn rất ít thời gian cho việc đi cộng đồng tổ chức khám sàng lọc”.

Ở TP Cần Thơ được xem có nhiều bác sĩ chuyên khoa tâm thần nhất so với các tỉnh trong khu vực, hiện Bệnh viện Tâm thần Cần Thơ đang có bảy bác sĩ (trong đó một người đang đi học), số giường bệnh tại bệnh viện là 25 giường. Với số lượng khám mỗi tháng gần 2.000 bệnh nhân tại bệnh viện như hiện nay, việc đi khám sàng lọc và quản lý bệnh nhân tại cộng đồng là rất khó khăn.

Bác sĩ Hùng cho biết khi khám phát hiện điều trị ổn tại bệnh viện, bệnh viện lập hồ sơ đưa về trạm y tế quản lý (bệnh tâm thần phân liệt và động kinh) để cấp thuốc hằng tháng, tuy nhiên ở tuyến xã chỉ có y sĩ hoặc điều dưỡng quản lý, trong khi họ phải kiêm nhiều chương trình khác tại cộng đồng nên rất khó “tròn” cho riêng bệnh nhân tâm thần.

Trong các cuộc hội thảo đào tạo tại Trường ĐH Y dược Cần Thơ vừa qua, hầu hết các tỉnh trong khu vực đều cho biết rất thiếu bác sĩ chuyên khoa tâm thần, vì đây là ngành nguy hiểm, khó kiếm thêm thu nhập.

Bác sĩ Bùi Thị Lệ Phi - giám đốc Sở Y tế Cần Thơ - nói: “Thành phố sắp khởi công xây dựng bệnh viện tâm thần 100 giường nhưng tìm không ra người, có trường hợp lúc đầu cam kết về công tác nhưng đến khi tốt nghiệp lại “bẻ kèo” không muốn về bệnh viện tâm thần. Chúng tôi rất đau đầu về việc thiếu bác sĩ các chuyên ngành hiếm này”.

Điều trị sự nóng giận

Gần đây những vụ án giết người ngày càng gia tăng. Nội dung trong những bản cáo trạng bao giờ cũng có câu “do tức giận”, “do quá nóng giận”, “xảy ra cự cãi, xô xát”, đỉnh điểm là chém giết nhau.

Theo GS.TS Vũ Gia Hiền (Hội Khoa học tâm lý giáo dục TP.HCM), sự nóng giận được xem là một dạng bệnh lý trong tâm lý học, đó còn gọi là quá trình “ủ bệnh”. Khi bị kích thích bởi tác động bên ngoài (chửi bới, khích bác, đánh đập, những hình ảnh bạo lực…), nó sẽ rất dễ bộc phát dẫn đến mất khả năng kiểm soát hành vi.

Để khắc phục những hậu quả không đáng có do sự nóng giận, với trẻ em không nên giáo dục bằng lời lẽ xúc phạm, roi vọt, trói nhốt. Có nghĩa là không nên để trẻ em có những cái sợ mang tính bản năng (sợ đau). Khi sự sợ hãi ngày càng nhiều, mức độ sợ càng cao, nó tích tụ dần cho đến khi chạm ngưỡng. Lúc đó con người không còn biết thế nào là sợ nữa. Tiếp sau đó, không ai dự liệu được việc gì sẽ xảy ra.

Thay vào đó, phụ huynh và thầy cô nên giáo dục trẻ em sợ những điều mang tính tinh thần. Như không học tập thì tương lai khó khăn, không lao động thì không có ăn, làm điều sai trái sẽ bị xử phạt, mất danh dự, mất sĩ diện, bị xã hội xa lánh… Khi nhận thức được hệ quả từ những hành vi sai trái thì các em sẽ hạn chế, tránh xa.

Đặc biệt, không nên để các em tiếp xúc nhiều với những sản phẩm phim ảnh, đồ chơi, truyện sách, thế giới ảo có tính bạo lực.

Đối với thanh thiếu niên trở lên, mỗi người phải rèn sự kiên nhẫn, bình tĩnh trong mọi hoàn cảnh. Trẻ em kiên nhẫn, chịu đựng một chút sẽ trưởng thành hơn. Với người trưởng thành, nhẫn một chút trước những điều mắt thấy tai nghe, dễ làm mình có cảm xúc mạnh sẽ cao cả hơn rất nhiều.

Về những cơn ức chế, chúng ta hoàn toàn có thể tự giải phóng như giải phóng ức chế cơ bắp. Bằng cách tập thể thao, cơ bắp được giải phóng làm tiêu hao nhiều hormone làm chúng ta tức giận. Hoặc nghe nhạc sẽ giúp thoải mái tinh thần.

Trong trường hợp nhận thấy sự “ủ bệnh” đã nhen nhóm, người đó nên tự rút lui khỏi sự việc, tránh xa những thứ kích thích như bia rượu, ma túy, vật dụng sắc nhọn. Trường hợp không thể kiểm soát hành vi bản thân, nên tìm đến bác sĩ tâm lý để được điều trị kịp thời.

MINH HUYỀN

 

THÁI LŨY (lamthuy@tuoitre.com.vn)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên