23/05/2018 15:12 GMT+7

3 nguyên nhân khiến chống ngập TP.HCM không có lối ra

ĐỖ THỊ HUỲNH HOA
ĐỖ THỊ HUỲNH HOA

TTO - Theo bạn đọc Đỗ Thị Huỳnh Hoa, có 3 nguyên nhân gồm: Không tôn trọng quy luật 
"nước chảy chỗ trũng"; quy định "cốt nền" 
không khoa học và kênh rạch thoát nước bị san lấp, thu hẹp dòng chảy vô tội vạ, khiến việc chống ngập TP.HCM khó khăn!

3 nguyên nhân khiến chống ngập TP.HCM không có lối ra - Ảnh 1.

Đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, Q.Bình Thạnh sau cơn mưa tối 19-5-2018 - Ảnh: T.L

Nhằm góp thêm góc nhìn, chuyên mục Bạn đọc làm báo xin giới thiệu ý kiến này.

Không tôn trọng quy luật "nước chảy chỗ trũng"

Có lần tôi ở trên máy bay về Sài Gòn khi trời đang mưa. Từ trên máy bay nhìn về phía nam của thành phố - vốn là vùng thoát nước của Sài Gòn trước khi đổ ra biển - giờ bị san lấp, nâng cao và như những đê bao bằng nhà cao tầng, ngăn không cho nước từ trung tâm TP xuôi xuống phía nam để ra biển. 

Quận 7, Nhà Bè từ vị trí "chỗ trũng" giúp thoát nước cho cả thành phố, sau khi thực hiện đô thị hóa thì đã chuyển vị trí "chỗ trũng" về cho các quận nội thành khiến các quận này ngập nặng.

Quy định "cốt nền" không khoa học

Cốt nền hay còn gọi là cốt xây dựng, là cao độ xây dựng tối thiểu bắt buộc phải tuân thủ, được chọn phù hợp với quy hoạch về cao độ nền và thoát nước mưa.

Người Pháp khi xây dựng đô thành Sài Gòn - Gia Định hơn thế kỷ trước, có lẽ đã dựa vào địa hình bấy giờ của một thành phố có chiều dốc từ bắc xuống nam để định chỉ số cốt nền cũng từ cao ở phía bắc và thấp dần khi xuôi về nam. 

Họ quy hoạch mật độ khu đô thị, phân bổ dân cư cũng dựa trên đặc thù này, chứ không quy định cốt nền chỉ chung ở một mức tối thiểu nào đó trở lên như hiện nay. 

Để rồi những năm gần đây, việc "loạn cốt nền" đã góp phần không nhỏ vào việc biến thành phố từ một vài chỗ ngập khi trời mưa lớn, thành nhiều chỗ ngập như hiện nay.

Hơn một năm trước, báo Tuổi Trẻ có đăng những bài liên quan đến cốt nền như "Kiến nghị điều chỉnh cốt nền tại TP.HCM" (17-8-2016), "Khắc phục "loạn" chuẩn cốt nền" (10-4-2017), nhưng đến nay cốt nền như thế nào để giúp chống ngập cho thành phố vẫn chưa có một căn cứ đảm bảo khoa học nào và việc thực hiện cốt nền ra sao vẫn chưa có sự kiểm soát.

Kênh rạch thoát nước bị san lấp, thu hẹp dòng chảy vô tội vạ

Hồi trước, mỗi lần qua các cầu: Sài Gòn, Bình Lợi, Bình Triệu, Rạch Chiếc, Ông Dầu... thấy sông rạch rộng mênh mông, giờ còn có... chút xíu. 

Đó là chưa nói đến một số ao hồ trữ nước (như hồ Bình An thuộc Bình Dương, ở phía đông bắc thành phố), kênh rạch dẫn nước ra sông ngòi (kênh Hàng Bàng ở quận 6) đã bị lấp vô tội vạ.

Bên cạnh đó, xu hướng ximăng hóa mặt đất, không còn chỗ cho nước thẩm thấu vào đất cũng là một trong những nguyên nhân gây ngập mỗi khi mưa lớn kết hợp triều cường.

Ngoài 3 nguyên nhân trên khiến chống ngập TP.HCM không có lối ra, theo bạn còn có nguyên nhân nào khác? Hãy chia sẻ với chúng tôi qua phần BÌNH LUẬN dưới bài viết hoặc email: dandt@tuoitre.com.vn. Cảm ơn bạn!

Chẳng lẽ TP.HCM cứ ngập hoài sao? Chẳng lẽ TP.HCM cứ ngập hoài sao?

TTO - TP.HCM cần tính đến những giải pháp căn cơ, bài bản hơn, lâu dài hơn, không thể chắp vá, đối phó ăn đong mãi được. Chẳng lẽ TP.HCM cứ mưa là ngập hoài sao?

ĐỖ THỊ HUỲNH HOA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên