TP.HCM: Trường được dạy thêm nếu học sinh tự nguyện

MỸ DUNG - HOÀNG HƯƠNG, hoanghuong@tuoitre.com.vn
MỸ DUNG - HOÀNG HƯƠNG, hoanghuong@tuoitre.com.vn

TTO - “Nghe tin TP cho phép giáo viên được dạy thêm như trước, tôi rất mừng, không phải lo lắng như trước nữa”- bà Hoàng Diễm, phụ huynh học sinh lớp 12 Trường THPT Bùi Thị Xuân, TP.HCM, cho biết như vậy.

*** Error ***
Học sinh Trường THPT Lê Quý Đôn, Q.3, TP.HCM trong giờ học môn hóa học. Đây là trường dạy 2 buổi/ngày. Theo quy định mới của TP, những trường dạy 2 buổi/ngày sẽ thuộc diện không được phép dạy thêm - Ảnh: NHƯ HÙNG

Theo bà Diễm: “Con gái tôi dự định thi khối B, nên ngay từ năm lớp 10 cháu đã học thêm ba môn: toán, hóa, sinh với các thầy cô trong trường. Đến đầu năm học này, thực hiện lệnh cấm dạy thêm của TP, các thầy cô giáo trong trường cháu ngưng dạy thêm."

"Từ đó đến nay đã hai tháng mà con tôi vẫn chưa tìm được chỗ học thêm ưng ý. Cháu đã quen với cách dạy của thầy cô trong trường, chuyển qua học thầy cô trường khác gặp nhiều khó khăn, không tiếp thu được bài như ý muốn. Nghe tin TP cho phép giáo viên được dạy thêm như trước, tôi rất mừng, không phải lo lắng như trước nữa” - bà Diễm nói.

Phải trên tinh thần tự nguyện

Theo thông báo kết luận của thường trực Thành ủy TP.HCM về công tác quản lý hoạt động dạy thêm, học thêm trên địa bàn TP, việc dạy thêm, học thêm được tổ chức trong nhà trường trên cơ sở tự nguyện của học sinh (HS). Nhà trường phải khảo sát, phân chia lớp học theo cấp độ học lực, trình độ của HS.

Danh sách lớp học thêm, nội dung, chương trình giảng dạy do hiệu trưởng quyết định. Nhà trường cần tạo điều kiện cho HS được lựa chọn giáo viên theo học, phân bổ hợp lý thời gian dạy thêm, học thêm cho giáo viên và HS.

Tuy nhiên, thường trực Thành ủy cũng yêu cầu ngành GD-ĐT TP phải chấn chỉnh công tác quản lý dạy thêm, học thêm tràn lan. Không tổ chức dạy thêm, học thêm đối với các trường có HS học 2 buổi/ngày và đối với HS tiểu học, trừ các trường hợp bồi dưỡng về nghệ thuật, thể dục thể thao và rèn luyện kỹ năng thực hành xã hội.

Ngoài ra, các trường phổ thông cần quan tâm, chú trọng việc phụ đạo, bổ sung kiến thức cho HS chưa theo kịp chương trình và bồi dưỡng HS giỏi bằng ngân sách TP, không thu học phí với các em.

Ông Nguyễn Thành Phát, hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Văn Tố, quận 10, chia sẻ: “Quyết định trên là hợp lý. Một bên là nhà trường có nhu cầu mở lớp dạy thêm, còn bên kia HS cũng có nhu cầu học; việc tổ chức học thêm trong nhà trường là đáp ứng đúng nhu cầu của phụ huynh HS."

"Nhiều năm qua, chúng tôi tổ chức cho HS học thêm theo mô hình chuyên đề và mô hình câu lạc bộ, được nhiều phụ huynh đồng tình (HS chỉ học đến 15g là kết thúc chương trình mỗi ngày. Em nào có nhu cầu học thêm thì đăng ký học câu lạc bộ: bóng đá, bóng bàn, cầu lông, đàn ghita, đàn organ, nhảy hiện đại, múa, mỹ thuật... hoặc học chuyên đề rèn chữ, rèn cách hành văn, rèn kỹ năng giải toán...)".

Bà Nguyễn Lê Mai, phụ huynh có con học lớp 7 tại quận Tân Bình, chia sẻ: “Đầu năm học 2016-2017, nhà trường không tổ chức dạy thêm, vợ chồng tôi hết sức vất vả. Không thể để con ở nhà lúc nào cũng “ôm” cái iPad hoặc tivi. Buổi tối, chúng tôi ở nhà với con, nhưng lại không thể dạy con học vì cháu càng lớn, kiến thức học càng rộng".

"Chúng tôi phải đi tìm chỗ học thêm cho con. Trường không dạy thêm, các thầy cô cũng không mở lớp dạy thêm tại nhà, chỉ còn cách đăng ký cho con học thêm ở trung tâm với mức học phí cao gấp đôi so với học thêm trong trường. Rồi phải thuê xe ôm đưa rước cháu đi học thêm buổi chiều, rất tốn kém”.

Bà Mai đúc kết: “Bây giờ tôi chỉ mong ban giám hiệu trường con tôi sớm tổ chức lại lớp học thêm trong trường, học phí “mềm” hơn, con tôi có thể đi bộ đi học vì trường ở gần nhà, rất tiện và lợi”.

Theo kết luận của Thành ủy TP.HCM, việc chấm dứt dạy, học thêm tràn lan, tiêu cực sẽ được thực hiện theo lộ trình. Trước mắt, nhà trường được dạy thêm nhưng trên cơ sở học sinh tự nguyện. Trong ảnh: Đưa đón học sinh học thêm tại một trường trên địa bàn quận 1, TP.HCM - Ảnh: HỮU KHOA

Giáo viên chờ hướng dẫn cụ thể

Theo ông Cao Văn Đưa, hiệu trưởng Trường THCS Hoa Lư (Q.9): việc các trường được phép dạy thêm trong khuôn viên trường là một “nút mở”, tạo nhiều thuận lợi cho cả lãnh đạo nhà trường, giáo viên và chính phụ huynh HS. Nhà trường vẫn là nơi quản lý tốt nhất việc học của HS. Việc cho phép các trường dạy thêm sẽ tránh được tình trạng giáo viên bắt ép HS học thêm. Phụ huynh cũng đánh giá được chất lượng học thêm và tránh được cả tâm lý “không an tâm” khi học thêm ở trung tâm.

Ông Đỗ Đức Anh, giáo viên môn văn Trường THPT Bùi Thị Xuân, cho rằng: “Đây là thông tin sẽ khiến nhiều người vui mừng. Riêng tôi, tôi cảm thấy như đã tháo gỡ được những gút mắc trong lòng về việc làm thêm của nhà giáo. Tuy nhiên, tôi còn chờ hướng dẫn cụ thể của UBND TP, Sở GD-ĐT TP. Chúng tôi có được dạy thêm cho HS chính khóa không?”.

Ông Đức Anh trình bày quan điểm: “Nếu cấm giáo viên dạy thêm cho HS chính khóa là vô lý. Bởi hơn ai hết, người thầy giáo biết rõ học trò mình yếu cái gì, cần bổ sung phần nào. Chỉ ngại những trường hợp giáo viên ép HS học thêm mà thôi. Vấn đề quan trọng là phương pháp quản lý."

"Nếu tất cả các trường cho HS làm bài kiểm tra theo đề chung, do ban giám hiệu trường lấy từ ngân hàng đề thì giáo viên không thể nào ép, giấu bài hay “đì” HS được. Vả lại, hiện các trường cũng có hộp thư góp ý, nếu xảy ra tình trạng ép HS học thêm thì phụ huynh, HS có thể phản ảnh ngay. Tôi cũng hi vọng các cấp quản lý xử lý nghiêm những trường hợp ép HS học thêm để làm gương”.

Trong khi đó, hiệu trưởng một trường THCS lại phân tích: “Việc cho phép dạy thêm trong nhà trường chỉ tốt với HS trong trường hợp ý thức người thầy tốt, ý thức tập thể đó phải tốt và trùng khớp với ý của lãnh đạo nhà trường. Một giáo viên được nhiều HS chọn quá thì những giáo viên khác sẽ... không thích, cái này chưa tính đến vấn đề tài chính, mà nhiều khi còn là danh dự. Vậy thực tế nói là HS được đăng ký giáo viên, nhưng hiệu trưởng thế nào cũng phải “phân bổ” để tránh sự chênh lệch, để phần đông giáo viên hài lòng”.

Vị hiệu trưởng này cho rằng việc cho phép dạy thêm trong nhà trường trước mắt vẫn có lợi cho người học nhiều hơn, nhưng về lâu dài cần phải tiến đến “HS chỉ học trong giờ học ở trường và không học thêm, dạy thêm nữa. Muốn vậy, giáo viên phải dạy đủ, dạy hết mình trong trường. Và điều kiện cần vẫn là đời sống giáo viên phải được nâng lên”.

Chấm dứt dạy, học thêm tràn lan, tiêu cực sẽ theo lộ trình

“Chủ trương chấm dứt tình trạng dạy thêm, học thêm tràn lan, tiêu cực của thường trực Thành ủy là đúng với nghị quyết, chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước và mong muốn của nhân dân TP.

Tuy nhiên trong điều kiện hiện nay, nội dung, chương trình và phương pháp giáo dục còn chậm đổi mới, phương pháp thi cử còn nặng về kiểm tra kiến thức, nên nhu cầu học thêm vẫn còn trong một bộ phận phụ huynh HS. Vì vậy, việc triển khai chủ trương trên cần quyết liệt nhưng phải có lộ trình, cách làm phù hợp, cụ thể, hạn chế tối đa những tác động tiêu cực đến phụ huynh HS và đội ngũ thầy cô giáo.

Do đó, thường trực Thành ủy giao Ban cán sự Đảng ủy UBND TP chỉ đạo UBND TP khẩn trương trình Ban thường vụ Thành ủy lộ trình chấm dứt tình trạng dạy thêm, học thêm tràn lan, tiêu cực; nghiên cứu, nâng tỉ lệ HS học hai buổi/ngày, giảm sĩ số HS/lớp để đảm bảo nâng chất lượng giảng dạy trong nhà trường.

Tạo điều kiện cơ sở vật chất thuận lợi để đổi mới phương pháp giảng dạy, học tập; tăng cường các hoạt động thí nghiệm, thực hành, văn - thể - mỹ, các hoạt động Đoàn Hội, giáo dục kỹ năng thực hành xã hội cần thiết cho HS, nhằm để HS phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học”.

(trích thông báo kết luận của thường trực Thành ủy TP.HCM về công tác quản lý hoạt động dạy thêm - học thêm trên địa bàn TP)

Học thêm là nhu cầu có thật của học sinh TP

“Việc cho phép các trường tổ chức dạy thêm trong nhà trường thực sự là tin vui với các trường. Đối với ban giám hiệu, việc cho phép dạy thêm trong nhà trường sẽ có nhiều thuận lợi trong điều hành công việc, quản lý giáo viên, tạo thêm nguồn thu cho trường, cho giáo viên và theo sát HS hơn. Đối với HS, các em sẽ được học với thầy cô mà mình đã biết rõ, không phải đi lại nhiều nơi, an toàn và mức giá học cũng hợp lý hơn so với ở ngoài. Với chương trình học và thi cử như hiện nay, nếu không học thêm thì HS khó lòng có thể vào các trường ĐH hoặc vượt qua những kỳ thi khác. Học thêm là nhu cầu có thật của HS THPT hiện nay. Vì thế, nếu HS được học thêm trong trường THPT mà mình đang theo học với tinh thần tự nguyện và được chọn lựa giáo viên như mong muốn thì việc học thêm này sẽ có nhiều lợi thế hơn so với đăng ký học thêm ở ngoài”.

Ông Lương Văn Định (hiệu trưởng Trường THPT Trường Chinh, TP.HCM)

MỸ DUNG - HOÀNG HƯƠNG, hoanghuong@tuoitre.com.vn
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên