10/08/2018 14:03 GMT+7

TP.HCM kêu gọi đầu tư chống ngập

Q.KHẢI - L.PHAN
Q.KHẢI - L.PHAN

TTO - TP.HCM mong muốn thực hiện nhiều dự án chống ngập, xử lý nước thải, nhưng nguồn lực có hạn nên kêu gọi đầu tư nhằm huy động nguồn lực xã hội tham gia vào lĩnh vực này.

TP.HCM kêu gọi đầu tư chống ngập - Ảnh 1.

Nhà máy xử lý nước thải Tham Lương - Bến Cát (Q.12, TP.HCM) hoàn thành năm 2017, nhưng đến nay chưa hoàn thiện hệ thống thu gom do thiếu vốn - Ảnh: QUANG KHẢI

Ông Trần Vĩnh Tuyến, phó chủ tịch UBND TP.HCM, chia sẻ như trên tại hội nghị kêu gọi đầu tư các giải pháp chống ngập và xử lý nước thải, ngày 9-8. Hội nghị có sự tham dự của Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân.

Ngân sách đáp ứng chưa tới 30% nhu cầu

Tại hội nghị, TP công bố 17 dự án công trình chống ngập và xử lý nước thải cần mời gọi đầu tư. Theo bà Nguyễn Thị Thu Hoa - phó giám đốc Sở Kế hoạch và đầu tư, nhu cầu đầu tư phát triển TP trong giai đoạn 2016-2020 là 1,8 triệu tỉ đồng. 

Trong đó, đầu tư chống ngập, xử lý nước thải của TP là hơn 73.395 tỉ đồng. 

Ngân sách TP chỉ cân đối khoảng 16.338 tỉ đồng, ngân sách trung ương hỗ trợ gần 590 tỉ. Vì vậy phần vốn còn lại 56.415 tỉ đồng cần huy động từ nguồn xã hội hóa qua hình thức đầu tư đối tác công tư (PPP) và kết hợp giữa vốn ODA với PPP.

Đánh giá về quá trình đầu tư các dự án chống ngập, xử lý nước thải thời gian qua, ông Nguyễn Hoàng Anh Dũng, phó giám đốc Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước TP, cho rằng đã đạt được một số kết quả nhưng vẫn chưa đáp ứng yêu cầu. 

Cống thoát nước chỉ mới đầu tư hơn 4.700/6.000km, mới xây dựng 3 nhà máy xử lý nước thải với tổng công suất 300.000m3/ngày, trong khi theo quy hoạch đến năm 2020 phải hoàn thành tổng cộng 12 nhà máy xử lý nước thải với tổng công suất lên đến hơn 2,9 triệu m3/ngày.

"Việc đầu tư các dự án chống ngập chậm khiến tình hình ngập kéo dài, gây bức xúc trong xã hội. Còn dự án nhà máy xử lý nước thải chậm, thiếu đồng bộ kéo theo vấn đề ô nhiễm môi trường" - ông Dũng nhìn nhận.

Sớm hoàn thiện khung pháp lý

Tại hội nghị, nhiều đơn vị đã đề xuất nhiều giải pháp xử lý nước thải theo công nghệ mới, giúp tiết kiệm chi phí đầu tư, cải thiện môi trường. 

Đại diện một công ty nước ngoài giới thiệu giải pháp xử lý nước thải theo công nghệ sinh học, giúp giảm 60% diện tích, giảm 30-35% điện năng, bùn thải cũng như chi phí đầu tư. Mô hình này có thể biến khu xử lý nước thải thành vườn sinh thái nằm xen lẫn trong các khu dân cư.

Một công ty trong nước cũng giới thiệu mô hình "nhà máy xử lý nước thải phân tán" đầu tư lắp đặt trực tiếp tại các cống xả quy mô nhỏ, giúp giảm đáng kể phí đầu tư và tái sử dụng mặt bằng tại các khu xử lý này cho mục đích khác... 

Đại diện Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) lưu ý việc thực hiện theo phương thức PPP có những vấn đề cần giải quyết như sớm hoàn thiện về khung chính sách, rủi ro liên quan nguồn vốn... để các doanh nghiệp an tâm đầu tư.

Về vấn đề này, bà Vũ Quỳnh Lê - phó cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu, Bộ Kế hoạch và đầu tư - cho hay dự kiến đến năm 2020 mới có Luật đầu tư theo hình thức công - tư. 

Hiện khung pháp lý áp dụng cho hình thức đầu tư này là nghị định 63 năm 2018, nhưng bị điều chỉnh bởi một số luật khác như Luật đầu tư công... 

Cũng theo bà Lê, hiện Bộ Kế hoạch và đầu tư đang trong quá trình dự thảo xây dựng quy định liên quan đến PPP. Dự kiến đến tháng 5-2019 sẽ trình các cấp thẩm quyền và sẽ đưa ra diễn đàn Quốc hội bàn khoảng 6 tháng sau đó.

Phó chủ tịch UBND TP Trần Vĩnh Tuyến cho biết tiếp thu đầy đủ các ý kiến đóng góp, đặc biệt các kinh nghiệm chống ngập của Hà Lan cũng như đồng tình với lưu ý của Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân về nội dung: phát triển không đúng cách, phát triển về phía nam, về biển có thể cũng góp phần gây ngập. 

Từ đó, TP xác định chính xác nguyên nhân gây ngập để giải quyết. Về lâu dài, TP sẽ điều chỉnh lại quy hoạch thoát nước.

Một số dự án ưu tiên mời gọi đầu tư

Theo ông Nguyễn Hoàng Anh Dũng, hiện trong 17 dự án cần mời gọi đầu tư, giai đoạn năm 2018-2019 ưu tiên các dự án xây dựng các nhà máy xử lý nước thải lưu vực Tây Sài Gòn, Bình Tân, lưu vực Tân Hóa Lò Gốm; dự án xây dựng hệ thống thoát nước mưa và ngăn triều lưu vực từ cầu Tham Lương đến sông Chợ Đệm, cải tạo nạo vét nhiều đoạn kênh rạch...

Giai đoạn năm 2020-2021 sẽ tập trung vào dự án tương tự tại quận 8, Thủ Đức; các huyện Hóc Môn, Củ Chi và Bình Chánh.

Dự án chống ngập đình trệ, TP.HCM sẽ ngập nặng hơn? Dự án chống ngập đình trệ, TP.HCM sẽ ngập nặng hơn?

TTO - TP.HCM đã vào mùa mưa, mưa lớn liên tục hai ngày qua làm nhiều khu vực nội thị ngập sâu trong nước. Trong khi đó, các dự án chống ngập bị đình trệ.

Q.KHẢI - L.PHAN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên